Văn hóa “thích thì nghỉ” của thế hệ Gen Z
Nếu chỉ một vài người “thích thì nghỉ” thì có lẽ không đáng bận tâm. Tuy nhiên khi rất nhiều người cùng thế hệ, cùng thời điểm, cùng bỏ việc, cùng thái độ như nhau… sẽ đặt ra suy ngẫm về văn hóa nghỉ việc của Gen Z ngày nay.
Xét về mặt nguyên nhân, có thể xuất phát từ các vấn đề phổ biến như áp lực công việc cao và khối lượng công việc lớn. Hay các bạn Fresher khó thích nghi với môi trường làm việc, cũng như khó hòa nhập với văn hóa công sở. Hoặc gặp khó khăn trong việc kết nối và giao tiếp giữa các phòng ban, gây cản trở lớn đến quá trình xử lý công việc… Mặt khác, sự khác biệt thế hệ cũng là một nguyên nhân cốt lõi dẫn đến xu hướng này.
Tuy cùng một độ tuổi nhưng sống ở bối cảnh thời đại xã hội không giống nhau, sẽ dẫn đến quan điểm sống, năng lực làm việc, cơ hội nghề nghiệp… không giống nhau. Có lẽ nhịp sống hiện đại của thời đại “thế giới phẳng” ngày nay đã tác động không nhỏ đến quyết định khác thế hệ trước của Gen Z.
Cơ hội nghề nghiệp ngày nay khá nhiều
Xã hội ngày càng phát triển và hội nhập kéo theo vô số lĩnh vực và ngành nghề mới ra đời. Bên cạnh đó, phương tiện truyền thông đại chúng và internet phát triển hỗ trợ tối đa cho nhu cầu khám phá, tìm hiểu và học hỏi của con người. Chỉ cần bạn muốn biết, muốn hiểu, muốn học thì hoàn toàn có khả năng chủ động tiếp cận và nâng cao năng lực chỉ qua một chiếc điện thoại.
Vậy nên cơ hội nghề nghiệp ngày nay là khá nhiều cho Gen Z chọn lựa. Kể các các bạn Fresher, khi quyết định bỏ công việc này thì ngoài kia vẫn còn nhiều công việc khác đang tuyển dụng.
Dễ bị tác động bởi xu hướng trên mạng xã hội
Có thể nói, Gen Z là thế hệ lớn lên trên mạng xã hội. Con người chúng ta thường có tâm lý hùa theo số đông. Nhiều bạn trẻ bị xu hướng mạng xã hội chi phối và tác động lớn đến quan điểm sống. Chẳng hạn nhiều thông điệp truyền tải thành xu hướng rất được đón nhận như yêu thì nói, ghét thì chặn, chán làm thì bỏ việc…
Hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội có rất nhiều trào lưu cổ vũ cho văn hóa “thích thì nghỉ”. Nhiều bạn trẻ chỉ cần chán làm, không hợp đồng nghiệp, hay sếp la một câu… liền bỏ việc và chia sẻ điều này lên mạng xã hội. Từ đó truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ Fresher đang chán việc hay bất đồng quan điểm nhỏ với sếp, liền hùa theo và bỏ việc giữa chừng.
Thế hệ Gen Z dễ tổn thương hơn trong thời đại “thế giới phẳng”
Collins gọi Gen Z là “thế hệ hoa tuyết’ vì các bạn rất dễ tổn thương, ít kiên định, nhạy cảm, tự ái và hay buồn vu vơ. Không chỉ đối mặt với áp lực công việc, các bạn trẻ còn đối mặt với thách thức cao về cảm hứng làm việc lẫn cảm xúc bản thân. Trường hợp cấp trên không tinh tế và không thấu hiểu, các bạn dễ tủi thân và dễ bốc đồng bỏ việc.
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần được dỗ dành mà lớn lên. Vậy nên trong hành trình phát triển sự nghiệp của Fresher, rất cần được thấu hiểu, cảm thông và nhẹ nhàng uốn nắn. Chúng ta nên đón nhận tư tưởng và quan điểm sống của thế hệ Gen Z một cách cởi mở hơn.
Cứ để Gen Z được “thỏa sức” sống đúng với bản chất thế hệ của họ, được bỏ việc khi cảm thấy chán chường hoặc bị sếp la… Chỉ cần chúng ta thấu hiểu hơn, bớt tạo áp lực hơn trên vai các bạn trẻ là được.
Đến khi đã trải nghiệm đủ hỉ nộ ái ố của cuộc sống đi làm, Gen Z sẽ tự trở thành phiên bản tốt nhất với một thái độ làm việc tích cực nhất. Bên cạnh đó, các bạn Fresher cũng nên bớt nhạy cảm hơn, bớt chạy theo xu hướng mạng xã hội và bớt bốc đồng hơn. Để có thể vững vàng hơn trên hành trình phát triển sự nghiệp nhé.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.