Nghệ thuật ứng xử là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, “nghệ thuật” là phương pháp giàu tính sáng tạo còn “ứng xử” là hành vi, lời nói thích hợp khi giao tiếp với người xung quanh. Vì thế, có thể hiểu rằng, nghệ thuật ứng xử là những kỹ năng sáng tạo hiệu quả khi tiếp xúc với người khác thông qua lời nói, hành vi phù hợp.
Nghệ thuật ứng xử cơ bản là cầu nối đưa bạn đến gần hơn với mọi người, rút ngắn mối quan hệ và xây dựng nhiều mối quan hệ tốt. Nắm vững nghệ thuật ứng xử, giao tiếp còn giúp vị thế của bạn được nâng lên ở một tầm mới, các lời bạn nói ra có sức thuyết phục hơn.
Nghệ thuật ứng xử trong cuộc sống thông minh nhất
Cuộc sống muôn hình vạn trạng với hàng ngàn tình huống bất ngờ có thể đến mỗi ngày. Hãy trang bị cho mình nghệ thuật ứng xử trong cuộc sống để sẵn sàng đương đầu với những cuộc giao tiếp xảy ra bất ngờ.
Việc gấp hãy nói thật chậm rãi
Thông thường, khi có việc gấp hay việc quan trọng phải hoàn thành trong một thời gian ngắn, bạn sẽ rất nôn nóng để nói câu chuyện của mình thật nhanh. Thế nhưng, một nghịch lý xảy ra là càng nói nhanh người khác càng khó hiểu, thời gian để lặp lại câu nói sẽ lâu hơn rất nhiều. Nhiều trường hợp người nghe còn cảm thấy khó chịu.
Cách giao tiếp ứng xử trong cuộc sống ở tình huống này là hãy hít thở sâu, bình tĩnh để nói rõ mọi chuyện một cách chậm rãi nhất có thể. Với cách này, người nghe cũng có thể bình tĩnh để tiếp nhận câu chuyện. Bên cạnh đó, thái độ chậm rãi, từ tốn của bạn còn giúp mọi người tin tưởng hơn về tầm quan trọng của sự việc.
Pha chút hài hước cho những vấn đề nhỏ
Với những vấn đề nhỏ, bạn cũng cần khuyên răn hoặc nhắc nhở để cải thiện tốt hơn. Bạn nên pha một vài yếu tố hài hước, vui vẻ thì sẽ khiến người nghe bớt bị áp lực và khó chịu.
Đây là nghệ thuật ứng xử cơ bản nơi công sở mà bất kỳ ai cũng nên nắm. Trong lời nhắc nhỏ đó, vẫn mang đến sự thoải mái, tiếng cười nhưng cũng ngầm thông báo điều mà bạn đang muốn người đó sửa đổi.
Việc không biết rõ – đừng nói
Khi trao đổi những vấn đề mà mình không biết rõ bạn cần giao tiếp một cách cẩn trọng. Khi cẩn trọng, tính chất câu chuyện sẽ thêm phần đáng tin hơn, còn nếu nói quá tùy tiện sẽ khiến mọi người dễ mất lòng tin vào bạn.
Chuyện chưa xảy ra – đừng tùy tiện nói bừa
Đừng đưa ra những lời đồn đoán về một việc chưa xảy ra nếu không muốn mất đi sự tin tưởng của mọi người xung quanh. Các chuyên gia cho rằng, đây là cách giao tiếp ứng xử trong cuộc sống hoàn toàn “dại dột”.
Chuyện về người khác – đừng nên bình luận
Một trong những nghệ thuật ứng xử trong cuộc sống thông minh là chú trọng đến những lần nói chuyện về người khác. Đừng đưa ra những bình luận, đánh giá về người khác như thể bạn đang rất hiểu về những gì họ làm, họ đã trải qua. Bởi điều này không khiến bạn trở thành người “thông thái” mà khiến bạn trở thành người “nhiều chuyện”, “ăn nói hàm hồ”.
Đừng nói điều làm tổn thương người khác
Lời nói còn có sức tàn phá, làm tổn thương người khác gấp hàng ngàn, hàng vạn lần so với mũi dao. Vì thế, trong nghệ thuật ứng xử trong cuộc sống, dù như thế nào thì bạn cũng không nên dùng lời nói dễ làm tổn thương đến người khác.
Không tùy tiện hứa hẹn
Đừng vội hứa hẹn những gì mà bản thân không thể làm được, những điều vượt quá khả năng của mình. Bởi nếu nói được mà không làm được sẽ chỉ khiến người khác mất lòng tin vào bạn. Hãy hứa những điều bản thân làm được để người khác còn tin tưởng và tìm đến bạn vào những lần tiếp theo.
Chuyện đau buồn – Đừng kể nhiều người
Thông thường, khi gặp tổn thương, chuyện đau buồn, người ta muốn tìm người để kể ra. Bởi nỗi buồn san sẻ sẽ vơi bớt đi. Tuy nhiên, việc đem chuyện buồn của mình đem ra kể cho tất cả mọi người chưa hẳn đã là điều tốt. Bạn sẽ không biết được, liệu nỗi buồn của mình có khơi gợi nỗi buồn, áp lực cho người khác hay là sự thỏa mãn, vui thú cho những người ganh ghét bạn. Vì thế, đừng nên chia sẻ chuyện buồn với quá nhiều người, hãy chọn những người bạn thân thiết mà chia sẻ để nhận lại sự đồng cảm và những lời khuyên chân tình.
Việc của người lớn – Nghe nhiều nói ít
Một trong những nghệ thuật ứng xử trong cuộc sống thông minh mà bạn cần lưu ý là các vấn đề của “trưởng bối”. Từ xưa đến nay, các bậc “trưởng bối” sẽ không hài lòng với việc các “hậu bối” lên tiếng quá nhiều. Việc nghe nhiều nói ít còn giúp bạn thể hiện bản thân là người biết kính trọng người lớn và biết khiêm tốn học hỏi.
Trên đây là những chia sẻ về nghệ thuật ứng xử là gì và các nghệ thuật ứng xử trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng nên trang bị cho bản thân. Hy vọng chúng sẽ góp phần giúp bạn hình thành cho mình thói quen ứng xử khôn ngoan nhất.
>> Xem thêm: Chốn công sở: Cách đối phó với đồng nghiệp không chịu hợp tác
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.