Chữ T thứ nhất: Tự tin vào bản thân mình
Bài học đầu tiên mà tôi nhận được từ anh là bài học về sự tự tin. Tin tưởng vào bản thân khi phải đối mặt với trở ngại và luôn vững lòng bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn.
Bắt đầu với vị trí Quản trị viên tập sự, tôi có điều kiện biết đến công việc của nhiều phòng ban khác nhau. Nhưng chính anh là người hướng tôi làm việc trong mảng Training vì theo lời anh, “Em là một đứa không có thiên hướng về kinh tế”. Ít ai nghĩ, một đứa vừa mới ra trường như tôi lại được anh giao một dự án mới của phòng. Tôi đảm nhiệm phần thuyết trình trong cuộc họp với các đại diện phòng ban. Tôi mất ngủ nhiều đêm liền, chuẩn bị bài trình bày, các thông tin hỗ trợ, rồi tập dợt dưới sự hướng dẫn của anh. Mày mò học với mớ kiến thức Đại học không thực tế và những kinh nghiệm bản thân tích lũy khi còn là sinh viên là không đủ. Thành thật mà nói, tôi cũng có chút nản lòng và muốn bỏ cuộc. Anh đủ tinh ý để nhận ra, và trước buổi thuyết trình 2 ngày, anh có gọi tôi lại và nói chuyện, dù rất bận rộn. Tôi vẫn nhớ như in những điều anh chia sẻ và luôn tự hỏi rằng, liệu đó có phải là động lực khiến tôi đạt được một thành công nho nhỏ với bài thuyết trình sau đó hay không?
“Khi còn trẻ, cái gì cũng không có. Cái “có” lớn nhất của các em, có lẽ, đó là thời gian và cơ hội. Đối với các anh chị đi làm lâu năm, cơ hội làm lại là không nhiều. Các em còn trẻ, hãy cứ “thử và sai”. Khi giao dự án này, anh tin vào khả năng của em. Điều còn lại đó là em phải học cách tin tưởng vào bản thân mình. Hãy luôn cố gắng và nghĩ rằng mình sẽ làm được. Đừng sợ và e ngại bất kì điều gì. Chấp nhận những thử thách, đi bằng chính đôi chân mình, từ từ mà bước. Em sẽ đi rất xa trên con đường em đã chọn…”
Chữ T thứ hai: Tận tâm – “Đánh đổi ngang giá, thành công sẽ chỉ ngang tầm”
Trái với suy nghĩ của nhiều người, tôi nghĩ rằng đam mê không phải là thứ bạn theo đuổi mà nó sẽ là thứ theo đuổi bạn khi bạn nỗ lực hết sức mình. Làm việc chăm chỉ để trờ thành 1 người có giá trị với công ty, và rộng hơn, là với thế giới này. Ra trường, cũng như nhiều bạn khác, tôi chưa hề có một định hướng rõ ràng. Nhưng khi nhận ra một công việc phù hợp với tính cách của bản thân, tôi đã làm công việc của mình với tất cả sự tận tâm có thể. Bởi tôi học được từ người sếp của mình sự nhiệt huyết và hết mình với công việc mình đang làm. Chắc bạn khó có thể tưởng tượng một anh sếp quá tuổi tứ tuần ngồi mày mò phần mềm với một cô nhân viên cấp dưới để xây dựng bài giảng hấp dẫn hơn. Không ngần ngại xắn tay vào làm với nhân viên, dù lúc nào anh cũng nói mình là người không giỏi về công nghệ. Tôi có thể chắc một điều rằng anh là một trọng số ít các sếp luôn sẵn lòng chia sẻ mọi kiến thức, kinh nghiệm với đàn em mà không hề giữ riêng để làm thế mạnh của bản thân mình.
“Kiến thức là vô hạn, em càng học sẽ càng nhận ra sự hữu hạn của bản thân mình. Nhiều người nghĩ rằng câu trả lời là quan trọng. Nhưng chính quá trình tìm kiếm nó mới khiến chúng ta lớn lên.
Khi em được giao một công việc, thay vì sếp nói một, em hiểu một và làm một. Hãy cố gắng tự đặt ra một giới hạn mới cho bản thân. Khi em mang đến cho công ty những giá trị tăng thêm, đấy là em đang nâng cao giá trị của riêng mình.”
Chữ T thứ ba: Thận trọng
Thỉnh thoảng có thời gian rãnh anh hay nói chuyện với tôi và góp ý cho những công việc. Một trong những khuyết điểm của tôi mà anh nhận xét đó là “Em nhanh quá!”. Anh nói rằng, sự nhanh nhẹn khiến tôi có lợi thế, nhưng nó cũng khiến tôi bỏ qua nhiều thứ và nhìn nhận vấn đề chưa thấu đáo. Hãy chậm lại một chút. Dù đôi khi, đi chậm lại có thể sẽ khó. Nhưng điều đó là cần thiết để bản thân không bị trôi đi theo quán tính và xử lý vấn đề một cách hiệu quả hơn.
Chính anh là người kìm lại tính hiếu thắng của tôi, khiến tôi biết cách dừng lại và thận trọng hơn khi đối mặt với vấn đề . Anh cũng là người giúp cho những bài học đầu tiên khi trải nghiệm cuộc sống công sở trở nên nhẹ nhàng hơn một chút, giúp tôi hiểu “Thận Trọng” cần thiết như thế nào. Bạn biết mà, cuộc sống văn phòng là vô cùng phức tạp. Ở đó, bạn gặp và tiếp xúc rất nhiều người với những tâm thế và nét cá tính khác nhau. Tốt nghiệp ra trường, trong mắt của cô sinh viên 22 tuổi, mọi thứ đều màu hồng. Nhưng rồi khi đi làm, thực sự trải nghiệm, tiếp xúc và va chạm, tôi mới hiểu được mặt trái của các mối quan hệ công sở. Tôi cay đắng nhận ra sự thay đổi thái độ của một đồng nghiệp từng thân thiết, tin tưởng. Tôi dần trở nên rụt rè, và khép mình lại. Trong khoảng thời gian khó khăn đó, tôi nhận được email của anh vào một ngày cuối tháng. Cho đến giờ, tôi vẫn giữ email của anh trong email cá nhân và in ra một mảnh giấy nhỏ trong bóp làm việc của mình. Tự nhủ như một lời nhắc cho bản thân luôn vững lòng trước mọi sóng gió.
Cám ơn “ANH THẦY”
Gần 5 năm là một con số thật nhỏ bé khi so sánh với các anh chị đã có nhiều thâm niên công tác. Nhưng cho đến giờ, thực sự tôi vẫn thật cảm thấy ấm lòng mỗi khi nhìn lại. Đó là niềm vui khi cảm thấy bản thân từng ngày trưởng thành hơn, và đang vững bước trên con đường mà mình đã chọn. 26 tuổi, trong khi những đứa bạn đang loay hoay với câu hỏi về sự lựa chọn, tôi may mắn nhìn ra con đường của chính mình và mỗi ngày cố gắng đặt từng hòn sỏi nhỏ trên con đường sự nghiệp. Hiện tại vẫn đang gắn bó với chữ T thứ tư: Training, tôi còn nhận dạy thêm tiếng Anh để thỏa mong ước đứng lớp nhiều nhất có thể. Bản thân luôn mong ước có thể chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức của mình cho những đàn em kế tiếp, như cách mà anh đã từng.
— Chia sẻ từ một bạn độc giả ẩn danh —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.