Dịch Covid-19 đã tạo nên một hồi chuông cảnh báo rúng động về tình trạng tồi tệ của việc suy giảm sức khỏe tinh thần, tổ chức phi lợi nhuận Mind Share Partners, Qualtrics, SAP đã thực hiện cuộc nghiên cứu về tinh thần của nhiều nhân viên trên toàn cầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy gần 42% nhân viên trên toàn cầu bị suy giảm sức khỏe tinh thần trong mùa dịch. Điều đó cho thấy tính cấp thiết cùng vai trò của lãnh đạo trong việc cân đối công việc và sức khỏe tinh thần của nhân viên, một số biện pháp cụ thể có thể được cân nhắc.
Tạo nên một môi trường làm việc thân thiện
Thực trạng hiện nay vẫn còn nhiều nhà lãnh đạo đánh giá tính hấp dẫn của nghề nghiệp thông qua mức thu nhập mà thường bỏ qua sự cân đối trong sức khỏe và đời sống của nhân viên. Sự cân bằng và tính hòa hợp với môi trường được cho là một trong những động lực tốt nhất cho quá trình phấn đấu làm việc, cam kết gắn bó lâu dài của nhân viên.
Những thế hệ nhân viên sau này dần chú tâm hơn đến vấn đề phát triển bản thân, môi trường làm việc. Khi mà vấn đề thu nhập không còn là mối quan tâm duy nhất thì việc nhà lãnh đạo cải thiện môi trường làm việc, văn hóa công ty cũng như định hình cơ cấu phát triển không chỉ mang đến hiệu quả tinh thần cho nhân viên mà còn tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Tạo nên tính kết nối và chia sẻ về sức khỏe tinh thần
Môi trường tốt luôn được lãnh đạo bởi những cấp trên có tâm và có tầm, những con người luôn sẵn sàng chia sẻ cũng như tạo nên tính kết nối trong tập thể. Vai trò của người lãnh đạo chính là điểm giao tạo nên sự kết nối giữa các cá thể trong tổ chức.
Việc mở lòng chia sẻ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần sẽ giúp nhân viên tách khỏi những mệt mỏi, lo lắng từ vấn đề tinh thần, toàn tâm hơn trong quá trình làm việc, tránh khỏi những sai sót. Đặc biệt trải qua những biến động từ ảnh hưởng của đại dịch, đời sống cũng như xu hướng làm việc của nhiều nhân viên ít nhiều chịu những thay đổi, điều đó thích nghi với tình hình thị trường nhưng sẽ gây ra những nguy cơ ngầm về sự tổn hại sức khỏe tinh thần. Nhà lãnh đạo mang đến tiếng nói, trấn an cho những rủi ro nhân viên phải đối diện trong việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Không gian nghỉ ngơi nơi văn phòng
Quá trình làm việc muốn hiệu quả nhất luôn phải kết hợp với những chế độ nghỉ ngơi tốt. Người lao động nếu có đủ sự nghỉ ngơi, nạp đủ năng lượng sẽ tối ưu hóa quá trình làm việc, tạo nên thành quả công việc, tránh đi rủi ro đình trệ, uể oải do những trạng thái làm việc thiếu cân bằng của nhân viên.
Bên cạnh đó, không gian xanh cũng rất có ích cho quá trình hồi phục năng lượng, tinh thần ở nhân viên sau những giờ làm việc mệt mỏi, làm giảm huyết áp, tạo cảm giác hạnh phúc. Nghiên cứu “The Impact of Green Buildings on Cognitive Function” từ Havard chỉ ra rằng điểm hiệu suất nhận thức của nhân viên ở những tòa nhà “xanh” có mức tăng đến 101% so với ở những người làm việc trong môi trường tòa nhà kín.
Khuyến khích các hoạt động tăng cường sức khỏe
Mối liên hệ giữa thể chất và tinh thần luôn chỉ ra rằng bạn chỉ có thể có đời sống tinh thần tốt khi thực sự chăm sóc tốt cho thể chất bản thân, rèn luyện sức khỏe thường xuyên.
Những hoạt động chạy bộ, hay hội thao luôn được khuyến khích để không chỉ tạo nên môi trường lành mạnh cho việc tăng cường thể chất mà còn góp phần tạo nên sự gắn bó giữa các đồng nghiệp, nhân viên cùng cấp trên. Sự gắn kết tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, tương hỗ, mang đến động lực và hiệu quả đáng kể cho kết quả công việc.
Đầu tư vào đào tạo sức khỏe tinh thần
Đây chính là điều ít được chú trọng nhất trong văn hóa làm việc ở nhiều công ty hiện nay. Các công ty sẵn sàng cho việc nâng cao chuyên môn, đào tạo phát triển cho nhân viên nhưng thường hiếm khi thực sự chắc chắn trong việc đào tạo về văn hóa làm việc lành mạnh cho nhân viên.
Việc đào tạo sẽ tạo nên một tấm chắn ngăn ngừa một cách chủ động các ảnh hưởng từ suy giảm sức khỏe tinh thần. Minh họa cụ thể như các công ty Morrison & Foerster và Verizon Media những người đã triệu tập cuộc họp lãnh đạo cấp cao để đưa ra những giải pháp cho mối nguy hại này. Kết quả có thể được minh chứng qua quá trình vận hành ổn định của tổ chức trong những giai đoạn nền kinh tế thế giới biến động mạnh. Bên cạnh đó, các nhân viên cũng có thể cùng nâng cao kiến thức, tăng cường sự hỗ trợ trong công việc, làm việc nhóm.
Khảo sát nhân viên để nắm bắt tình hình
Tất cả những chính sách, quy trình cải thiện của bạn sẽ là vô nghĩa nếu điều đó không phù hợp với tình hình tổ chức cũng như nhu cầu của nhân viên. Trước tiên, nhà lãnh đạo cần hiểu rõ mục đích công việc, định hướng và mong muốn của cấp dưới mới có thể đưa ra những bước cải thiện hiệu quả đời sống tinh thần.
Làm gương trong chăm sóc sức khỏe tinh thần
Nếu muốn tạo nên tác động đủ lớn đến nhân viên, nhà lãnh đạo phải là người đi đầu, làm gương về lối sống lành mạnh, cân đối giữa công việc và đời sống. Bạn có thể lan tỏa điều đó qua việc tổ chức những chiến dịch, những cuộc thi hay những buổi chia sẻ, tác động đến ý thức chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhân viên.
Ngoài ra, ở một số doanh nghiệp có đủ điều kiện, việc cung cấp những quyền lợi đặc biệt về sức khỏe có thể tạo nên sức hút cũng như sự an tâm cho người lao động.
>> Xem thêm: Lãnh đạo truyền cảm hứng – hành trình tôi luyện không dễ dàng
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.