Tân cử nhân mong muốn mức lương xứng đáng 4 năm học Đại học
Với mức lương khá thấp 5 – 7 triệu đồng/tháng, có thể nói là không đủ để trang trải sinh hoạt phí hiện nay ở những thành phố lớn. Đa số bạn trẻ đều hy vọng sẽ nhận được mức lương khởi điểm khi vừa ra trường là 8 – 9 triệu đồng/tháng. Sau khoảng 1 năm làm việc thì mong muốn được tăng lương lên 12 – 15 triệu đồng/tháng. Có như vậy mới đủ trang trải sinh hoạt phí cũng như xứng đáng với 4 năm mình học Đại học.
Nhiều bạn Fresher thẳng thắn chia sẻ sẽ từ chối nếu được nhận vào công ty chỉ trả lương 5 – 7 triệu đồng/tháng. Vì các bạn cho rằng, nếu lương khởi điểm thấp thì cần phải mất rất nhiều thời gian để được tăng lương cao như mong muốn. Vậy nên thay vào đó, nếu chọn công ty có lương khởi điểm cao ngay từ đầu sẽ tốt hơn nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc các bạn cần nỗ lực nâng cao năng lực và trau dồi kinh nghiệm sao cho tương xứng với mức lương được trả.
Mặt khác, cũng có bạn trẻ sẵn sàng chấp nhận lương khởi điểm thấp vì biết rõ mình mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm. Các bạn chưa đặt nặng vấn đề lương thưởng, mà chú trọng đến việc học hỏi kinh nghiệm hơn. Và tin chắc sau một thời gian làm việc, nếu làm tốt các bạn sẽ được công ty trả lương xứng đáng.
Doanh nghiệp trả lương tương xứng năng lực
Nhiều doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp trả lương cho Fresher tương xứng theo năng lực. Muốn đạt mức lương cao hơn, các bạn trẻ phải thể hiện được năng lực và những đóng góp giá trị cho doanh nghiệp. Ban đầu, doanh nghiệp thường tạo cơ hội cho tân cử nhân học hỏi và làm quen với công việc. Sau khoảng 1 năm sẽ đánh giá lại năng lực nhân viên, nếu làm tốt sẽ trả mức lương cao hơn và tương xứng với năng lực mỗi người.
Nhận diện 5 vấn đề lớn khiến Fresher nhận mức lương thấp
Không tự suy nghĩ được, “gọi dạ bảo vâng”, giao gì làm nấy
Nhiều bạn trẻ rất thụ động, Sếp giao gì thì làm nấy. Các bạn không chủ động trong công việc, không tự suy nghĩ được mà chỉ biết “gọi dạ bảo vâng”. Hãy thử chủ động hơn xem sao các bạn nhé.
Thay vì đợi Sếp giao việc, bạn có thể chủ động hỏi: “Sếp ơi, hôm nay có việc gì mới giao em làm không ạ?”. Hoặc khi thấy hàng trong kho sắp hết, bạn có thể nhắc và đề xuất: “Sếp ơi, em thấy hàng trong kho sắp hết rồi, em lên đơn nhập hàng mới nhé?”… Chắc chắn một nhân viên luôn chủ động sẽ “ghi điểm” được trong mắt Sếp.
Thiếu kỹ năng mềm, rảnh rỗi nhưng không chịu trau dồi
Mới ra trường nên thiếu kinh nghiệm có thể chấp nhận được, nhưng thiếu kỹ năng mềm thì lỗi do chính các bạn. Thời gian rảnh thay vì lướt mạng, bạn nên trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. Chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, lập kế hoạch, quản lý cảm xúc… Có thể học các kỹ năng này qua sách báo, internet hoặc đăng ký tham gia các khóa học bạn nhé.
1001 câu hỏi vì sao, không biết tự research tìm hiểu
“Số liệu này tìm ở đâu vậy Sếp?”, “Cài hiệu ứng này trong Power Point chỗ nào Sếp?”… Cả ngàn câu hỏi vì sao mà các bạn trẻ thay vì tự research tìm hiểu lại cứ hỏi Sếp mình. Bạn chỉ nên hỏi Sếp khi câu trả lời không có trên Google, qua sách báo hay đồng nghiệp… thôi nhé.
Cái gì cũng sợ, chỉ muốn an phận
Sếp có dự án mới cần người xung phong đảm nhận, bạn từ chối vì sợ khổ sợ thất bại? Bạn thường làm đủ chỉ tiêu là được, ít khi nỗ lực hết mình để vượt KPI?… Muốn an phận là thứ kìm hãm bạn đến với thành công, nhất là khi còn trẻ.
Tuổi trẻ mà, bạn nên đón đầu mọi thử thách để phát huy tối đa năng lực bản thân. Dám thử mới biết mình sai ở đâu để sửa. Có như vậy mới trau dồi được nhiều kinh nghiệm đắt giá cho hành trình phát triển sự nghiệp. Nếu cái gì cũng sợ và chỉ muốn an phận, bạn sẽ ngày càng ù lì và mãi dậm chân tại chỗ, thậm chí là đi thụt lùi so với thời đại.
Không hiểu quy luật: Mức lương phụ thuộc vào năng lực
Bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nhưng lại chê lương thấp? Năng lực bạn còn yếu kém, chưa tạo ra nhiều giá trị cho công ty nhưng lại đòi mức lương cao?… Bạn nên hiểu được quy luật mức lương phụ thuộc vào năng lực.
Khi bạn làm tốt, công ty sẽ trả mức lương tương xứng với năng lực của bạn. Còn khi năng lực còn yếu kém và chưa có kinh nghiệm, bạn nên chấp nhận mức lương thấp. Nỗ lực nâng cao năng lực sẽ khiến mức lương của bạn tăng cao tương xứng thôi.
Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn tìm được câu trả lời cho trăn trở chuyện lương thấp sau 4 năm học Đại học: Đồng hành hay chạnh lòng rời đi? Nếu sau một thời gian đã nâng cao năng lực và làm rất tốt công việc của mình mà lương vẫn không tăng, bạn có thể rời đi để chọn công ty mới tốt hơn. Còn mới ra trường thì nên chấp nhận đồng hành cùng công ty để học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm bạn nhé.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.