Tôi đã từng gặp những bạn trẻ mới ra trường, các bạn rải hàng trăm hồ sơ với ý nghĩ nếu đỗ thì làm thử rồi chọn. Có bạn tới công ty nhận việc vào buổi sáng, buổi chiều thì mất hút không một lời hồi âm, khi nhân sự gọi điện hỏi thì trả lời một câu rất vô trách nhiệm rằng “em đã tìm được chỗ phù hợp hơn” hay “em cảm thấy công ty không hợp với em”,…
Hay trường hợp một đồng nghiệp cũ cùng bộ phận với tôi đã làm việc lâu năm, mọi thứ vẫn rất vui vẻ cho tới một buổi sáng tôi nhận được một email bàn giao công việc, cùng với đó là đơn xin nghỉ của cậu ta gửi tới sếp, không có một cuộc bàn giao trực tiếp nào diễn ra sau đó.
Dĩ nhiên trong mắt đồng nghiệp, cậu ta ra đi đã để lại món quà là những ấn tượng không mấy tốt đẹp về mình. Sau đó không lâu, tôi nghe nói rằng cậu ta nộp hồ sơ ở một vài công ty khác. Phỏng vấn rất tốt nhưng lại không được nhận, lý do là các nhà tuyển dụng không khó để kiểm tra lại thông tin về cậu ta ở công ty cũ và người đồng nghiệp của tôi đã nằm trong danh sách đen của họ.
Hãy nhớ lại khi bạn phỏng vấn xin việc bạn đã nói bao nhiêu lời hay, hứa hẹn biết bao điều tốt đẹp vậy thì tại sao khi nghỉ việc, lại không nghỉ việc một cách lịch sự và có trách nhiệm?
Hầu hết các công ty đều có quy định nghỉ việc phải thông báo trước ít nhất 30 ngày để họ tìm người thay thế, tuy nhiên nhiều người lại thông báo nghỉ việc trong thời gian rất ngắn, thậm chí có những người ăn chắc, xin được việc chỗ khác rồi mới thông báo nghỉ trước 1, 2 ngày khiến nhân sự không kịp trở tay, công việc thì dang dở.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên thông báo nghỉ sớm và bàn giao công việc trước khi rời đi. Trong trường hợp bạn đi phỏng vấn ở nơi khác, hãy để xuất thời gian thích hợp để nhận việc. Nhà tuyển dụng và đồng nghiệp sẽ đánh giá cao tình thần trách nhiệm của bạn.
Khi đến, bạn viết đơn xin việc, thì khi đi cũng nên có một lời cảm ơn chân thành. Nếu đã có quyết định nghỉ, cách làm tốt nhất là bạn nên có một cuộc nói chuyện trực tiếp với sếp hoặc nhân sự để trình bày lý do nghỉ việc, rằng quyết định này là từ bản thân bạn chứ không phải từ phía công ty. Đừng đưa ra những lý do nói xấu công ty hay kể về những nỗi bức xúc của bạn, mặc dù điều đó có thể đúng. Thay vì vậy, hãy nói lời cảm ơn để đôi bên giữ được những ấn tượng tốt về nhau.
Bạn nên có đơn xin nghỉ việc (qua mail hoặc viết tay) cùng với đó là sự xác nhận giữa đôi bên để đảm bảo quyền lợi của bạn sau khi nghỉ việc. Hãy làm việc hết trách nhiệm đến ngày cuối cùng.
Đừng tỏ ra kém nhiệt tình và làm việc một cách hời hợt khi bạn đã xin nghỉ và tìm được cho mình một cơ hội mới. Hãy hoàn thành tốt công việc, vì đó vẫn là trách nhiệm của bạn và nên nhớ rằng công ty vẫn trả lương cho bạn trong khoảng thời gian đó, vì vậy hãy bàn giao đầy đủ và nhiệt tình hướng dẫn cho người mới đảm trách.
Nếu đã xác định nghỉ việc, tuyệt đối đừng nói xấu sếp, đồng nghiệp hay công ty. Trái đất rất tròn, nếu bạn sang công ty mới và vẫn trong lĩnh vực chuyên môn thì bạn vẫn có thể gặp lại họ bất kỳ lúc nào.
Một điều nữa là những thông tin về bạn sẽ luôn được lưu giữ và nhà tuyển dụng nào cũng có thể kiếm tra lại khi bạn ứng tuyển vào công ty của họ. Vì vậy, hãy có một kết thúc tốt đẹp như chính cách mà bạn đã bắt đầu.
Gần đây, tôi có phỏng vấn một cô gái trẻ nhưng có đến 20 công việc trong CV trong 3 năm làm việc. Khi được hỏi lý do nghỉ việc, thật đáng tiếc, câu trả lời đêu bắt đầu bằng: “Tôi không thích…”. Chắc chắn vì lý do này mà cô bé sẽ mất cơ hội có được công việc đáng mơ ước.
Bạn có thể nói rằng mình cần phải khám phá xem bản thân mình muốn làm gì chứ không phải do bản thân chưa có định hướng. Nhưng việc hoàn thiện bản thân và việc lấp kín CV bằng những công việc không đem lại giá trị lại là 2 việc hoàn toàn khác nhau:
“Bạn có thể làm nhiều công việc khác nhau để có thêm nhiều kinh nghiệm không phải là điều xấu. Tuy nhiên hãy cố gắng đừng làm quá nhiều thứ trong một khoảng thời gian vì nó giới hạn sự lựa chọn cúa bạn. Rồi sẽ đến một ngày, bạn sẽ phải chịu hậu quả, trừ trường hợp bạn là người có tài năng thiên phú trong việc học những kỹ năng mới”.
Con người không chịu thất bại thì cũng khó có thể thành công. Bạn không cần hạn chế con đường sự nghiệp của mình quá sớm nhưng cần cố gắng tích lũy kỹ năng và niềm đam mê cho tương lai. Hãy nhớ 5 nguyên tắc:
1. Đừng nhảy việc chỉ vì vài thứ bạn không thích.
2. Hãy nhảy việc khi bạn không học hỏi được điều gì bổ ích.
3. Nếu bạn nhảy việc thường xuyên thì cũng đừng chặt đứt đường trở về của mình. Bạn luôn cần sự đánh giá tốt của sếp và đồng nghiệp cũ về mình.
4. Hãy để ý các bộ phận khác của công ty xem liệu có không gian cho bạn khám phá và phát triển không.
5. Nếu bạn có 20 công việc thì cũng đừng viết hết vào CV, hãy chọn ra 5 công việc mang lại nhiều giá trị nhất.
6. Đừng nghỉ việc khi chưa có công việc mới. Hãy nhờ chính công việc hiện tại để tìm ra những cơ hội mới. Hãy trò chuyện với tất cả mọi người, khách hàng cũng như đồng nghiệp về những gì họ đang làm và cách họ đang thực hiện.
Ngày nay mọi chuyện khác rồi, bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng việc nhảy việc nhiều cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Tuy nhiên trước khi làm gì, hãy nghĩ về những điều bạn sẽ được và mất.
— HR Insider/Cafebiz —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.