Oh lah lah, chúc mừng bạn đã có sự thăng tiến lên vị trí Quản lý Cấp trung. Ở vị trí tuyệt vời này, bạn sẽ là người chịu trách nhiệm cho kết quả làm việc của nhóm, thế nhưng – lại có 1 chữ “nhưng” – uy quyền và sức ảnh hưởng của bạn với công ty vẫn còn hạn chế. Vậy nên, “chào mừng bạn đến với Vùng Nguy hiểm”.
Tại sao lại nguy hiểm? Bởi vì, chỉ cần một chút bất cẩn thì sự nghiệp của bạn sẽ tiêu tùng. Đó cũng là kết luận của Jack Zenger và Joseph Folkman trong bài báo “Tại sao Quản lý Cấp Trung lại không hạnh phúc” đăng trên Harvard Business Review: hóa ra những nhân viên không hạnh phúc nhất lại chính là các Quản lý cấp trung.
Họ đã thu thập dữ liệu từ 320,000 nhân viên không nhiệt tình gắn bó với công ty nhất từ nhiều tổ chức khác nhau. Và họ khám phá ra rằng những nhân viên trong nhóm 5% thấp nhất đang bị “mắc kẹt ở lưng chừng mọi thứ”. Đặc điểm chung của nhóm này là:
– Họ là Quản lý cấp trung
– Họ có bằng cao đẳng/đại học, nhưng không có bằng sau đại học
– Họ có nhiệm kì từ 5 -10 năm
– Họ được đánh giá kết quả làm việc “tốt” (nhưng không phải quá xuất sắc hay quá tệ)
Thật sự khó khăn khi làm Quản lý Cấp trung vì sẽ có lúc bạn thấy vỡ mộng và chán nản. Hãy khoan vội bi quan. Bạn được thăng tiến lên vị trí này là bởi vì đã có người tin rằng bạn có khả năng lãnh đạo. Chẳng phải đây chính là thành công lớn của bạn?
Dưới đây là 5 mục tiêu mà một Quản lý Cấp trung nên hướng đến để có được niềm vui trong công việc:
Sự hài lòng: Một trong các lí do lớn nhất gây nên sự chán nản ở các nhà Quản lí cấp trung đó là mong muốn được đề bạt lên cấp bậc cao hơn. Nhiều nhà Quản lý tập trung vào việc thăng chức mà lơ là công việc hiện tại của họ. Bạn đã và đang được yêu cầu lãnh đạo nhân viên, hãy làm tốt vai trò này và tận hưởng thời gian làm một nhà Quản lý cấp trung
Sự hoàn hảo: Thay vì tập trung vào sự thăng tiến, hãy tập trung để làm một nhà Quản lý giỏi và hoàn thành mọi việc thật xuất sắc. Nếu bạn củng cố được niềm tin luôn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhóm, bạn sẽ dễ dàng được đề bạt lên vị trí cao hơn.
Sự hiểu biết: Hoàn thành tốt công việc nghĩa là học hỏi những thứ bạn có thể học để trở thành một lãnh đạo giỏi. Hãy sử dụng thời gian làm quản lý để tự học. Đọc sách về kinh doanh, tham gia các khóa học để cải thiện nhược điểm, học bằng cấp cao hơn, hoàn thành một chứng chỉ liên quan đến ngành nghề, tham gia các cộng đồng, xung phong nhận các dự án khó, hoặc tìm một cố vấn trong công ty để học hỏi. Hầu hết các công ty đều tạo điều kiện cho bạn củng cố và tận dụng kiến thức. Càng hiểu biết nhiều, giá trị của bạn trong công ty ngày càng cao.
Sự cam kết: Các nhà Quản lý cấp cao luôn tìm kiếm những nhân viên làm được việc và họ cần những Quản lý cấp trung luôn làm được điều họ nói. Hãy trở thành một nhân viên đáng tin cậy, luôn cam kết thực hiện lời đã hứa.
Sự khám phá: Tận dụng thời gian làm Quản lý cấp trung để xác định xem điều gì khiến bạn thấy hài lòng nhất trong công việc. Đó có phải là khi bạn được quản lý một dự án lớn quan trọng hoặc tổ chức thành công một sự kiện lớn? Hay đó là khi bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đang hoạt động hoặc tập trung đẩy mạnh công tác quản lý? Cố gắng khám phá càng nhiều càng tốt để biết được bạn thật sự yêu thích điều gì và chuẩn bị nền tảng chắc chắn cho các dự án sau này.
Vị trí Quản lý Cấp trung không phải là địa ngục cho sự nghiệp của bạn. Với thái độ đúng đắn và sự tập trung cao độ, thời gian làm Quản lý cấp trung có thể là những năm tháng tốt đẹp nhất trong cuộc đời đi làm để bạn tôi luyện kỹ năng quản lý, học cách làm việc ở cường độ cao, tiếp tục học hỏi, xây dựng danh tiếng và khám phá những điều bạn thích. Chìa khóa để thành công chính là trở thành cánh tay đắc lực, đáng tin cậy cho Quản lý cấp cao. Vậy làm hết tất cả những việc trên sẽ giúp bạn được thăng chức? Có thể ĐÚNG nhưng cũng có thể SAI. Nhưng gợi ý này sẽ giúp bạn tìm được niềm vui và sự hài lòng với công việc.
Bạn có nghĩ mình đã tìm được cách để thoát khỏi tình trạng “mắc kẹt” này chưa? Chia sẻ thêm với chúng tôi nhé.
– HR Insider –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.