Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn nhận định: “ngày nay, đúng là ranh giới “ngành – nghề” dần mờ nhạt; xu hướng “học ngành này” – “làm nghề khác” ngày càng phổ biến”. Trên thực tế, hiện nay có đến khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp ra trường không làm đúng ngành học được giảng dạy tại giảng đường đại học. Vậy làm trái ngành được mất như thế nào?
1. Nguyên nhân do đâu?
Theo một thống kê của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau ra trường lên đến 26,2%. Để không bị rơi vào con số này, một số lượng lớn sinh viên vừa mới ra trường chọn ngay cho mình một công việc bất kỳ chỉ để không bị thất nghiệp.
Bên cạnh những ngành nghề phổ biến, cần nhiều nhân lực thì có những ngành đào tạo mà nhu cầu về nhân lực của xã hội chỉ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, mỗi năm các trường đào tạo các ngành này không ngừng cung cấp thêm nguồn nhân lực sau đại học mới. Tình trạng này khiến các sinh viên ra trường phải làm các công việc không liên quan đến ngành học của mình.
Trong bối cảnh hiện nay, nghề nghiệp ngày càng theo xu hướng đa, xuyên lĩnh vực, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường làm được nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Bên cạnh đó các lý do thuộc về năng lực ngành nghề, nguyện vọng làm trái ngành, không thành công ở lĩnh vực chuyên ngành,… của sinh viên cũng góp phần đẩy số lượng sinh viên làm trái ngành sau đại học lên đến khoảng 60%.
2. Làm trái ngành được những gì?
Gia tăng cơ hội việc làm chính là lợi ích quyết định khiến số lượng người làm trái ngành đạt đến con số to lớn như hiện tại. Công việc đem lại nguồn lợi ích về tài chính, nuôi sống người lao động cho đến khi họ tìm được công việc phù hợp với ngành học trước đây.
Giảm tỷ lệ cạnh tranh: Người làm trái ngành làm việc trong môi trường tiếp xúc với những người có chuyên môn khác, nhờ đó áp lực về sự cạnh tranh trong công việc cũng giảm bớt. Tương tự, làm trái ngành hạn chế sự cạnh tranh về cơ hội việc làm với những người có cùng chuyên môn.
Làm việc ở một ngành nghề khác giúp chúng ta được tiếp xúc với nhiều tri thức mới. Thúc đẩy tự học hỏi tìm tòi về lĩnh vực mới, qua đó nâng tầm hiểu biết của bản thân.
Đối với những người đã từng không thành công trên lĩnh vực chuyên môn của mình thì việc rẽ hướng sang một công việc khác là một bước đi đầy hứa hẹn. Làm việc đa ngành nghề giúp chúng ta tìm được lĩnh vực phù hợp với bản thân nhất, tiến gần đến thành công.
3/ Thách thức đặt ra là gì?
Bên cạnh những lợi ích thì làm việc không đúng sở trường ẩn chứa nhiều thử thách và rủi ro.
Hạn chế của việc làm trái ngành là thiếu kiến thức nền tảng. Người mới bắt đầu sẽ mang tâm lý chán nản khi phải tiếp xúc với quá nhiều điều mới mẻ, đòi hỏi sự học tập và trao dồi nghiêm túc. Cũng vì lý do thiếu kiến thức, hiệu quả công việc trong giai đoạn đầu cũng khó đạt được như mong đợi.
4/ Phóng lao – theo lao
Cần xác định rõ mục đích công việc bất kể làm đúng ngành hay làm trái ngành. Sự đầu tư đầy đủ về tinh thần và kiến thức, mang lại hiệu quả và kết quả cao nhất trong suốt quá trình làm việc. Ý chí chính là điều quan trọng nhất quyết định bạn có thể tiếp tục và thành công với công việc hay không.
Không ngừng trau dồi kiến thức ở lĩnh vực mới. Có đủ nền tảng hiểu biết sẽ giúp bạn tự tin hơn, cũng như gặp nhiều thuận lợi trong công việc. Ngay cả khi làm đúng ngành nghề thì việc trau dồi tri thức ở các lĩnh vực khác nhau không bao giờ là thừa nhé!
5. Sinh viên có nên làm trái ngành
Thực chất, làm đúng ngành nghề đã học là điều nên làm. Việc làm này giúp bạn phát huy những kiến thức được dạy và tận dụng tất cả các kỹ năng được tích lũy từ trước. Việc làm trong sở trường tạo cho bạn tư thế chủ động và tâm thế tự tin, hoàn thành dễ dàng công việc mà mình đảm nhận.
Chính vì thế, ngay từ lúc đị học, hãy tìm hiểu khả năng và kiểm tra sự phù hợp của bản thân với ngành học hiện tại. Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với nghề nghiệp tương lai, bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất cho công việc khi ra trường, thậm chí thay đổi ngành học khi thấy không phù hợp.
Làm đúng ngành nghề là điều nên làm, tuy nhiên đừng quá lệ thuộc vào điều này vì không có gì là tuyệt đối. Hãy linh hoạt trong sự lựa chọn công việc cho bản thân. Thành công không phụ thuộc vào công việc bạn làm mà nó nằm ở niềm đam mê, sự kiên trì và nỗ lực của chính bạn.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.