Âm nhạc được tạo ra như một công cụ giúp cho não bộ được linh hoạt hơn và tăng mức độ hứng thú trong khi làm việc. Nhưng đó sẽ là cách làm việc hiệu quả nếu như bạn nghe nhạc đúng thời điểm và đúng với hoàn cảnh xung quanh. Hãy cùng nghía qua mức độ ảnh hưởng đến năng suất làm việc khi bạn nghe nhạc nhé.
1. Xung quanh quá ồn ào? Nghe nhạc ngay đi!
Bạn đang cần tập trung để hoàn thành nốt mớ công việc cao như núi trước mắt thế nhưng văn phòng thì lại quá ồn ào bạn không thể tiếp tục công việc vì não bộ “đang bận” xử lý hết những âm thanh ấy. Cứ đôi phút bạn lại ngẩng lên vì những tạp âm xung quanh. Không chừng, bạn sẽ dễ “nổi quạu” vì làm hoài chưa xong một việc! Vậy còn chần chờ gì mà không đeo ngay tai nghe vào, tách mình ra khỏi “đám âm thanh” lùng bùng kia và tập trung làm việc ngay thôi. Trong những trường hợp như thế này, nghe nhạc sẽ là “cứu cánh” hữu hiệu nhất giúp bạn không bị mất tập trung vì những âm thanh phức tạp bên ngoài, chính vì vậy mà năng suất làm việc cũng từ đó được cải thiện hơn.
2. Giải tỏa căng thẳng, tăng hormone hạnh phúc!
Một bản nhạc hay sẽ giúp cho tinh thần của bạn thư giãn hơn rất nhiều khi đang gặp căng thẳng trong lúc làm việc. Não bộ sẽ tự động kích hoạt giải tỏa các chất dẫn truyền xung thần kinh tạo cảm giác sảng khoái, giúp bạn tập trung tốt hơn. Đặc biệt là trong những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, nghe một bản nhạc hay sẽ giúp cho nhân viên lên tinh thần hơn, công việc trở nên thú vị hơn, từ đó tốc độ làm việc được cải thiện và tránh mắc phải những sai lầm trong quá trình làm việc.
3. Lời bài hát sẽ khiến bạn dễ mất tập trung
Những bản nhạc có lời sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho những công việc lao động chân tay. Tuy nhiên, đó sẽ là cản trở rất lớn cho những công việc đòi hỏi mức độ tập trung cực cao (chẳng hạn như viết code, gõ văn bản,v..v..). Nghe nhạc có lời, bạn sẽ có xu hướng hát theo ca khúc và lắng nghe nhiều hơn, chính điều này sẽ lấy đi khả năng tập trung của bạn, và đôi khi đây không phải là cách làm việc hiệu quả.
4. Khả năng tập trung sẽ bị “hất tung” khi nghe bài nhạc mới
Tại sao lại có chuyện tưởng như lạ lùng như vậy? Khi nghe một bản nhạc mới, bạn thường dành sự tập trung nhiều hơn để lắng nghe giai điệu, cũng như lời bài hát. Điều này sẽ khiến bạn dành trọn thời gian cho việc thưởng thức những giai điệu, lời bài hát mới ấy và xao nhãng công việc hiện tại. Những gì mới lạ sẽ kích thích sự tò mò và hứng thú của chúng ta hơn, vì thế bạn sẽ tạm thời “bỏ quên” công việc một cách dễ dàng hơn. Nghe một bản nhạc cũ sẽ là lựa chọn thích hợp nếu như bạn cần tập trung hoàn thành công việc, là bởi bạn đã quá quen thuộc với giai điệu và ngôn từ của bài hát đó. Đừng để năng suất làm việc của bạn bị tụt dần chỉ vì một bản nhạc mới kích thích tinh thần của bạn nhé.
5. Khi cần nghiên cứu những điều mới: Hãy tắt nhạc đi
Việc nghiên cứu hay học tập đòi hỏi bạn phải để ý và ghi nhớ rất nhiều thông tin. Vì vậy cách tốt nhất để bạn đảm bảo được mức độ tập trung và tiếp nhận thông tin mới, đó là đừng nên nghe nhạc, đặc biệt là nhạc có lời. Vừa phải phân tích nhiều dữ liệu mới, cùng lúc với đón nhận giai điệu của các bài nhạc sẽ khiến não bộ hoạt động thiếu tập trung hơn và dẫn đến dễ sai phạm và thiếu sót. Vì vậy, bạn nên thật sự cân nhắc trước khi mở nhạc trong quá trình nghiên cứu, học tập.
Nghe nhạc trong khi làm việc không chỉ giúp bạn tránh khỏi những âm thanh ồn ào bên ngoài, mà còn giúp cho tinh thần của bạn sảng khoái hơn, thư giãn hơn, từ đó năng suất làm việc tăng lên “vùn vụt”. Tuy nhiên, nếu như bạn không biết cách điều chỉnh và lựa chọn âm thanh phù hợp với hoàn cảnh và tính chất công việc, bạn sẽ gặp phải “phản ứng phụ” của việc nghe nhạc, khiến bạn mất tập trung hoàn toàn. Vì vậy, để làm việc hiệu quả hơn, bạn nên quyết định âm nhạc nào sẽ phù hợp cho ngày làm việc tất bật của bạn, điều chỉnh và hòa hợp với môi trường cho đến khi bạn thấy hoàn hảo nhất nhé!
— HR Insider —
Tìm kiếm ngay các cơ hội việc làm hấp dẫn ngay hôm nay tại vietnamworks.com
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.