Thậm chí đôi lúc cần phải che giấu cảm xúc, hành động theo lý trí và tránh hành xử quá cảm tính. Nhất là với nhân viên mới, thể hiện cảm xúc thế nào để không “ô dề” và tác động tiêu cực đến công việc lẫn mối quan hệ đồng nghiệp?
Nhân viên mới có nên bộc lộ cảm xúc trong công việc?
Chốn văn phòng vốn mặc định là nơi mọi người không được để cảm xúc cá nhân chen vào công việc. Tuy nhiên khi thời đại xoay chuyển, dân văn phòng dần quan tâm tới cảm xúc nhau hơn. Đồng thời bình thường hóa vấn đề thể hiện cảm xúc trong công việc. Vì con người vốn có cảm xúc, và việc thẳng thắn thể hiện cảm xúc góp phần cải thiện môi trường công sở.
Ngày nay, bạn có thể trốn vào phòng vệ sinh khóc cho trôi cơn uất ức. Hoặc bực tức đứng dậy đi ra khỏi phòng khi bất đồng quan điểm với người khác. Bạn có thể lo lắng thấy rõ khi sếp yêu cầu họp riêng khẩn. Hoặc bất bình công khai nếu một người làm việc yếu kém lại được khen thưởng nhiều…
Tuy nhiên, không phải cảm xúc nào cũng nên bộc lộ ra và có những cảm xúc cần phải che giấu. Nhất là với nhân viên mới, việc thể hiện cảm xúc không tiết chế sẽ tác động tiêu cực đến kết quả đánh giá từ cấp trên. Các bạn Fresher thường khá bốc đồng nên càng cần phải học cách thể hiện cảm xúc một cách cân bằng nhất.
Chuyện gì xảy ra khi nhân viên mới thể hiện cảm xúc trong công việc?
Thay vì liếc mắt, lớn giọng hay đóng sầm cửa đi ra ngoài, bạn hoàn toàn có thể thể hiện cảm xúc theo cách khác tinh tế hơn. Cách hành xử không tiết chế này chỉ khiến mọi người thêm tiêu cực và đánh giá thấp về bạn. Bạn có thể truyền tải cảm xúc theo cách thể hiện khác dễ tiếp nhận hơn, mà vẫn bộc lộ rõ cảm xúc cá nhân.
Với nhân viên mới, không tiết chế cảm xúc không chỉ khiến đồng nghiệp e dè, mà còn tác động trực tiếp đến công việc. Cảm xúc tiêu cực toát ra năng lượng tiêu cực. Năng lượng tiêu cực khiến hiệu quả công việc giảm sút hẳn.
Chẳng hạn, khách hàng nào cũng muốn hợp tác lâu dài với nhân viên vui vẻ và tích cực. Chẳng ai muốn làm việc với người cau có, buồn bã và hành xử thái quá cả. Là một Fresher mới đi làm, hãy tập thể hiện cảm xúc vui vẻ đầy năng lượng để vượt qua giai đoạn thử việc và nhanh chóng phát triển công việc bạn nhé.
Hoặc khi khách yêu cầu sửa dự án chục lần rồi quyết định chọn kết quả đầu tiên, nếu bạn không giữ được bình tĩnh và lớn tiếng trách khách hàng làm mất thời gian mất công sức vô nghĩa, hiếm có khách hàng nào tiếp tục hợp tác với bạn. Nhưng nếu bạn giữ được bình tĩnh và vẫn nhẹ nhàng cảm ơn khách hàng đã hợp tác với mình, cơ hội lớn là khách sẽ chọn làm việc với bạn lâu dài.
Bạn nghĩ đồng nghiệp và Sếp thực sự đồng cảm với mình?
Nhiều doanh nghiệp đang tạo văn hóa cảm xúc trong công ty, và cho phép cảm xúc nào được bày tỏ, cảm xúc nào cần kìm nén. Những tập đoàn lớn như PepsiCo, Whole Foods Market, The Container Store… đã ứng dụng văn hóa cảm xúc này. Kết quả là tạo nên môi trường công sở cởi mở thoải mái, dẫn đến sự thành công chung cho cả tập thể.
Thậm chí có công ty còn dùng phần mềm hoặc thuê chuyên gia theo dõi tâm trạng nhân viên. Nhằm hiểu được cảm xúc, thái độ và điều gì khiến nhân viên muốn gắn bó lâu dài với công ty.
Nhưng không phải công ty nào cũng chú tâm đến văn hóa cảm xúc. Không phải đồng nghiệp và Sếp nào cũng thực sự đồng cảm với bạn. Vậy nên cũng phải học cách tiết chế cảm xúc, nhất là với các bạn Fresher cần nhiều sự thấu hiểu hơn từ cấp trên.
Lứa tuổi mới ra trường đi làm thường hay khóc vì mọi vấn đề nhỏ trong cuộc sống. Khóc vì sếp la, khóc vì chia tay người yêu, khóc vì không chịu được áp lực công việc… Tuy nhiên không phải cấp trên nào cũng muốn thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của bạn. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cho thấy, nhân viên khóc vì bi kịch gia đình hầu như luôn được cấp trên quan tâm và thấu hiểu.
“Nghệ thuật” cân bằng cảm xúc trong công việc cho nhân viên mới
Muốn cân bằng cảm xúc, các bạn nhân viên mới nên tập cách gạt bỏ mọi vấn đề cá nhân ngoài công việc khi đến văn phòng. Hãy tạm khóa những vấn đề ấy lại trong thời gian đi làm, để hoàn toàn tập trung làm việc bạn nhé.
Bên cạnh đó, bạn có thể xoa dịu sự tức giận bên trong bằng cách đếm tới 10, hít thở sâu, đi dạo hay nghe nhạc thư giãn… Nắm rõ nguyên tắc không được nói, không được hành động khi đang tức giận. Nếu không muốn phải hối hận về những lời nói và hành động của mình bộc phát trong cơn nóng.
Song song đó, công ty cần quan tâm đến cảm xúc nhân viên hơn. Đồng thời lan tỏa cảm xúc tích cực trong tập thể, khiến nhân viên thoải mái và hứng khởi hơn với công việc. Văn hóa cảm xúc này là chìa khóa quyết định ít nhiều sự phát triển lâu dài của một công ty.
Trên đây là “nghệ thuật” cân bằng và thể hiện cảm xúc cho nhân viên mới trong công việc. Học cách tiết chế cảm xúc và bộc lộ cảm xúc khéo léo để phát triển sự nghiệp và tránh mích lòng đồng nghiệp. Chúc các bạn Fresher nhanh chóng hòa nhập với môi trường công sở, tránh được những sai lầm không đáng có các bạn nhé!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.