Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định số 141 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc ở doanh nghiệp, từ ngày 1/1/2018, cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-230.000 đồng mỗi tháng.
Ở vùng I, người lao động sẽ nhận được 3.980.000 đồng mỗi tháng, vùng II 3.530.000 đồng, vùng III 3.090.000 đồng, vùng IV 2.760.000 đồng.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động trên địa bàn khác nhau thì đơn vị hoạt động ở địa bàn nào phải áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất…
Theo nghị định, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Mức lương trả cho người lao động làm việc giản đơn nhất không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, và phải cao hơn ít nhất 7% đối với người lao động đã qua học nghề.
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại…
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.