Có rất nhiều lí do khiến bạn không tài nào “bình thường” được ở chốn công sở. Trong công việc hay các mối quan hệ văn phòng, đôi lúc cảm xúc khó tránh khỏi lên xuống như đồ thị hình Sin. Bỗng dưng sếp nổi giận vì kế hoạch bạn lập ra, đồng nghiệp dèm pha ý tưởng của bạn, hay chỉ đơn giản là hôm nay bạn hơi… khó ở nhưng muôn vàn việc ngập đầu khiến bạn khó chịu.
Chúng ta không thể kìm nén mọi cảm xúc của mình và dồn nén quá lâu. Điều này dễ khiến bạn “tẩu hỏa nhập ma” lúc nào đó không xa. Do đó, hãy thử tu luyện vài chiêu thức dưới đây, biết đâu bạn có thể tự tin ứng xử trong mọi tình huống mà không sợ tăng xông đột ngột, hay quá lố thất thường.
1. Tập trung vào hiện tại
Khi bạn phải đối mặt với những nỗi lo đột ngột, hãy cố gắng bình tĩnh và tự nhủ với bản thân rằng, hiện tại mới là nhiệm vụ lớn bạn cần phải giải quyết. Những cảm xúc nhất thời rồi sẽ đi qua, nhưng hậu quả của chúng thì lại không hề đơn giản. Sếp trách phạt ư? Đồng nghiệp xung đột với bạn? Hay khách hàng tự dưng cau có? Chẳng sao cả. Bạn vẫn có thể giải quyết từ A đến Z nếu như bạn đủ bình tĩnh nhìn nhận vấn đề. Đừng quá lo nghĩ về hậu quả tồi tệ khiến cảm xúc của bạn dao động. Chúng đã xảy ra đâu! Trước mặt, điều bạn cần làm là hít thở sâu, thả lỏng tinh thần và mỉm cười đối chọi với “drama” thôi.
2. Tìm cách giải tỏa mọi cảm xúc
Người ta hay nói vui thôi, đừng vui quá. Nếu lỡ cảm xúc không thể kiểm soát được, hãy tìm một hướng giải tỏa bằng cách đi dạo quanh tòa nhà, uống một tách cà phê, hay trao đổi với một người bạn đồng nghiệp thân thiết để bộc lộ “con người thật” của bạn chẳng hạn. Bạn cũng có thể tìm cách giải quyết từ từ thông qua các khóa thiền định, trị liệu, yoga hoặc bất kỳ hoạt động ngoài giờ làm nào có thể giúp bạn nhanh chóng cân bằng lại cảm xúc tức thì. Nếu mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát, hãy cứ xin nghỉ phép đi đừng ngại ngùng! Một vài ngày nghỉ để lấy lại năng lượng tích cực cho cơ thể sẽ giúp bạn điều chỉnh bản thân cực hiệu quả.
3. Suy nghĩ tích cực về mọi việc
Mỗi khi thất bại hay tuyệt vọng, bạn thường có xu hướng đắm chìm trong đó và cảm thấy bản thân thật kém cỏi. Thế nhưng, hãy luôn nhớ một điều rằng: mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Hãy cứ mỉm cười và thay thế những suy nghĩ tiêu cực nảy sinh trong đầu bạn, bằng những gì tốt đẹp và tích cực hơn. Đó có thể là những kỉ niệm tốt đẹp bạn từng có khi làm việc ở công ty, khoảnh khắc bạn cảm thấy cực kì sung sướng vì đã hoàn thành một dự án nào đó. Đừng vội dằn vặt bản thân mình vì những điều bạn đã làm, những suy nghĩ tồi tệ rồi sẽ kéo cảm xúc của bạn tụt xuống ở dưới vạch đáy.
4. Lấy ganh đua làm động lực phấn đấu
Sự ganh đua chính là một loại cảm xúc thúc đẩy bạn hành động. Bạn cảm thấy ghen tị vì đồng nghiệp nổi trội hơn mình. Dù không có ý gì xấu xa nhưng bạn lại không cách nào kiểm soát cảm xúc ấy bộc phát ra bên ngoài. Không sao cả. Bạn cũng không phải là một “thánh nữ” để có thể mỉm cười trước tất cả. Sự ganh đua sẽ mang ý nghĩa tích cực nếu bạn biết lấy đó làm động lực để tập trung nỗ lực vì công việc nhiều hơn. Bạn ganh đua để tạo đòn bẩy đưa mình đi xa hơn, thay vì lấy đó là mục tiêu để “trả thù” hơn hơn thua với một ai đó.
5. Học cách tha thứ nếu mọi chuyện đã được giải quyết
Đừng quên rằng bạn đang làm việc trong một môi trường ngập tràn đam mê và nhiệt huyết. Không chỉ bạn mà tất cả những đồng nghiệp khác đều có một mục tiêu để phấn đấu cho mình. Hãy nắm rõ mọi vấn đề và học cách tha thứ khi sự việc đã được giải quyết ổn thỏa. Nếu bạn tiếp tục ôm mãi một “mối hận xưa”, bạn sẽ chẳng nào cảm thấy nhẹ lòng khi làm việc chung với người đồng nghiệp nọ, hoặc được xếp vào dưới trướng của một lãnh đạo bạn không vừa ý. Đặt suy nghĩ của tập thể lên đầu tiên trước khi nghĩ đến những việc cá nhân, bạn sẽ thấy cảm xúc của mình rồi sẽ dần trở nên bình ổn và trưởng thành hơn nhiều lần.
— HR Insider —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.