Trong cương vị là một người mới đi làm, tâm lý e dè, khép nép và sợ sai là một tâm lý chung mà hầu hết người mới nào cũng từng trải qua. Thế nhưng, vẫn có một số đặc quyền dành riêng cho những người trẻ đang dấn thân vào thị trường lao động, và bạn có thể dựa vào những đặc quyền này để bản thân được trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn. Hãy cùng VietnamWorks theo bước chị Hoài Thịnh – Founder của nhóm “Tâm sự Freelance” và hiện đang là một Nhà sáng tạo nội dung để hiểu hơn về những đặc quyền ấy nhé!

Là một người mới đang ở bước chuyển mình từ môi trường học đường vào môi trường nghề nghiệp, ai trong chúng ta cũng được phép sai lầm. Theo như câu chuyện của chị Hoài Thịnh: “Hồi 2018, mình được giao làm một nhãn hàng nội tiết tố mới ơi là mới. Mình phải tự nghiên cứu thị trường, tìm insight khách hàng, tự viết content, tự chạy quảng cáo, tháng đầu còn tự sale”. Thậm chí là do chưa có quá nhiều kinh nghiệm, ngày đầu chạy quảng cáo chị Hoài Thịnh đã có sự nhầm lẫn trong việc đặt giá, dẫn đến chuyện tài khoản chạy quảng cáo “bay màu”.

Nhận kết quả đó, chị đã đinh ninh rằng bản thân chuẩn bị nghe chỉ trích và trách mắng từ cấp trên: “Mình đã nghĩ là sắp bị chửi sấp mặt đến nơi rồi, nhưng không, mọi người vẫn nhẹ nhàng cùng mình sửa sai. Mình còn có thêm một bài học mới về chạy quảng cáo, cách tăng ngân sách thế nào, làm sao để hạn chế tình trạng bay tài khoản”.

Không chỉ dừng ở đó, chị Hoài Thịnh cũng cho hay rằng bản thân chị vẫn mắc rất nhiều sai lầm khác trong hành trình đi làm, nhưng cũng may mắn thay là chưa lần nào chị bị đuổi việc hay bị chửi mắng thậm tệ. Trong nguy có cơ, chị Thịnh cho rằng mỗi lần sai là một lần chị có được bài học lớn, đó có thể là về chuyên môn, cũng có thể là về kỹ năng mềm. “Cho đến hiện tại mình nhận ra rằng, đặc quyền của những người mới là được sai, vậy nên hãy cứ mạnh dạn học giỏi và bắt tay vào làm việc. Tất nhiên là đừng sai hai lần trong cùng một lỗi nhé. Có lẽ chỉ có nằm nhà đọc sách suốt ngày thì mới không sai thôi, còn đã đi làm thì sẽ sai, sai ít hay sai nhiều, sai thì sửa, lo gì!”.

Tuy nhiên các bạn Newbie cũng cần lưu ý rằng, không thể vì đặc quyền này nên cứ thỏa sức đam mê sai lầm. Mỗi sai lầm xảy ra đều sẽ mang lại hậu quả không tốt, nên hãy cẩn thận và giảm thiểu rủi ro hết sức có thể nhé!

Bên cạnh đặc quyền được phép sai lầm, các bạn trẻ mới đi làm còn có thêm quyền lợi được phép đặt câu hỏi. “Hồi mới đi làm và cả bây giờ mình đều rất hay hỏi. Tò mò mình sẽ hỏi, thắc mắc mình sẽ hỏi, làm xong mình cũng sẽ hỏi lại. Mỗi lần hỏi như vậy mình đều ngộ ra một số vấn đề, nhận ra vài lỗi sai và rút ra thêm một mớ kinh nghiệm” – chị Hoài Thịnh chia sẻ. Không chỉ giới hạn cho mỗi người mới đi làm, thậm chí cả những người “không mới lắm” cũng có đặc quyền được hỏi, bởi vì có hỏi thì mới có ra vấn đề.

Ngoài ra, chị Hoài Thịnh còn chia sẻ thêm rằng vào những lúc được giao quá nhiều việc, các bạn trẻ hãy đừng ngần ngại “nhờ vả” đồng nghiệp hoặc cấp trên của mình để có thể tối ưu thời gian làm việc ví dụ xin bản mẫu, nhờ review, xin công cụ hỗ trợ, v.v. “Không ai tài giỏi đủ để làm tất cả mọi việc, hãy cứ nhờ những người đồng nghiệp thương mến bên cạnh, và có thể là có sếp nữa”.

“Nhưng em sợ làm sai thì bị chửi…”; “Nhưng em sợ bị bảo là ngu…” và vân vân mây mây nỗi sợ khác. Theo chị Hoài Thịnh, các bạn không có gì phải sợ bởi ngay cả những người sếp hay quản lý xuất sắc nhất cũng đều đã trải qua giai đoạn là một người mới vào nghề. “Mình cá là tất cả đều hoàn toàn vui vẻ mà trả lời và giúp đỡ chúng mình – những kẻ mới toanh non nớt”.

Mặc dù được phép đặt câu hỏi, nhưng việc đặt câu hỏi như thế nào cũng là một loại nghệ thuật. Theo quan điểm của chị Hoài Thịnh thì không phải cứ bạ đâu ta hỏi đấy: Đâu phải cứ thích là hỏi! Để nhận được câu trả lời và sự giúp đỡ trọn vẹn nhất, không mất lòng khó chịu ai thì tuân thủ quy tắc Google First – Tức là cái gì không biết thì tra Google”.

Khi đã tra xong và có những kiến thức và sự hiểu biết cơ bản, nếu còn thắc mắc gì thì lúc này mình có thể hỏi sếp, hỏi mentor, hỏi đồng nghiệp, hỏi bất cứ ai mà bản thân cho rằng họ có kiến thức và hiểu biết sâu rộng hơn về vấn đề đó. Hãy nhớ rằng, đặt câu hỏi cũng cần hỏi đúng, hỏi đủ. Newbie cần hạn chế đặt các câu hỏi bâng quơ kiểu “Em nên chọn Khoa Ngôn ngữ Anh hay Truyền thông Marketing?”. Thay vào đó, những câu hỏi được đặt ra cũng cần phải có đầy đủ thông tin và bối cảnh. Ví dụ như khi đặt câu hỏi trên, bạn cũng cần trình bày thêm bản thân mình có thế mạnh là gì, đâu là lý do tại sao bạn băn khoăn hai ngành này mà không phải ngành khác, v.v. “Khi có đầy đủ thông tin và bối cảnh thì người được hỏi mới có động lực và căn cứ để đưa ra câu trả lời hợp lý”.

Thông qua những chia sẻ trên, VietnamWorks cũng như chị Hoài Thịnh muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ mới đi làm đừng quá lo lắng và sợ hãi:“Cuối cùng, ai cũng từng là một Newbie, chẳng ai bắt một người còn non trẻ mới vào ngành vào nghề lại cần thông thạo tất cả mọi thứ cả. Miễn là dám làm, dám sai và không ngừng rút kinh nghiệm”.

Hy vọng rằng với những chia sẻ trên, các bạn Newbie sẽ được tiếp thêm động lực để chinh chiến trong hành trình sự nghiệp của mình. Đừng quên theo dõi VietnamWorks để được cập nhật thêm các thông tin bổ ích khác nhé!

Xem thêm: Cách viết thư ứng tuyển – Cover Letter dành cho người mới ra trường

— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam

 

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers