Tâm trạng chán công việc có thể khiến chúng ta trì trệ deadline và giảm sút chất lượng công việc. Tệ hơn nữa, nó khiến chúng ta không còn tính nhiệt huyết và phấn đấu như trước. Để chấm dứt tình trạng này, bạn hãy tìm kiếm nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho chính mình.
1. Tại sao bạn chán công việc hiện tại?
Áp lực công việc
Công việc có quá nhiều áp lực khiến cho chúng ta dè chừng và mệt mỏi khi phải tiếp xúc với nó mỗi ngày. Bạn không còn thời gian dành cho riêng mình để nghỉ ngơi, thư giãn mà thay vào đó là giải quyết những phát sinh sau giờ làm, kể cả ngày nghỉ.
Nếu mức lương phù hợp với số lượng công việc, bạn có thể chịu đựng, nhưng nếu mức lương không phù hợp, bạn sẽ càng thêm chán công việc hiện tại của mình. Những ngày đi làm sẽ trông như những hình phạt bạn phải gánh chịu.
Công việc tẻ nhạt
Công việc quá áp lực sẽ gây chán nản, nhưng không có nghĩa công việc tẻ nhạt, không có tính thử thách làm cho bạn thích thú hơn. Thực tế, có rất nhiều người chán công việc là do chúng cứ lặp đi lặp lại, không tạo cho bạn những cơ hội hay thử thách để chứng minh năng lực của mình. Công việc tẻ nhạt cũng tạo cho bạn một thói quen xấu là không muốn cố gắng, cứ nhàn hạ đến khi hết giờ cũng xong việc.
Xảy ra vấn đề với sếp hoặc đồng nghiệp
Các mối quan hệ công sở cũng là tác nhân gây ra trạng thái chán công việc, thậm chí gây ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư. Thông thường, là do trái quan điểm hoặc khác tính cách với sếp; cãi nhau với đồng nghiệp; sếp không công bằng; đồng nghiệp chỉ biết nhờ vả…
2. Một số cách để lấy lại niềm “đam mê” đã mất
Học cách cân bằng công việc và cuộc sống
Cách đơn giản nhất chính là bạn phải cân bằng thời gian dành cho bản thân mình và công việc. Đừng để sự chán công việc chiếm hết thời gian, bạn hãy học cách chăm sóc mình như tập thể dục, nấu ăn, xem phim, đi du lịch, vui chơi cùng gia đình… Từ đó, công việc của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn, tinh thần cũng sảng khoái và bạn sẽ vui vẻ tiếp nhận những vấn đề xảy đến xung quanh mình. Nếu được, bạn có thể xin nghỉ 3 – 4 ngày, để thư giãn và sau đó tiếp tục quay trở lại với công việc.
Nghĩ về những điều tích cực công việc hiện tại mang đến cho bạn
Nếu bạn thực sự đã quá mệt mỏi, muốn buông bỏ công việc hiện tại, bạn hãy bình tâm nghĩ về lý do bạn bắt đầu và những lợi ích nó mang đến cho bạn. Hãy xem bạn bắt đầu công việc này với lý do là gì, tâm huyết ra sao, bạn có muốn một lần nữa thổi bùng niềm đam mê ấy không. Hoặc công việc này đã nuôi sống bạn và gia đình, đang có cơ hội thăng tiến, bạn được làm quen với những người giỏi hoặc bạn khó tìm được nơi nào phù hợp hơn… Khi có câu trả lời, bạn hãy quyết định là ra đi hay một lần nữa tìm lại niềm yêu thích.
Học cách chia sẻ với những người xung quanh
Đôi khi, bạn chịu ảnh hưởng từ những ý nghĩ tiêu cực do chính mình tạo ra. Về lâu dài, điều này mang lại cho bạn một áp lực rất lớn và cách bạn nhìn nhận mọi thứ sẽ trở nên khắt khe, khó chịu hơn hẳn. Vì thế, hãy cố gắng chia sẻ với những đồng nghiệp có tính chất công việc tương đồng, để có sự thấy hiểu. Hoặc bạn có thể tìm đến sếp, để giãy bày những thắc mắc trong lòng và lắng nghe lời khuyên từ sếp. Một buổi găp gỡ trò chuyện như thế, sẽ cho bạn biết được bạn đang gặp phải những gì, liệu bạn có đang đi đúng hướng với mục tiêu nghề nghiệp… Thậm chí, nếu bạn chán công việc vì những đãi ngộ, phúc lợi của công ty, bạn cũng có thể chia sẻ điều này với sếp. Vì sếp sẽ giúp bạn đưa ý kiến lên cấp lãnh đạo và tạo cho bạn những cơ hội khác để giúp bạn vượt qua khó khăn.
Có thể bạn đang trong giai đoạn chán công việc và muốn từ bỏ để tìm công việc mới? Tuy nhiên, hãy sáng suốt khi đưa ra mọi quyết định, hãy chú trọng vào suy nghĩ của bản thân và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.
>>> Xem thêm: Không hạnh phúc với công việc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.