Ứng biến khi Sếp đánh giá cao thời gian có mặt ở văn phòng hơn hiệu suất công việc
Xu hướng hiện nay của giới trẻ năng động là làm nhiều công việc cùng lúc. Vậy nên loại hình làm việc linh hoạt, làm việc tại nhà, làm việc từ xa… đang ngày càng phổ biến. Chỉ cần bạn thương lượng với Sếp về sắp xếp thời gian hợp lý và hoàn thành tốt công việc là được.
Tuy nhiên, dù bạn làm việc tại nhà cho hiệu quả công việc tốt hơn, thì Sếp vẫn đánh giá nhân viên làm việc ở văn phòng cao hơn. Bởi nhiều vị Sếp đã quen với truyền thống đi làm “đến sớm về khuya”. Họ đánh giá và đo lường hiệu suất làm việc của nhân viên bằng thời gian có mặt ở công ty, thay vì nhìn vào kết quả công việc.
Khuyến khích Sếp đánh giá dựa vào hiệu suất công việc thay vì thời gian chấm công. Những nhân viên có mặt nhiều ở công ty chưa chắc làm việc hiệu quả hơn những nhân viên làm việc tại nhà. Ngoài ra, làm việc chậm chạp sẽ giúp kéo dài thời gian ở văn phòng hơn.
Ứng biến khi không thể hòa nhập với đồng nghiệp
Tính chất môi trường làm việc có thể khiến thời gian đồng nghiệp gặp nhau không nhiều. Bạn sẽ ngày càng ít gặp gỡ, ít trò chuyện và ít kết nối với đồng nghiệp hơn. Cô đơn giữa công ty khiến bạn làm việc kém hiệu quả hơn, cũng như mong muốn nhảy việc cao hơn.
Nếu không có điều kiện gặp mặt trò chuyện trực tiếp, bạn có thể giao tiếp “ảo” với đồng nghiệp thông qua mạng xã hội. Những tin nhắn, những nhóm chat… giúp bạn trò chuyện vui vẻ và kết nối tốt hơn với đồng nghiệp. Khi hòa nhập được với tập thể, bạn sẽ cảm thấy tinh thần hứng khởi hơn và được hỗ trợ nhiều hơn trong công việc.
Ứng biến khi Sếp chưa quen quản lý nhân viên làm việc từ xa
Trường hợp Sếp chưa quen quản lý nhân viên làm việc từ xa, sẽ luôn thắc mắc bạn có làm việc chăm chỉ tại nhà không, hiệu quả công việc có giảm sút không…? Điều này không chỉ khiến Sếp bất an mà bạn cũng cảm thấy không thoải mái.
Thống nhất với Sếp về kênh liên lạc và thời gian check in – check out cụ thể. Cũng như tốc độ trả lời tin nhắn của bạn giới hạn không quá bao nhiêu phút…
Chẳng hạn, Sếp và bạn sẽ liên lạc công việc qua Zalo. Thời gian check in là 8 giờ sáng, check out là 5 giờ chiều. Trừ thời gian nghỉ trưa thì bạn phải trả lời tin nhắn công việc không quá 30 phút, trừ trường hợp bất đắc dĩ…
Bộ quy tắc quản lý này giúp Sếp an tâm về thời gian làm việc của nhân viên ở nhà. Đồng thời giúp bạn không còn cảm thấy khó chịu vì bị nghi hoặc.
Ứng biến khi cơ hội thăng tiến không đồng đều
Nhiều đồng nghiệp vào công ty làm việc cùng lúc với bạn, nhưng giờ đã được thăng tiến lên vị trí cao. Còn bạn vẫn mãi dậm chân tại chỗ dù năng lực không thua kém đồng nghiệp.
Thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn cho Sếp thấy. Muốn thăng tiến thì năng lực thôi chưa đủ, phải trang bị thêm nhiều kỹ năng cao hơn.
Bên cạnh đó, chủ động kết nối với Sếp để tránh tình trạng “xa mặt cách lòng”. Thường xuyên đề xuất ý tưởng mới, nhờ Sếp review kết quả công việc, hay chủ động xin Sếp nhận nhiều dự án lớn… Đây là những cách giúp bạn “ghi điểm” tốt hơn trong mắt Sếp.
Ứng biến khi phải thường xuyên làm việc ngoài giờ
Bạn có quyền “ngắt kết nối” không nhận cũng như không trả lời tin nhắn công việc sau giờ làm việc. Có như vậy mới giúp bạn có được tinh thần thoải mái và sức khỏe tốt để làm việc lâu dài.
Bạn cũng nên đề xuất Sếp đánh giá theo hiệu quả công việc thay vì số giờ làm việc. Nếu cảm thấy không được tôn trọng, thấy bị bóc lột thời gian làm việc, bạn có thể xin nghỉ việc để đảm bảo sức khỏe và tinh thần bản thân.
Trên đây là 5 cách ứng biến khi có “biến” giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Khả năng ứng biến tốt giúp bạn trụ vững trên hành trình phát triển sự nghiệp đầy biến cố. Chúc bạn đứng vững trước mọi sóng gió và ngày càng thành công nhé!
Xem thêm: Mới đi làm thể hiện cảm xúc trong công việc, làm sao không “ô dề”?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.