Trái lại, 5 câu hỏi phỏng vấn sau đây tuy rất phổ thông và tưởng chừng như rất dễ trả lời, lại chính là những câu hỏi khiến người trả lời dễ rơi vào cảnh “cứng lưỡi” nhất. Vậy nên, hãy xem lại bản thân mình xem, liệu bạn có đang trả lời 5 câu hỏi phỏng vấn sau sai cách và tìm cho mình giải pháp trong bài viết sau nhé.
1. Hãy cho chúng tôi biết đôi điều về bản thân bạn
Rất nhiều người mắc phải lỗi vòng vo khi trả lời câu hỏi này. Thay vì dẫn dắt nhà tuyển dụng bằng một câu chuyện ấn tượng, có sức nặng và đầy trọng tâm, họ lại tóm lược quá trình công tác cũng như những thành tựu, “chứng tích” nghề nghiệp mà họ đã trải qua, cũng như những trở ngại cuộc sống của họ.
Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người vòng vo và thiếu trọng tâm vào vấn đề. Thay vào đó, câu trả lời chỉ cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau: Bạn là ai, kinh nghiệm của bản thân và mục tiêu nghề nghiệp khi ứng tuyển vào vị trí hiện tại. Điều này không chỉ giúp đôi bên tiết kiệm được thời gian, mà còn giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ được lộ trình và mục tiêu nghề nghiệp của bạn 1 cách bài bản chiến lược, qua đó giúp họ có thiện cảm với ứng viên hơn.
2. Điều gì khiến bạn yêu thích công việc của mình?
Nghe tuy có vẻ dễ đáp nhưng đáp rồi mới thấy mình rất dễ bị “sụp hố” trước câu hỏi phỏng vấn này. Cơ bản, bạn sẽ dễ dàng kể lễ vòng vo với rất nhiều lý do trên trời dưới đất, nhưng cuối cùng lại thì chẳng mấy liên quan gì đến công việc, và mong đợi từ nhà tuyển dụng.
Thay vào đó, hãy cho nhà tuyển dụng thấy rõ sự hiểu biết của bạn về tính chất công việc, cũng như là những thử thách đặt ra. Để từ đó, bạn có thể đưa ra cách giải quyết của mình trước những vấn đề trong công việc của mình. Hãy nói đủ sâu và đủ rộng, để ghi điểm tốt hơn với nhà tuyển dụng.
3. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Thành thật là một đức tính tốt. Nhưng không phải lúc nào “vạch áo cho người xem lưng” cũng là một điều hay, nhất là khi bạn đang cố gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng “sự thật”.
Đừng nói dối, mà thay vào đó, hãy thử tìm một cách trả lời tinh tế và khéo léo hơn, bằng việc biến điểm yếu của bạn thành điểm mạnh trong mắt nhà tuyển dụng.
Thay vì bạn nói mình “chưa thể làm việc đa nhiệm một cách hiệu quả”, hãy thử nói rằng “Tôi là một con người cầu toàn luôn muốn tìm đến sự hoàn hảo trong công việc, và điều này đôi lúc khiến tôi “đẩy giới hạn” của mình đi quá xa”.
4. Vì sao bạn rời bỏ công việc ở công ty cũ?
Một trong những câu hỏi dễ gây sát thương chí mạng nhất cho ứng viên. Và cũng chính vì điều này, rất nhiều ứng viên dễ bị đánh trượt vì đưa ra những câu trả lời: Vì môi trường không phù hợp, vì chán ghét cấp trên hoặc vì không hoà hợp được với đồng nghiệp. Nhà tuyển dụng không muốn thuê bạn vì có thể, lý do bạn ra đi sắp tới cũng có thể gần như tái diễn lại như những câu chuyện trước đây.
Thay vì vậy, đừng tập trung vào quá khứ, mà hãy nói về mục tiêu tương lai của bạn và liên đới chúng tới việc bạn nghỉ việc ở công ty cũ: Vì bản thân muốn tìm những thử thách mới, vì muốn thay đổi môi trường để tiếp thu những kiến thức mới phù hợp với lộ trình nghề nghiệp của bản thân hơn.
5. Bạn thấy mình ở đâu trong 10 năm tiếp theo?
Đừng bao giờ nói một cách thẳng thừng rằng: Bạn muốn trở thành Phó Chủ Tịch/ Tổng Giám Đốc như người đang phỏng vấn trực tiếp với bạn. Vì bạn sẽ dễ dàng bị hỏi khó thêm 1 lần về hiểu biết và trách nhiệm để có thể đạt được vị trí trên. Trường hợp xấu nhất là bạn chỉ nói bằng cảm xúc của mình thì lý trí của nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng bóp nát “ước mơ và tầm nhìn” của bạn.
Thay vào đó, hãy miêu tả bản thân như một người có tầm nhìn và chiến lược, thông qua việc hoạch định những gì bản thân cần phải làm từ hôm nay cho đến 10 năm tiếp theo. Thị trường tuyển dụng luôn thay đổi nên đôi lúc cũng sẽ khiến những quyết định của bạn về sau đổi theo. Tuy nhiên, điều đó vẫn không quan trọng. Quan trọng là tầm nhìn và ý chí của bạn mạnh mẽ như thế nào và bạn sẽ chứng tỏ được nhiệt huyết của mình với nhà tuyển dụng ra sao, để họ đủ tin tưởng vào khả năng và lộ trình sự nghiệp sắp tới của bạn.
— HR Insider / Theo fastcompany —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.