Những kiến thức trường lớp đôi khi có thể khô khan, “khó nuốt”, tuy nhiên hãy nhớ rằng đó chính là nền tảng để bạn có thể tiếp thu những kiến thức mới sau này. 3 môn học trong ngành Marketing dưới đây bạn nhất định phải chú ý vì chắc chắn nó sẽ theo bạn suốt quãng đường làm nghề sau này đấy.
Quản trị sản phẩm (New Product Management)
Quản trị sản phẩm là một trong những môn học Marketing quan trọng nhất và áp dụng xuyên suốt quá trình bạn làm nghề sau này. Môn học này giúp các bạn hiểu về quy trình phát triển sản phẩm, từ khảo sát thị trường, nghiên cứu và phân tích nhu cầu đến việc thiết kế và sản xuất sản phẩm. Sinh viên sẽ được học cách đánh giá tiềm năng thị trường của một sản phẩm, cách xác định đối tượng khách hàng tiềm năng và các chiến lược tiếp thị phù hợp.
Trong môn học này, các bạn cũng sẽ học cách đánh giá và cải thiện các sản phẩm hiện có. Bao gồm việc phân tích các yếu tố cạnh tranh, tìm kiếm các điểm mạnh và điểm yếu của sản phẩm, đề xuất các cải tiến và thử nghiệm sản phẩm để đảm bảo sản phẩm luôn đáp ứng được nhu cầu và sở thích của khách hàng.
Có thể lấy ví dụ thực tế trong một nhãn hàng về thực phẩm eat-clean, đội ngũ Marketing cũng tham gia vào các khâu để ra đời một sản phẩm, từ nghiên cứu thị trường cho tới khi sản phẩm ra thị trường.
- Ví dụ khi cần có ý tưởng về sản phẩm là một khẩu phần ăn mới, sẽ có một team tìm hiểu xem các đối thủ của mình đang làm gì, họ đang phát triển sản phẩm theo hướng nào, các khẩu phần ăn có gì đặc sắc và tại sao lại thu hút được nhiều khách hàng.
- Tiếp theo để tạo nền móng cho sản phẩm, từ ý tưởng nội bộ kết hợp với những điểm nổi bật nghiên cứu được từ sản phẩm của đối thủ, team sẽ mô phỏng nên khẩu phần ăn muốn phát triển và thuyết trình nội bộ để các bộ phận và team quản lý có thể nắm thông tin sơ bộ của sản phẩm.
- Sau khi đã có concept sản phẩm, các công đoạn tiếp theo sẽ là kết hợp với các bộ phận khác như team design, team product để tiến hành làm sản phẩm. Bước này đặc biệt quan trọng để quyết định sản phẩm cuối cùng ra thị trường sẽ như thế nào. Cần trải qua nhiều bước thử nghiệm về hương vị cũng như thành phần dinh dưỡng trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt.
- Tiếp thị sản phẩm chính là bước để đưa được sản phẩm đến tay khách hàng. Người làm Marketing cho sản phẩm lúc này sẽ áp dụng nhiều hình thức như quảng cáo, hay tạo chiến dịch truyền thông để khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn.
Nghiên cứu Marketing (Marketing Research)
Khi là người làm về Marketing, bên cạnh xây dựng được sản phẩm tuyệt vời trong khả năng của công ty, bạn còn phải xác định được vấn đề Marketing mà doanh nghiệp đã và sắp đối mặt. Môn Marketing Research là cơ hội để các bạn tiếp xúc với việc nghiên cứu thông qua dữ liệu, xác định danh mục dữ liệu cần thu thập, nhận diện nguồn dữ liệu, viết báo cáo và trình bày kết quả nghiên cứu. Bên cạnh các kiến thức về Marketing, môn học này cũng sẽ giúp các bạn phát triển khả năng phân tích, giải quyết các vấn đề trong tổ chức để đạt hiệu quả công việc tốt nhất.
Điều đặc biệt là môn học này không chỉ dành cho những bạn đang nghiên cứu, thực hành chuyên sâu về Marketing, mà dành cho tất cả những ai đang và sẽ làm quản lý Marketing trong mọi tổ chức biết cách đánh giá, phân tích tính hiệu quả của một dự án Marketing. Nhờ những hiểu biết về nghiên cứu Marketing, bạn sẽ có thể khai thác hiệu quả các nguồn thông tin trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp.
Ví dụ như các đề tài mà bạn thực hiện ở trường Đại học như “Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định/quyết định mua hàng của khách hàng” đối với một sản phẩm nào đó. Các kiến thức và phương pháp thực hiện nghiên cứu này hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế. Trước khi team của bạn đưa ra một sản phẩm hay chương trình mới, khảo sát khách hàng chính là bước không thể thiếu.
Digital Marketing
Tiếp thị số (Digital Marketing) là môn học đặc biệt quan trọng với các bạn học tập và làm việc trong ngành Marketing bởi vì nó liên quan đến việc tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, tiếp thị số trở thành một yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và tăng doanh số bán hàng.
Digital Marketing bao gồm:
- Tìm kiếm tối ưu hóa (SEO): SEO là kỹ thuật tối ưu hóa các trang web của doanh nghiệp để đạt được thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm như Google. Phần này cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng để tối ưu hóa trang web, từ khóa và liên kết để tăng lượng truy cập.
- Quảng cáo trực tuyến (Online Advertising): Quảng cáo trực tuyến là các chiến lược quảng cáo trực tuyến, bao gồm quảng cáo trên Google, mạng lưới quảng cáo, quảng cáo trên mạng xã hội và email marketing.
- Phân tích dữ liệu số (Digital Analytics): Phân tích dữ liệu số là quá trình thu thập và phân tích dữ liệu từ các hoạt động tiếp thị số để đưa ra quyết định. Thông thạo quá trình này, các bạn có thể phân tích dữ liệu số để tối ưu hóa các chiến lược tiếp thị số và tăng doanh số bán hàng trong tương lai.
Chẳng hạn, một công ty muốn quảng bá sản phẩm hoặc kinh doanh trên website hay trên mạng xã hội, cần có một đội ngũ chuyên nghiệp để vận hành hệ thống này. Các nhiệm vụ như SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) trên website, sử dụng các nền tảng chạy quảng cáo như Facebook ads, Tiktok ads hay Email marketing sẽ gắn liền với những ai làm về Digital Marketing.
Tổng kết lại, việc được đào tạo bài bản về ngành Marketing là một lợi thế rất lớn đối với các bạn sinh viên muốn theo đuổi ngành này. Các kiến thức trường lớp có thể sẽ phần nào nhiều lý thuyết nhưng đó chính là nền tảng để bạn có thể chắt lọc và tiếp thu những kiến thức sau này. Không chỉ 3 môn học trên mà hãy chú ý tận dụng những tài nguyên có sẵn trong quá trình học Đại học để sau này khi ra nghề, bạn sẽ cứng cáp và có thể thích nghi với nhiều thử thách trong Marketing bạn nhé.
Xem thêm: Ngành sales – liệu có phải con đường trải đầy hoa?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.