Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ tự động hóa đang ngày càng phổ biến. Công nghệ tự động hóa được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất dành cho các doanh nghiệp, xí nghiệp lớn. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngành tự động hóa là gì, các kỹ năng cần có và cơ hội việc làm tương lai của ngành này ngay sau đây!
Ngành tự động hóa là gì?
Tự động hóa là quá trình sử dụng công nghệ, hệ thống kỹ thuật để nghiên cứu, vận hành các dây chuyền sản xuất, hệ thống tự động vào nhiều ngành nghề khác nhau. Mục đích là áp dụng các thiết bị, máy móc, hệ thống điều khiển thông minh, giảm thiểu sự can thiệp của con người nhằm tăng hiệu suất, tối ưu quy trình sản xuất mà vẫn đảm bảo độ chính xác và hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành tự động hóa này đào tạo sinh viên kiến thức chuyên môn và kỹ năng liên quan như tự động hóa sản xuất, thiết kế, chế tạo và điều khiển robot, điều khiển các thiết bị tự động,…
Ngành tự động hóa làm gì?
Sau khi hiểu hơn về ngành tự động hóa là gì, tiếp theo chúng tôi sẽ giải đáp ngành này sau khi học xong sẽ làm gì. Các sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có thể làm việc ở các vai trò, vị trí khác nhau. Cụ thể như sau:
- Kỹ sư hệ thống: Thực hiện công việc thiết kế và triển khai các hệ thống tự động hóa lớn và phức tạp như hệ thống điều khiển thông minh, hệ thống điều khiển tự động và hệ thống điều khiển robot.
- Kỹ sư thiết kế, vận hành, bảo trì kỹ thuật cho dây chuyền sản xuất: Vị trí công việc này chịu trách nhiệm thiết kế, bảo trì, vận hành các hệ thống tự động hóa cho dây chuyền sản xuất như sản xuất điện tử, ô tô, thực phẩm,…
- Kỹ sư tự động hóa: Vị trí này đảm nhiệm nghiên cứu và phát triển, ứng dụng các công nghệ tự động hóa mới vào thực tế sản xuất.
- Chuyên viên tư vấn: Thực hiện công việc tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà máy trong việc triển khai ứng dụng hệ thống tự động hóa.
- Trưởng dự án: Chịu trách nhiệm chính quản lý và điều hành các dự án tự động hóa.
- Chuyên gia thiết kế sản phẩm: Nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm tự động hóa như máy móc, thiết bị, robot,..
- Chuyên viên lập trình ứng dụng: Lập trình các ứng dụng tự động hóa như hệ thống giám sát, điều khiển máy móc,…
Những tố chất cần có của ngành tự động hoá
Ngành tự động hóa chủ yếu liên quan đến kỹ thuật khô khan nên đòi hỏi người học cần phải có đam mê, chuyên môn, kỹ năng tự học, tự cập nhật kiến thức và khám phá thêm về công nghệ tự động hóa. Một số tố chất mà các bạn học ngành này sẽ phù hợp là:
Đam mê công nghệ, kỹ thuật
Ngành tự động hóa sẽ học về các kiến thức liên quan đến thiết kế, vận hành kỹ thuật, bảo trì các hệ thống máy móc, công nghệ. Do đó, sinh viên cần có niềm đam mê, hứng thú với công nghệ để tiếp thu kiến thức, kỹ năng hiệu quả và dễ hiểu nhanh hơn. Để duy trì niềm đam mê, bạn có thể tự nghiên cứu, tìm kiếm và cập nhật thêm kiến thức xu thế mới nhất.
Tư duy logic
Các hệ thống tự động hóa thường sẽ phức tạp và đòi hỏi cần có tư duy logic ổn định và khả năng xử lý thông tin chính xác. Nếu bạn học tốt các môn học tự nhiên thì bạn có thể xây dựng các mô hình toán học, nguyên lý để mô tả hoạt động hệ thống. Với khả năng phân tích logic sẽ giúp bạn có thể phân tích vấn đề, hiểu được nguyên nhân để đưa ra giải pháp hợp lý.
Tư duy Logic là gì? Bí quyết tư duy sắc bén và thành công.
Kỹ năng lập trình
Với lợi thế có kỹ năng lập trình giúp người học tương tác với các công cụ, phần mềm và thiết kế, sửa chữa các hệ thống tự động hóa dễ dàng hơn. Các ngôn ngữ lập trình thường được sử dụng như C/C++, Python, PLC và MATLAB.
Xem thêm: Lập trình viên là gì? Ngôn ngữ lập trình là gì? Bí quyết trở thành lập trình web giỏi.
Kỹ năng giao tiếp
Bên cạnh các kỹ năng khác, kỹ năng giao tiếp cũng rất quan trọng đối với các kỹ sư tự động hóa. Các kỹ sư cần giao tiếp hiệu quả để hiểu rõ nhu cầu và yêu cầu của khách hàng, cũng như phối hợp tốt với đồng nghiệp. Hơn nữa, khi làm việc với những người không có kiến thức chuyên sâu về ngành, các kỹ sư cần trình bày các kỹ thuật phức tạp một cách rõ ràng và dễ hiểu.
Tư duy sáng tạo
Ngành kỹ thuật tự động hóa đòi hỏi tư duy sáng tạo để phát triển các công nghệ mới, giải quyết các vấn đề phức tạp và thiết kế hệ thống tự động. Sinh viên cần chủ động học hỏi và tìm kiếm tài liệu để nâng cao kiến thức chuyên môn. Tư duy sáng tạo giúp sinh viên tự tin thích ứng và đối mặt với những thay đổi trong công nghệ.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trong quá trình triển khai và vận hành các hệ thống tự động, sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp cần được giải quyết. Vì vậy, kỹ năng giải quyết vấn đề là một tố chất không thể thiếu. Khả năng này bao gồm việc xác định, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp phù hợp để khắc phục vấn đề. Trong tự động hóa, việc giải quyết vấn đề bao gồm xử lý lỗi, khắc phục sự cố, sửa chữa hệ thống và tối ưu hóa hiệu suất.
Tỉ mỉ, cẩn thận
Ngành tự động hóa có đặc thù chính là các hệ thống máy móc phức tạp. Chỉ cần một sơ suất lỗi nhỏ trong việc thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, tính cẩn thận, tỉ mỉ rất quan trọng với các bạn học tự động hóa, giúp giảm thiểu các rủi ro và độ chính xác trong công việc.
Nếu bạn sở hữu những yếu tố nêu trên, ngành tự động hóa sẽ là lựa chọn lý tưởng cho sự nghiệp của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn chưa có một số tố chất cần thiết, đừng quá lo lắng. Trong quá trình học tập tại các trường đại học và cao đẳng, sinh viên sẽ được trang bị cả lý thuyết lẫn thực hành để phát triển kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao năng lực cá nhân.
Ngành tự động hoá học gì?
Sinh viên học ngành tự động hóa sẽ được đào tạo các kiến thức, kỹ năng chuyên môn bao gồm như sau:
- Kiến thức về tự động hóa sản xuất, dây chuyền sản xuất công nghiệp
- Kiến thức về điều khiển các thiết bị tự động hóa như robot, cảm biến,..
- Kiến thức về kỹ thuật đo lường thông minh, lý thuyết về điện tử – mạch điện
- Kỹ năng lập trình tự động hóa hệ thống trên máy tính, hệ thống nhúng như ZEN, PLC, LOGO…
- Kỹ thuật chế tạo, điều khiển, lập trình ứng dụng các robot trong sản xuất
- Hệ thống điều khiển môi trường, chất lượng sản phẩm.
- Các kiến thức về gia công khuôn mẫu, CAM/CAD/CNC
- Hệ thống mạng truyền thông công nghiệp
Bên cạnh giảng dạy các kiến thức chuyên môn thì các trường Đại học, Cao đẳng còn cung cấp các kỹ năng nghề nghiệp quan trọng như sáng tạo, tư duy khoa học, tiếp thu công nghệ và tác phong làm việc cho sinh viên. Ngoài học các kiến thức trong sách vở, giáo trình, các bạn sinh viên còn được đi trải nghiệm, quan sát thực tiễn tại các nhà máy, xí nghiệp.
Vị trí việc làm phổ biến, tiềm năng – Tham gia ứng tuyển ngay hôm nay!
Mức lương và cơ hội việc làm ngành tự động hoá hiện nay
Tự động hóa là một trong những ngành học được đánh giá là HOT hiện nay. Ngành này đang thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm và theo học bởi mức lương hấp dẫn và cơ hội việc làm cao. Đối với những người mới ra trường chưa có kinh nghiệm làm việc ở trong nước, mức lương sẽ từ khoảng 5 đến 10 triệu đồng. Còn với những người có nhiều năm làm việc trong nghề, mức trung bình sẽ khoảng 13 triệu đồng, mức cao nhất theo khảo sát là 36 triệu đồng.
Còn ở nước ngoài thì theo thông tin tuyển dụng tham khảo, mức lương trung bình của kỹ sư tự động hóa là $143.470/năm. Các kỹ sư tự động hóa làm việc ở nước Canada sẽ được trả mức lương tầm $105.440/năm, cao thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, đây chỉ mức lương trung bình được các chuyên gia tính toán, mức lương thực tế còn có thể cao hơn theo năng lực, kinh nghiệm của bạn.
Về cơ hội việc làm thì bạn không cần phải quá lo lắng khi ra trường. Các sinh viên tốt nghiệp ngành tự động hóa có thể làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy trong và ngoài nước của nhiều lĩnh vực khác nhau. Bạn cũng có thể lựa chọn làm việc vào các vị trí nghiên cứu của Viện ứng dụng công nghệ, các Khu công nghệ cao, Viện Nghiên cứu Điện tử – tin học – Tự động hóa,.. Ngoài ra, nếu bạn có mong muốn ở lại trường làm nghiên cứu sinh hoặc học lên cao để làm giảng viên tại các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài nước có chuyên ngành tự động hóa.
Tìm việc làm ngành tự động hoá ở đâu?
Chắc hẳn nhiều bạn đọc đến đây cũng sẽ thắc mắc “Vậy việc làm khi học tự động hóa nên tìm việc ở đâu?”. Bạn có thể tìm kiếm các công việc trong ngành kỹ thuật điều khiển, tự động hóa tại trang tin tức, báo đài tuyển dụng ở các tỉnh, thành phố. Các tỉnh như Bắc Ninh, Đồng Nai,… có rất nhiều trung tâm công nghiệp, công ty sản xuất và khu công nghiệp lớn, bạn sẽ dễ dàng có cơ hội việc làm cao hơn với mức lương hấp dẫn.
Ngoài ra, các nước phát triển về công nghệ như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là nơi mà bạn có thể tìm thấy các công việc liên quan tự động hóa. Tuy nhiên, để có thể làm việc trong môi trường nước ngoài, đòi hỏi bạn cần có trình độ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ tốt. Nếu bạn vẫn chưa tìm được việc làm về tự động hóa, hãy tham khảo và theo dõi thêm ở trang website HR Insider để cập nhật thêm các thông tin tuyển dụng việc làm phù hợp.
Trên đây là tất tần tật thông tin về ngành tự động hóa là gì, các kỹ năng và kiến thức sẽ được học khi theo ngành này. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn có thể hiểu rõ hơn về kỹ thuật điều khiển và tự động hóa và có thêm định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Nếu bạn có câu hỏi thắc mắc khác thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp chi tiết nhé!
Tin tức tuyển dụng từ các nhà tuyển dụng hàng đầu được đăng tải thường xuyên tại VietnamWorks:
THẢ GA HỌC E-LEARNING MIỄN PHÍ
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN TÌM VIỆC VietnamWorks là kênh thông tin tuyển dụng và tìm kiếm việc làm hàng đầu tại Việt Nam, luôn mang đến các thông tin tuyển dụng uy tín, chất lượng và nhanh chóng. Với hơn 9.4 triệu lượt truy cập hàng tháng, VietnamWorks giúp kết nối ứng viên với các nhà tuyển dụng có nhu cầu tìm nhân sự tiềm năng. Người tìm việc có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin tuyển dụng đáng tin cậy trên toàn quốc. Bên cạnh đó, VietnamWorks còn tích hợp các tính năng hiện đại, hỗ trợ người dùng tạo CV trực tuyến và ứng tuyển một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian. |
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.