Có một độc giả gửi câu hỏi cho chúng tôi như sau: Chào admin, dạo này em đang hoang mang lắm. Em vừa học xong năm nhất ngành công nghệ sinh học mà thấy bế tắc quá, cảm giác như ngành đó không phù hợp với mình. Em dự tính chuyển sang ngành tâm lý học nhưng vì nước mình không mạnh về mặt này nên em đang lên kế hoạch đi du học. Em không biết rằng mình có thực sự hợp với tâm lý hay không, em sợ bỏ ngành em đang học rồi đầu tư rất nhiều để đi du học mà lại bỏ dở giữa chừng. Theo admin thấy ngành tâm lý yêu cầu và cơ hội như thế nào ạ, em đã có tham khảo một số trang hướng nghiệp trên mạng nhưng thấy vẫn còn mơ hồ lắm, hy vọng admin giúp em. Em cám ơn nhiều ạ. (MistQueen)
Câu hỏi này vừa có điểm riêng và vừa có điểm chung. Điểm riêng đó là câu hỏi về ngành tâm lý học, còn điểm chung đó là băn khoăn của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên và người trẻ mới đi làm rằng làm thế nào để chọn được nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Dưới đây là câu trả lời của chúng tôi: Thực ra việc “cảm thấy ngành học không phù hợp với mình” sau một khoảng thời gian học tập nhất định là vấn đề chung của tương đối nhiều các bạn sinh viên hiện nay.
Vấn đề này có thể bao gồm ba nguyên nhân chính:
Giữa vô vàn lựa chọn – Ta chọn sai
Những năm tháng đại học là quãng thời gian mà chúng ta được tự do lựa chọn con đường mình sẽ gắn bó và xây dựng nền tảng cơ bản để bắt đầu sự nghiệp tương lai của mình. Tuy nhiên, đứng trước quá nhiều lựa chọn đôi khi lại khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc xác định phương hướng mình muốn đi, mà một vấn đề thường gặp đó là nhiều bạn sinh viên chọn ngành nghề chưa phù hợp với tiềm năng của bản thân. Có nhiều bạn sinh viên khi chọn trường, chọn ngành sẽ nghe theo ý kiến của cha mẹ, gia đình, hoặc chọn trường danh tiếng, ngành học hot dễ kiếm việc làm, ngành học ra trường lương cao… Bên cạnh đó việc lựa chọn ngành nghề như vậy chưa thực sự hữu ích bởi nó không bắt nguồn từ mục tiêu, sở trường và năng lực cá nhân của mỗi bạn sinh viên, vậy nên trong quá trình học tập dễ gây cảm giác chán nản vì thiếu động lực, hoặc học mãi không vào vì không phải môn học sở trường của mình.
Để chọn được đúng trường, đúng ngành thì điều quan trọng và cần thiết là phải hiểu rõ về bản thân để tự mình tìm ra con đường phù hợp. Thiếu đi sự thấu hiểu chính mình thì việc lựa chọn theo đuổi một ngành khác (ở đây là tâm lý học như trường hợp của bạn) chưa chắc đã là quyết định đúng đắn. Như vậy để giúp nhận định rõ hơn về bản thân, các bạn có thể sử dụng các bộ câu hỏi trắc nghiệm phân loại tính cách, nghề nghiệp như (MBTI của Carl Jung), Đa Trí Thông Minh để xác định, hoặc thực hiện các dịch vụ như Sinh Trắc Vân Tay nhằm hiểu sâu hơn về tiềm năng bẩm sinh của mình để lựa chọn ngành nghề và công việc tương ứng.
Thiếu kiên trì dẫn đến dang dở
Bên cạnh việc lựa chọn ngành nghề chưa đúng với năng lực, có nhiều bạn trẻ dù đã tìm được một ngành học phù hợp với thế mạnh của mình nhưng lại bỏ dở giữa chừng, không hoàn thành được việc học do thiếu sự kiên nhẫn, mất hứng thú, hoặc cảm thấy bị cuốn hút với những điều mới mẻ từ các ngành học khác nên muốn đổi ngành. Trong quá trình học tập, nghiên cứu ở bậc đại học, chúng ta cần tiếp thu một lượng kiến thức khổng lồ về những vấn đề cơ bản của ngành mình học. Tiến trình học sẽ bao gồm những môn học đại cương, cả những môn học chuyên ngành khó nhằn, và không có gì đảm bảo rằng một người sẽ thích học tất cả các môn đó. Vậy nên khi một người sử dụng cảm tính để xác định mình thích hay không thích, phù hợp hay không phù hợp với ngành, có thể người đó sẽ chưa thực sự sáng suốt để đưa ra quyết định hữu ích cho bản thân, bởi sự không thích hay chán đó bắt nguồn từ phía bạn đó, chứ không có nghĩa là ngành đó chán. Đó là lí do vì sao có nhiều bạn giống như người bạn này chia sẻ rằng: “Em không biết mình có thực sự thích hợp với tâm lý hay không, em sợ bỏ ngành em đang học rồi đầu tư rất nhiều để đi du học mà lại bỏ dở giữa chừng.”
Sau khi hiểu về bản thân qua các bài test chia sẻ ở trên, mỗi người sẽ nắm rõ hơn về ngành nghề phù hợp với mình. Tuy nhiên, cho dù có phù hợp học bất kỳ ngành nghề nào, bất kỳ ai cũng khó có thể thành công nếu thiếu đi sự nỗ lực, cố gắng và kiên trì để trở nên thật xuất sắc trong ngành đó. Vậy nên việc rèn luyện cho mình tính kiên trì thật sự rất quan trọng, chứ không chỉ đơn thuần việc tìm ngành học phù hợp hay không.
Hãy đưa sở thích gần với nhu cầu
Có nhiều người lựa chọn tìm ngành nghề mình thích hoặc tìm ngành học mà xã hội cần. Tuy nhiên, đây có thể là con đường phá hỏng sự nghiệp nếu không cẩn thận. Thứ nhất, nếu một người theo đuổi thứ họ thích nhưng họ không có khả năng thì rất nguy hiểm. Chẳng hạn một người thích nấu ăn không có nghĩa người đó sẽ trở thành đầu bếp giỏi. Một người thích hát không có nghĩa là họ sẽ trở thành ca sĩ hát hay. Cho nên, giữa sở thích và khả năng là hai thứ khác nhau. Không phải tất cả mọi thứ chúng ta thích, chúng ta đều có thể có khả năng. Có rất nhiều người họ có sở thích một điều gì đó, một ngành nghề gì đó nhưng hoàn cảnh môi trường, sự giáo dục, sự rèn luyện, tố chất thiên bẩm không giúp họ có được khả năng thuận lợi.
Thứ hai, theo đuổi một thứ được coi là hot, là mốt ở một thời điểm không có nghĩa là trong tương lai nó còn hot nữa. Xã hội luôn thay đổi hết sức nhanh chóng, đặc biệt là trong thời đại cách mạng 4.0. Có rất nhiều ngành nghề trong quá khứ là hot, nhưng trong hiện nay đã không còn tồn tại. Đó là xu hướng tất yếu của cuộc sống. Chẳng hạn như cách đây khoảng hơn 10 năm, chúng ta đều biết đến những chiếc điện thoại nhiều nút. Một chiếc điện thoại nhiều nút là xu hướng của xã hội khi mà tất cả mọi người dùng đều quan tâm đến nó. Thế nhưng, ngày nay đã khác. Bây giờ có lẽ phần lớn mọi người đều sử dụng một chiếc điện thoại thông minh với một nút home duy nhất.
Đó là một ví dụ đơn giản nhưng kinh điển để chứng tỏ rằng một thứ hot trong hiện tại không có nghĩa là sẽ bền vững trong tương lai. Vậy đâu là hướng đi tốt? Đó là tập trung rèn luyện thứ mình giỏi – tức một điều mà người đó có khả năng trong thiên bẩm lẫn cả trong hiện tại. Chỉ khi làm thứ mình giỏi, người đó mới có thể tạo ra được kết quả và giá trị cao nhất, từ đó mới có thể được xã hội trả công tốt nhất. Và đồng thời, khi làm thứ mình giỏi, người đó dần dần sẽ cảm thấy yêu thích điều đó. Một nghiên cứu khoa học của đại học Yale chỉ ra rằng, những người hạnh phúc nhất trong công việc là người có gắn bó đủ lâu để trở nên xuất sắc trong những gì họ làm. Điều đó cũng dễ hiểu, khi họ cố gắng làm thứ họ giỏi, họ nhận được sự trả thưởng cao hơn, nhận được sự tôn trọng cao hơn từ đồng nghiệp, khách hàng,… từ đó mà sự yêu thích với công việc cũng hình thành.
— HR Insider / Theo tamly.blog —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.