1. Sao cái gì cũng lạ hết vậy ta?
Nhớ lại ngày đầu tiên làm ở công ty mới, Vui Vẻ thấy mình như “nhà thám hiểm” vậy đó. Làm bất cứ việc gì từ đơn giản đến phức tạp, Vui Vẻ đều phải cẩn trọng áp dụng quy tắc “bình tĩnh-khám phá-trải nghiệm”. Vô công ty mới, thấy đồng nghiệp ai cũng có một tách cà phê trên bàn nhâm nhi, hỏi ra mới biết là công ty có góc tự pha cà phê. Bản thân mình thì từ nhỏ tới giờ có biết cái máy pha cà phê nó ra sao đâu nhưng lại ngại hỏi. May mắn là “lính mới” nên Vui Vẻ nhận được sự quan tâm và chỉ bảo của các “bậc tiền bối”.
#Điều nên làm: Đừng ngại hỏi, đừng ngại thử. Là người mới, tất nhiên bạn sẽ gặp những khó khăn trong việc thích nghi với văn hóa công ty về mọi mặt. Nếu bạn không biết nhưng bạn tìm hiểu, bạn sẽ biết. Trái lại, nếu mình không biết nhưng lại tỏ ra mình biết, chắc chắn người thiệt thòi sẽ là bạn.
2. Đồng nghiệp mới có hài lòng về mình không?
Làm ở công ty dù lâu đến mấy thì việc khiến cho mọi đồng nghiệp đều yêu quý mình đã khó, huống chi là một công ty xa lạ. Đối với việc mà mình biết, Vui Vẻ sẽ cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất. Tuy nhiên, do mới chuyển công ty nên nhiều điều còn bỡ ngỡ, vì vậy mà không thể tránh khỏi những lỗi sai không đáng có.
#Điều nên làm: Thật khó để làm hài lòng tất cả mọi người. Do đó, thay vì quá tập trung về việc mọi người nghĩ gì về mình, hãy làm những điều mà bạn thấy đúng và không ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Ngoài ra, một mẹo nhỏ mà Vui Vẻ muốn gợi ý, đó là hãy luôn nở nụ cười thân mật, chào hỏi đồng nghiệp mới nhé! Chắc chắn họ sẽ có ấn tượng tốt về bạn đó.
3. Làm thế nào để “lọt vào mắt xanh” của sếp bây giờ?
Để thuận tiện hơn cho công việc sau này, nhân viên nào cũng muốn tạo ấn tượng với sếp, Vui Vẻ cũng không ngoại lệ. Ở công ty cũ, phải mất một thời gian tìm hiểu và hợp tác, Vui Vẻ mới hiểu được sếp của mình để sau đó có chiến lược “kết thân” riêng. Còn công ty mới lại khác, chỉ mới gặp sếp vài lần, muốn “lọt vào mặt xanh” cũng là chuyện khó đây.
#Điều nên làm: Bạn nên tìm hiểu xem sếp là người như thế nào thông qua đồng nghiệp, chủ động chia sẻ với sếp về cảm giác thích thú và muốn cống hiến của bạn khi được trở thành một phần của công ty. Ngoài ra, khi hợp tác, hãy luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc một cách chủ động, thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm của bản thân. Bên cạnh đó, khi công ty gặp vấn đề khó khăn, hãy là người tìm ra và đề xuất những giải pháp tốt nhất.
4. Liệu mình sẽ làm tốt công việc này chứ?
Khi ứng tuyển, Vui vẻ đã tìm hiểu kĩ càng về những công việc mà vị trí này đảm nhiệm và tin rằng bản thân có thể hoàn thành tốt. Tuy nhiên, vì là “lính mới” nên trong ngày đầu làm việc, tuy công việc cũng không nặng nề nhưng Vui Vẻ cứ băn khoăn sợ làm trái ý cấp trên. Chưa kể, do sự thay đổi đột ngột về văn hóa công ty, Vui Vẻ trở nên lúng túng và lo sợ mình sẽ không “sống sót” nổi.
#Điều nên làm: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, đừng để những âu lo ban đầu làm ảnh hưởng đến công việc của bạn. Việc bạn vượt qua rất nhiều ứng viên để ngồi ở vị trí này đã chứng tỏ bạn có đủ tố chất và năng lực. Do đó, thay vì lo sợ, hãy cố gắng hết mình vì công việc, không ngừng học hỏi và tiếp thu kiến thức.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.