Trong sự nghiệp, điều khiến tôi hối tiếc nhất chính là đã quá trung thành, đến mức mù quáng với công ty cũ. Dù rằng, tôi đã nghỉ việc được hơn 1 năm, nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi bản thân rằng: “Chuyện sẽ như thế nào nếu mình nhảy việc sớm hơn, có lẽ, mình đã có cơ hội chạm đến thành công, chứ không phải bấp bênh như hiện nay.” Đành rằng công ty đã cho tôi rất nhiều thứ, từ kinh nghiệm chuyên môn đến những người bạn rất tốt, nhưng thời gian đã bị phí hoài thì mãi tôi vẫn chẳng thể lấy lại được. Và tôi tiếc nuối khoảng thời gian ấy hơn hết thảy. Có lẽ, nếu chiêm nghiệm được 5 điều này sớm hơn, tôi đã có đủ lí do nhảy việc và tìm kiếm sự nghiệp dành cho mình!
Sự ngây thơ
Tôi gia nhập công ty cũ khi mới ra trường, không kinh nghiệm, không tiền và được nhận một khoản lương hấp dẫn đối với sinh viên mới đi làm lúc bấy giờ. Tôi đã rất trung thành và biết ơn khi tin vào tất cả lời hứa của họ về cổ phần trong tương lai, thăng chức, phúc lợi hấp dẫn hơn. Nhưng tôi nhận ra tất cả chỉ là hứa suông không lâu sau khi đàm phán.
Bài học rút ra: Đừng tin những lời nói suông, tất cả đều cần giấy trắng mực đen rõ ràng. Lỗi không hoàn toàn thuộc về công ty cũ mà còn là trách nhiệm của bạn khi không thể chọn cho mình hướng đi có lợi hơn. Đừng ngại đánh giá cao bản thân mình khi đàm phán ở lại công ty, chỉ khi bạn nhìn nhận đúng thực lực của mình bạn mới có thể đòi quyền lợi cho chính bạn.
Tình cảm với đồng nghiệp
Tôi đã quyết định ở lại chỉ vì một vài lý do đơn là: tôi đang hẹn hò với một anh chàng trong công ty, một công việc mới có thể làm mối quan hệ của chúng tôi xa cách hơn. Nhưng chỉ 2 tuần sau khi tôi quyết định ở lại công ty, anh ta đã bỏ tôi với lý do không muốn mối quan hệ của chúng tôi ảnh hưởng đến công việc.
Bài học rút ra: Đừng để chuyện tình cảm ảnh hưởng tới quyết định liên quan đến tài chính, sự nghiệp. Đặc biệt là trước khi hiểu rõ về tình cảm chân thành của họ. Tôi không bao giờ nghĩ những chuyện như thế này sẽ xảy ra với mình nhưng không ai đoán trước được điều gì. Đừng bao giờ mắc phải một sai lầm ngớ ngẩn như vậy giống tôi. Nhưng cũng đừng bao giờ để tình cảm trở thành lí do nhảy việc duy nhất của bạn.
Những lời biện minh
Cũng trong thời gian thỏa thuận lại với công ty cũ, tôi đã mua một căn nhà tại gần đó. Một phần vì muốn tiện cho việc đi lại, một phần vì muốn sống gần bạn trai lúc đó của tôi. Và tôi biện minh cho việc mình nên ở lại công ty này là do căn nhà mới mua.
Bài học rút ra: Đừng bao giờ biện minh cho việc quyết định ở lại hoặc ra khỏi công ty đang làm bằng những quyết định khác. Tôi đã hoàn toàn có thể cho thuê căn nhà để nhận việc ở một nơi xa hơn chứ không nhất thiết phải sống trong đó. Và hàng tỉ những biện minh khác khiến lí do nhảy việc của tôi không đáng để đánh đổi.
Môi trường làm việc thay đổi
Tôi đã từng rất hài lòng khi làm việc dưới trướng người quản lý cũ của mình, nhưng anh ấy đột ngột nghỉ việc để lại cho tôi việc quản lý này. Với cách quản lý mới, tôi dễ dàng được ưu ái, tự chủ trong hoạt động, phát huy năng lực của mình. Và vì thế, tôi sợ rằng môi trường làm việc mới sẽ kìm chân mình và khiến công việc không còn “xuôi chèo mát mái” như trước đây, đó chính một lý do khác khiến tôi tiếp tục bám trụ.
Bài học rút ra: Chuyện gì cũng có thể xảy ra, bạn phải luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách. Không bao giờ là quá muộn để lên kế hoạch cho sự nghiệp của bạn, đừng tự hài lòng với những thứ bạn đang có, càng đặt ra mục tiêu cao bạn càng giúp cho sự nghiệp của mình thăng tiến tốt hơn.
Thương lượng chưa đủ tốt
Có thể bạn nghĩ rằng những chuyên viên nhân sự như tôi sẽ rất giỏi trong khoản thương lượng cho bản thân mình. Chỉ vì quyết định rời đi đó nên tôi nghĩ rằng không cần quá “mạnh tay” khi thương lượng mức lương nếu ở lại vì có thể tôi sẽ nhận được mức lương cao hơn nhiều khi làm ở nơi khác. Trớ trêu thay, tôi đã quyết định ở lại và nhận được mức lương không hề như mong muốn.
Bài học rút ra: Hãy luôn vững vàng và cứng rắn, bạn có thể tính xa nhưng đừng bao giờ quên những dự trù tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đừng bao giờ hạn chế những lựa chọn của bản thân.
Chia sẻ từ HR Insider: Không có gì trên đời này là tuyệt đối cả. Mỗi hành động trong hiện tại hay quá khứ đều mang đến những kết quả mà bạn không thể nào lường trước được. Có thể, ở thời điểm hiện tại, việc trụ quá lâu tại một công ty mà bạn chưa được đối xử công bằng là điều khiến bạn hối tiếc. Nhưng chính nhờ khoảng thời gian này, bạn mới có thể trau dồi kiến thức chuyên môn, tạo dựng các mối quan hệ thân thiết để có thể tự tin bước ra ngoài, khám phá nhiều điều mới. Vì thế, đừng trách bản thân vì đã chậm trễ mà hãy hành động ngay khi bản thân có thể.
— HR Insider/ Sưu tầm —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.