Một nghiên cứu từ Đại học Columbia cho biết trung bình một ngày, chúng ta phải ra đến 70 quyết định, từ những chuyện nhỏ như ăn gì, đi đường nào, đến những quyết định khó hơn như lựa chọn lời mời làm việc, chuyển đến thành phố khác để sinh sống, hay tránh xa một người tiêu cực.
Vì vậy, phát triển khả năng phân tích và ra quyết định hiệu quả sẽ mang đến cho bạn thành công và hạnh phúc. Dưới đây là những bí quyết mà người thành công hay sử dụng để ra quyết định.
Biến những quyết định nhỏ thành thói quen
Hãy xem việc ra quyết định như là cơ bắp: nếu dùng cơ bắp quá nhiều trong ngày, bạn sẽ kiệt sức và không cử động nổi. Một trong những bí quyết giúp người thành công xử lý kiểu mệt mỏi này là biến việc quyết định những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày thành một thói quen. Như thế bạn sẽ để dành năng lượng cho các quyết định phức tạp hơn.
Steve Jobs mặc áo thun đen đi làm mỗi ngày. Mark Zuckerberg thích vận chiếc áo khoác hoodie. Cả hai người đàn ông này luôn mặc chiếc áo quá đỗi quen thuộc vì đó là một phần trong lịch công việc hằng ngày của họ với mục đích giảm mệt mỏi vì những quyết định. Họ ý thức năng lượng dùng để ra quyết định trong ngày là có hạn. Barack Obama đã từng nói “Tôi chỉ mặc mỗi bộ đồ màu xanh hoặc xám để không phải ra quyết định. Tôi không muốn phải ra quyết định ăn gì, mặc gì, vì tôi có quá nhiều quyết định cần phải suy nghĩ rồi”.
Ra quyết định vào buổi sáng
Thêm một bí quyết ra quyết định tuyệt vời là ưu tiên giải quyết các vấn đề phức tạp vào buổi sáng – khi đầu óc còn tỉnh táo và để dành những quyết định nhỏ vào cuối ngày khi đã gần hết năng lượng. Nếu có quá nhiều điều quan trọng cần phải ra quyết định, hãy thức dậy sớm và bắt tay xử lý những việc khó đầu tiên, trước khi bị quấy nhiễu vì các yếu tố xung quanh như email, điện thoại. Tương tự, bạn có thể làm một số việc nhẹ nhàng vào đêm trước để bạn bớt việc vào ngày hôm sau. Ví dụ chuẩn bị sẵn trang phục vào buổi tối để không bận tâm vào sáng hôm sau.
Chú ý đến cảm xúc
“Đừng ra quyết định cho những kế hoạch dài hơi dựa vào cảm xúc nhất thời”. Người thành công hiểu rõ cảm xúc tác động mạnh mẽ đến hành vi như thế nào. Tiếc rằng, hầu hết chúng ta đều không giỏi kiểm soát hay thậm chí không nhận ra luồng cảm xúc của mình. Theo kết quả khảo sát với hơn một triệu người, chỉ 36% có khả năng nhận thức chính xác cảm xúc của mình đang diễn ra như thế nào. Hãy nhớ rằng cảm xúc không tốt có khể khiến ta dễ bị kích động và đánh mất giá trị bản thân, cũng như tâm trạng vui vẻ sẽ làm chúng ta phấn khích và quá tự tin.
Xem xét các lựa chọn một cách khách quan
Khi chuẩn bị đưa ra quyết định, người thành công sẽ so sánh các chọn lựa theo bảng tiêu chí rõ ràng vì như thế quyết định sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn. Một số tiêu chí hữu dụng để xem xét đó là: quyết định này mang đến giá trị gì? Có gì bất lợi không? Quyết định này có thể hiện giá trị của mình không? Mình sẽ hối hận hay tiếc nuối vì quyết định này?
Tạm gác lại và đi ngủ
Tạm thời gác lại quyết định và đi ngủ, bạn sẽ suy nghĩ tốt hơn vào ngày hôm sau, khi thời gian đã làm dịu đi cảm xúc nhất thời của bạn. Khi hành động quá nhanh, bạn thường chỉ phản ứng lại sự việc, nhưng nếu bạn dành nhiều thời gian để suy nghĩ, quyết định của bạn sẽ sáng suốt hơn rất nhiều.
Không trì hoãn quá lâu
Người thành công hiểu được tầm quan trọng của việc thu thập thông tin nhiều nhất có thể, nhưng họ sẽ không quá phụ thuộc vào việc phân tích chúng. Điều quan trọng là phải xác định thời hạn để ra quyết định, như vậy bạn sẽ có động lực để hoàn thành công việc kịp tiến độ.
Tập thể dục để lấy lại năng lượng
Theo tự nhiên, áp lực khi ra quyết định sẽ tạo ra cortisol – chất gây phản ứng theo kiểu “đối phó” hoặc “chạy trốn”, và bạn sẽ mất khả năng suy nghĩ thấu đáo. Khi thấy bản thân quá áp lực, hãy tập thể dục. Chỉ cần 30 phút, bạn sẽ nhanh chóng lấy lại được sự minh mẫn nhờ vào chất endorphin. Tập thể dục cũng giúp bạn không phản ứng theo cảm xúc. Nghiên cứu còn cho thấy tập thể dục trong thời gian dài sẽ hỗ trợ cải thiện hoạt động của não thường dùng để ra quyết định.
Luôn giữ đúng “chất” của mình
Người thành công hiểu được tầm quan trọng của việc làm “đúng” với chính mình khi ra quyết định. Đó là kim chỉ nam giúp bạn đi đúng hướng khi cảm xúc làm bạn lạc lối.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài
Trong quá trình ra quyết định, chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm giải pháp thay thế và thu thập thông tin có lợi cho quyết định đó, thay vì thu thập thông tin trước khi lựa chọn. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên hỏi ý kiến và xin lời khuyên từ người ngoài để bạn có nhiều góc nhìn khác nhau, tăng tính khách quan và loại bỏ những quyết định nhất thời.
Xem lại quyết định trước đây
Mark Twain miêu tả bản chất phức tạp của việc ra quyết định như sau “Quyết định đúng đắn có từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm lại được tích lũy từ sai lầm”. Nói như thế không có nghĩa là cách duy nhất để trở thành người ra quyết định giỏi là phạm thật nhiều sai lầm; câu này ngụ ý hãy ghi nhớ những bài học kinh nghiệm trước đây. Người thành công biết rằng có thể tham khảo quyết định trong quá khứ cho những tình huống tương tự trong hiện tại và tương lai.
Quyết định sai lầm có thể gây hậu quả kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài năm, vì thế việc ra quyết định đúng đắn rất cần sự đầu tư về năng lượng và thời gian từ chính bạn.
– HR Insider / VietnamWorks –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.