Quy định Pháp luật về việc trả lương khi chấm dứt HĐLĐ
Bạn Xuân (24 tuổi, TP Hồ Chí Minh) làm nhân viên kinh doanh cho một công ty với Hợp đồng lao động 1 năm. Bạn đã gửi đơn xin nghỉ việc trước 1 tháng, và cũng đã được công ty đồng ý. Vậy nên trường hợp này là nghỉ việc và chấm dứt HĐLĐ theo đúng quy định của Pháp luật.
Tuy nhiên đã gần 2 tháng sau khi nghỉ việc mà bạn vẫn chưa nhận được tiền lương của mình. Khi thắc mắc lên công ty thì bạn nhận được câu trả lời rằng: Công ty không trả lương khi nghỉ việc vì bạn Xuân chưa hoàn tất bàn giao công việc. Trong khi trước lúc rời công ty, bạn đã bàn giao công việc đầy đủ… Đây cũng là trường hợp phổ biến mà nhiều bạn trẻ mới đi làm gặp phải!
Theo Khoản 2 Điều 47 BLLĐ năm 2012, trách nhiệm của công ty khi chấm dứt HĐLĐ là: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, 2 bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày”.
Và theo Điều 96 BLLĐ 2012 thì việc trả lương được thực hiện theo nguyên tắc: “NLĐ được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng. Công ty phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.
Vậy nên công ty bạn Xuân đang vi phạm quy định Pháp luật về trả lương không đầy đủ và không đúng hạn cho nhân viên. Trường hợp này sẽ bị xử phạt vi phạm về tiền lương như thế nào?
Công ty không trả lương khi nghỉ việc bị xử phạt như thế nào?
Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Điều 13 – Vi phạm quy định về tiền lương thì công ty bạn Xuân sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền công ty khi có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
– Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
– Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
Theo đó, công ty bạn Xuân sẽ bị phạt 5 đến 10 triệu đồng vì trả lương không đúng hạn và trả không đủ tiền lương ngừng việc cho nhân viên…
Biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm
Trường hợp này, nếu công ty bạn Xuân muốn khắc phục hậu quả thì buộc trả đủ tiền lương cho bạn theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
Và buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho NLĐ tính theo lãi suất tối đa; áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.
Newbie làm gì nếu công ty không trả lương khi nghỉ việc?
Lời khuyên cho bạn Xuân nói riêng và các bạn trẻ nói chung trong trường hợp này là để đảm bảo quyền lợi của bản thân, bạn có quyền yêu cầu công ty giải quyết, thực hiện việc thanh toán lương hàng tháng theo đúng quy định của Pháp luật. Bên cạnh đó, bạn có quyền nhờ sự giúp đỡ từ phía Công đoàn cơ sở tại đơn vị.
Trường hợp công ty không thỏa thuận giải quyết vấn đề, không chịu trả đủ lương và đúng hạn cho bạn thì bạn có quyền gửi đơn khiếu nại đến Phòng Lao động Thương binh Xã hội. Hoặc khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở công ty để yêu cầu giải quyết bạn nhé.
Công ty không trả lương khi nghỉ việc là đang vi phạm Pháp luật, nên các bạn trẻ hãy mạnh dạn đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân mình. Hy vọng sau bài viết này, các bạn Newbie sẽ biết cách phải làm gì khi công ty lấy cớ không trả lương khi nghỉ việc. Chúc các bạn tìm được công ty tốt để gắn bó lâu dài và phát triển hành trình sự nghiệp bản thân.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.