Lãnh đạo thấu cảm là gì?
Lãnh đạo thấu cảm (Empathy Leadership) là sự thấu cảm, đồng cảm và khả năng nhận thức, liên hệ để hiểu được suy nghĩ, cảm xúc, câu chuyện của người khác. Nói đơn giản là bạn đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận những điều mà họ trải qua.
Theo đó, nhà quản lý có khả năng Lãnh đạo thấu cảm sẽ nắm bắt tình huống từ quan điểm của nhân viên rồi tương tác lại với thái độ thấu hiểu và cảm thông. Nhà quản lý cho phép nhân viên thể hiện cảm xúc bản thân, đồng cảm với nhau giúp gắn kết mối quan hệ và nâng cao hiệu suất công việc.
Tại sao nhà quản lý cần Lãnh đạo thấu cảm?
Không phải ngẫu nhiên mà Lãnh đạo thấu cảm trở thành kỹ năng then chốt của nhà quản lý hiện đại.
– Giữ chân nhân tài: Khi cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và đánh giá cao thì nhân viên giỏi thường muốn gắn bó lâu dài với công ty hơn.
– Thúc đẩy động lực làm việc: Nhân viên thường phấn chấn có động lực làm việc và nỗ lực cống hiến nhiều hơn khi cấp trên quan tâm, ghi nhận cố gắng cũng như thành quả công việc của cấp dưới.
– Gắn kết tinh thần tập thể: Sự thấu hiểu và tôn trọng là “chìa khóa” gắn kết mối quan hệ cấp trên – cấp dưới tốt đẹp hơn. Nhờ đó quản lý và nhân viên phối hợp làm việc ăn ý hơn, hiệu suất công việc cao hơn và giảm thiểu tối đa xung đột mâu thuẫn.
Nghệ thuật Lãnh đạo thấu cảm giúp nhân viên vượt qua căng thẳng
Đầu tiên, nhà quản lý cần tập cách lắng nghe và quan tâm chân thành đến suy nghĩ, cảm xúc của nhân viên. Hãy tập trung lắng nghe nhân viên nói, duy trì giao tiếp bằng mắt và thường xuyên gật gù… Bạn nên đặt các câu hỏi khuyến khích nhân viên chia sẻ cởi mở hơn về vấn đề họ đang gặp phải để bạn có thể thấu hiểu và hỗ trợ, giúp đỡ.
Bên cạnh đó, đừng quên thường xuyên quan tâm đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên bạn nhé. Chẳng hạn nếu thấy nhân viên bơ phờ mệt mỏi vì áp lực công việc, bạn có thể giảm bớt khối lượng công việc và gia hạn deadline lâu hơn. Hoặc nếu gia đình nhân viên đang gặp chuyện, bạn nên chia sẻ và an ủi, động viên tinh thần của nhân viên…
Đặc biệt, bạn phải tạo ra được không gian an toàn để nhân viên an tâm chia sẻ về những áp lực, khó khăn và căng thẳng trong công việc lẫn cuộc sống. Nếu nhân viên lo ngại câu chuyện của mình có thể bị lan truyền ra ngoài thì họ sẽ e dè trong việc chia sẻ với cấp trên. Hãy đảm bảo những chia sẻ thành thực của nhân viên không ảnh hưởng hay cản trở gì đến công việc và hành trình phát triển sự nghiệp của họ. Ngoài ra, bạn nên khéo léo không để sự “trải lòng” này khiến những nhân viên khác hiểu nhầm sinh ra ganh tỵ và mâu thuẫn…
Đừng chỉ lắng nghe và thấu hiểu thôi bạn nhé, phải biết đưa ra phản hồi mang tính xây dựng giúp nhân viên cải thiện tình hình và giảm căng thẳng hiệu quả. Chẳng hạn nhân viên đang gặp khó khăn trong việc đảm nhận một dự án khó, bạn nên đầu tư hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công việc cũng như cho nhân viên tham gia khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ. Hoặc nếu nhân viên đang có mâu thuẫn gay gắt với đồng nghiệp, bạn có thể dành thời gian ngồi xuống lắng nghe đôi bên trình bày để tìm ra giải pháp xử lý mâu thuẫn tối ưu nhất…
Hy vọng những chia sẻ trên giúp nhà quản lý thời đại mới nắm được nghệ thuật Lãnh đạo thấu cảm để hỗ trợ nhân viên vượt qua căng thẳng. Chúc bạn trở thành một vị Sếp được cấp dưới nể trọng và quý mến.
Xem thêm: Vì sao nhân viên nể phục lãnh đạo cấp cao nhưng lại khó hoà hợp với quản lý cấp trung?
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.