1. Tin đồn – chuyện thường ngày tại văn phòng
Ngồi lê đôi mách là thói quen của nhiều nhân viên văn phòng ngày nay. Việc đồn thổi những tin đồn, tâm sự những bí mật nhân sự từ lâu đã trở thành thú vui của giới văn phòng. Chủ đề của những tin đồn này là muôn hình vạn trạng. Họ nói về công ty, về đồng nghiệp, về cấp trên. Họ thêm mắm dặm muối khiến câu chuyện trở nên “đầy kịch tính”.
Tuy nhiên, không phải bất cứ chủ đề nào cũng gây hại. Một số câu chuyện của nhân viên chỉ xoay quanh những chủ đề liên quan đến công việc. Vấn đề chính ở đây là nhà quản lý phải làm sao để nhận biết đâu là những chủ đề nằm ngoài tầm kiểm soát.
2. Những tin đồn vượt quá giới hạn cho phép
Những tình huống sau được xem là hậu quả của những tin đồn quá đà trong công sở:
- Phá vỡ môi trường công sở và hiệu quả công việc
- Gây ảnh hưởng đến tâm trạng của đồng nghiệp
- Phá hoại những mối quan hệ cá nhân
- Tác động tiêu cực đến động lực và tinh thần làm việc của nhân viên khác
3. Nhà quản lý cần phải làm gì?
Với vai trò quản lý, nếu bạn nhận thấy mình đang phải nghe quá nhiều tin đồn, trước hết nên kiểm tra lại môi trường công ty của mình để hiểu rõ về những chủ đề thường xuyên xuất hiện trong những câu chuyện bàn tán. Lý do của những cuộc bàn tán này đôi khi lại xuất phát từ chính cách quản lý của bạn. Có thể là do bạn không chia sẻ đầy đủ thông tin với nhân viên của mình. Cũng có thể là do nhân viên chưa tin tưởng bạn và sợ phải hỏi về những vấn đề quan trọng.
Những tin đồn không được kiểm soát kịp thời sẽ có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai, thậm chí có thể trở thành một khía cạnh xấu xí của “văn hóa” công sở của công ty bạn. Vì thế, đừng để vấn đề đi quá xa mà hãy hành động đúng lúc để giải quyết những câu chuyện bàn tán thiếu cơ sở.
Bạn có thể giải quyết vấn đề này tương tự như những gì bạn làm đối với những hành vi tiêu cực khác nơi công sở. Hãy sử dụng kỷ luật khi cần thiết để giúp nhân viên của bạn cư xử đúng mực hơn. Việc quản lý tin đồn có thể bắt đầu bằng một cuộc nói chuyện nghiêm túc và thẳng thắn giữa người quản lý và nhân viên. Nếu tình hình không biến chuyển, hãy phê bình bằng lời nói. Trong trường hợp xấu hơn, hãy phê thẳng vào hồ sơ nhân sự của người đó như một hình thức cảnh cáo.
Nếu biết cách xử lý những trường hợp này một cách quyết đoán, nhà lãnh đạo sẽ tạo ra một môi trường và văn hóa làm việc tích cực, không có chỗ cho những tin đồn vô căn cứ.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.