Con đường sự nghiệp của mỗi người mỗi khác, nó dài hay ngắn, rộng mở hay mịt mùng, gồ ghề hay bằng phẳng đều tùy thuộc vào nhiều ý tố khách quan và cả chủ quan. Riêng trong chuyện thu nhập, có nhiều dân văn phòng lương tháng 10 triệu vẫn thấy chưa thấm tháp là bao, với quá nhiều thứ phải chi trả, nào là tiền nhà thuê, tiền điện nước, tiền cà phê cà pháo với bạn bè nên họ vẫn cố gắng tìm kiếm thêm cho mình thật nhiều cơ hội để thăng tiến, để có mức thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên trái lại, có người lương tháng 6 triệu, dù trẻ nhưng dường như cảm thấy đã hài lòng, không mong muốn gì hơn và cũng không có nhu cầu chạy thật nhanh trên đường đua đến một cột mốc nào đó để so tài với bạn bè đồng trang lứa. Và đó cũng chính là câu chuyện của cô nàng công sở dưới đây.
Cô viết trong một hội nhóm chuyên “tám” chuyện công sở rất lớn trên MXH như sau: “Em 21 tuổi, kiếm đc 1 công việc văn phòng, lương hơn 6 triệu một chút. Ngày đi làm 8 tiếng xong về ngủ, xong đi làm. Công việc cứ mãi mãi như thế này. Không biết như vậy có gọi là an phận quá không ạ?”.
Đôi dòng tâm sự mỏng và ngắn bên trên sau khi đăng đàn được ít lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Bên dưới phần bình luận, khá đông thành viên trong hội nhóm đăng tải cũng đã nhanh tay sẻ chia đôi điều về câu chuyện này, đặc biệt là hai từ “an phận” mà cô gái trẻ đề cập:
“Hiện tại bạn cảm thấy an phận có là quá sớm không? Bạn còn trẻ nếu có thời gian thì cố gắng bổ sung thêm kỹ năng kiến thức trong công việc, bạn không thể làm 1 công việc cả đời nên cần chuẩn bị đủ cho công việc mới và cơ hội mới phía trước nữa”.
“Nếu cảm thấy hài lòng thì ok. Còn không hài lòng thì sẽ tự tìm cách 1 là phấn đấu thăng tiến công việc, 2 là tìm 1 công việc có khả năng cho mình thu nhập tốt. An phận là 1 quan điểm sống chứ cũng không hẳn là tiêu cực”.
“Lương bằng lúc mình thử việc, cảm thấy không thể sống nổi với mức lương đó luôn, mặc dù là ăn uống nhà cửa đều bố mẹ lo cho. Cũng may giờ khác rồi, nói chung là còn trẻ nên thay đổi công việc cho mình 1 công việc phù hợp mức lương xứng đáng mình bỏ ra là ổn rồi”.
Quả thật, qua các bình luận trên có thể thấy rằng, chuyện an phận hay không an phận tùy thuộc vào suy nghĩ và nhu cầu của mỗi cá nhân, như đầu bài có đề cập. Người thích mua sắm, thích hẹn hò rủ rê bạn bè đi ăn uống sau giờ tan làm hoặc thích đi du lịch hay lớn hơn nữa là ước mơ có nhà cao cửa rộng, thì có lẽ 6 triệu với họ chẳng là gì; trái lại người sống khép kín hơn với tâm lý “biết đủ”, không cần quá nhiều tiền thì 6 triệu đã ổn vì nó mang tới cho họ cuộc sống vừa vặn.
Suy cho cùng, cuộc đời của mỗi chúng ta không ai giống ai, môi trường sống khác nhau, suy nghĩ khác nhau, nên đừng cố tìm kiếm một mẫu số chung nào đó, của ai đó để áp vào cuộc đời mình. Dù trẻ hay già, hãy sống theo những gì con tim mình mách bảo, tham vọng cũng được, an phận cũng được miễn sao vẫn là người tử tế và sống được cuộc đời như chính bản thân mong cầu là hạnh phúc lắm rồi, phải không nào?
Riêng trong môi trường công sở, an phận đôi khi còn là phương châm tuyệt vời để mỗi cá nhân có được bình an, tránh xa khỏi mọi thị phi drama không đáng có, nhưng thi thoảng chính sự an phận này lại khiến dân công sở gặp phải bất công. Chẳng hạn như: Đồng nghiệp thấy bạn hiền quá nên chèn ép; sếp thấy bạn chẳng biết đòi hỏi nên mãi không thèm lên lương dù bạn làm rất tốt và xứng đáng có một mức lương cao hơn,…
Nên nhớ, an phận không có nghĩa là chịu đựng những bất công, hãy đứng lên đòi lại công bằng bởi đó cũng là một cách để bạn bảo vệ chính mình và tôn trọng chính mình.
Xem thêm >> Bí quyết deal lương khéo léo giúp bạn có được thu nhập như mong muốn
— HR Insider/ Theo cafef —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.