Mất phương hướng khi vừa mới ra trường
Hành trình học vấn cuộc đời thường được lập trình sẵn từ cấp 1 đến cấp 2, cấp 3, Đại học. Tuy nhiên, tốt nghiệp Đại học rồi sao nữa thì không ai biết trước được.
Lúc này bạn mới để ý xung quanh. Thấy có người lập gia đình ổn định cuộc sống, có người bắt đầu làm việc ở tập đoàn lớn, có người tiếp tục học lên Thạc sĩ hay đi du học. Thậm chí có cả các bạn sinh viên mới năm 3 đã lo viết CV tìm việc…
Giai đoạn vừa mới ra trường mất phương hướng này, bạn nhìn xung quanh thấy ai cũng có hướng đi cho cuộc đời họ. Còn bạn lại mông lung mơ hồ và không biết đi đâu, làm gì. Hiện tượng PCSD sẽ lý giải tâm lý bạn, đồng thời đưa ra giải pháp giúp vượt qua chuỗi ngày từ “thất nghiệp đến thất thu” này.
Cuộc đời sang trang mới gây tâm lý hoang mang
PCSD (Post Commencement Stress Disorder) là rối loạn căng thẳng hậu khởi đầu. Đây là tâm lý bồn chồn lo âu đầy tiêu cực, khi cuộc đời bạn bỗng bước sang trang mới. Chẳng hạn như tốt nghiệp Đại học, kết hôn, du học, định cư…
Có thể nói, PCSD là trạng thái tâm lý bình thường của chúng ta. Yêu cầu bạn tập cách thích nghi với mọi biến đổi lớn nhỏ trong cuộc sống. Phụ thuộc vào trải nghiệm mỗi người mà khả năng vượt qua PCSD nhanh hay chậm.
Check xem bạn có gặp phải những dấu hiệu PCSD sau không nhé:
- Lo lắng, bất an, mất kiểm soát với tương lai bản thân.
- Lúc nào cũng thấy bản thân cần giúp đỡ mà lại khó được giúp.
- Tự mặc định bản thân thất bại vì không xác định được mục tiêu sẽ làm. Chẳng hạn tốt nghiệp đã vài tháng mà vẫn thất nghiệp, đồng nghĩa bản thân thất bại.
- Cô lập, né tránh những cuộc gặp gỡ vì không muốn đối mặt với cảm giác thua kém đầy tiêu cực…
Theo đó, dù đạt được mục tiêu thì bạn vẫn thất vọng vì không biết làm gì tiếp sau. Lý do chính xuất phát từ sự kỳ vọng! Bạn kỳ vọng mình nhanh đạt được thành tựu khi đã tốt nghiệp. Bạn mang kỳ vọng của gia đình và xã hội đè lên vai khi vừa ra trường…
Vậy đối mặt với chuỗi ngày “từ thất nghiệp đến thất thu” khi mới ra trường này, bạn cần phải làm gì? Sau đây là cách giúp bạn vượt qua PCSD và từng bước kiểm soát được tâm lý và cuộc sống của bản thân.
Xua tan bất an với suy nghĩ “an yên”
Con người cần “sạc” năng lượng
Sau nhiều năm miệt mài đèn sách, đây là lúc bạn cần nhấn nút Pause cuộc đời và tạm tách ra khỏi cuộc đua sự nghiệp. Chuẩn bị tốt nghiệp là quãng thời gian bạn đã phải lo hàng trăm chuyện. Từ luận văn đồ án đến công việc part time, kỳ thực tập, hồ sơ tìm việc, cân bằng sinh hoạt gia đình và bạn bè…
Vậy nên cảm giác áp lực và mất kiểm soát về cuộc đời khi vừa ra trường là lẽ đương nhiên. Lúc này, điều bạn cần làm là nghỉ ngơi vài tháng để “sạc” năng lượng. Sau đó sẽ quay trở lại cuộc đua sự nghiệp với tâm thế tràn đầy năng lượng hơn.
Đi nhanh không đồng nghĩa với thành công
Nhiều sinh viên từ năm 2 Đại học đã chịu khó đi thực tập. Sau đó được nhận vào làm chính thức và nhanh chóng thăng tiến lên vị trí cao chỉ sau 1 năm tốt nghiệp. Nhiều người thì tự hào vì được làm việc trong các tập đoàn tên tuổi.
Bạn ngưỡng mộ họ và cảm thấy bản thân thật thua kém và thất bại? Nhưng bạn không biết rằng, sự thành công hào nhoáng bên ngoài đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng thôi.
Người thăng tiến nhanh có thể đang gắng gượng từng ngày để giữ được vị trí cao ấy. Người làm ở tập đoàn tên tuổi có thể đang phải chấp nhận mức lương bèo bọt vì điều họ cần là “danh tiếng”.
Vậy nên đi nhanh không đồng nghĩa với thành công. Đi chậm mà chắc sẽ phát triển hành trình sự nghiệp bền vững hơn. Đừng vì thấy người khác “phất” nhanh quá mà chùn bước và tự ti bạn nhé!
“Cỏ bên đồi lúc nào cũng xanh hơn”
Lúc bạn thất nghiệp ở nhà, bạn ao ước được như dân công sở có công việc ổn định với thu nhập đều mỗi tháng. Tuy nhiên bạn đâu biết rằng, dân công sở đôi khi chỉ ước được một giấc ngủ nướng như bạn cũng khó. Vậy nên đừng so sánh cuộc đời bạn với bất kỳ ai, vì “cỏ bên đồi lúc nào cũng xanh hơn” cả.
Tập thay đổi góc nhìn bạn nhé. Những người tốt nghiệp đi làm ngay có thể vì họ đang phải chịu áp lực gia đình và xã hội đè lên. Những người có công việc ổn định có thể chỉ ước được thức dậy trễ và một cuộc sống tự do làm điều mình thích.
Chỉ cần ý thức được bạn có điểm khiến người khác mơ ước, sẽ là cơ sở giúp bạn thoát ra được hố sâu PCSD. Vậy nên hãy ngừng so sánh bản thân với người khác ngay từ hôm nay bạn nhé.
Trên đây là “nghệ thuật” xua tan bất an cho những ai đang trong giai đoạn mới ra trường là chuỗi ngày “từ thất nghiệp đến thất thu”. Hãy tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi sau tốt nghiệp để “sạc” năng lượng. Sau đó chuẩn bị hành trang kiến thức, sức khỏe và tâm lý để sẵn sàng quay lại cuộc đua sự nghiệp với tâm thế tốt nhất bạn nhé. Chúc các bạn sớm vượt qua được giai đoạn này!
Xem thêm: “Curse of knowledge” – Nỗi ấp úng khi giải thích nhiều nhưng mấy ai hiểu
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.