Xác định điều gì đang cản trở bạn
Khi bạn nỗ lực hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, nhưng bỗng chốc cạn kiệt nhiệt huyết và tinh thần thực hiện nó? Hãy dừng lại đôi chút và tập trung suy nghĩ về lí do cản trở bạn tập trung. Bằng việc xác định các nguyên nhân, bạn có thể đoán được điều gì đang “bẫy” suy nghĩ của mình và loại bỏ chúng ngay khi bắt đầu hình thành trong đầu.
Chạy nước rút đảm bảo tiến độ
Chia nhỏ công việc và tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành từng cái một trong thời gian ngắn nhất có thể là một cách giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Việc chỉ nhìn vào từng việc nhỏ thay vì để bản thân choáng ngợp trước núi công việc lớn sẽ giúp bạn cảm thấy “dễ thở” và nhẹ nhàng hơn. Khi đặt ra những mục tiêu cụ thể và chính xác, bạn sẽ có nhiều động lực để thực hiện hơn là hoang mang không biết nên bắt đầu từ đâu.
Đặt ra cuộc đua với chính mình
Đã bao lần bạn tự nhủ với chính mình rằng: “Tôi quyết định sẽ dành cả ngày hôm nay để làm việc này cho xong.” nhưng lại sớm sao lãng và bị cuốn đi bởi những thứ khác? Bạn có biết? Não bộ của chúng ta chỉ hoàn toàn tập trung cao độ vào một việc nào đó trong khoảng từ 20 đến 40 phút. Vì vậy, hãy cố gắng thể hiện sự hiệu quả trong cách làm việc của mình vào khoảng thời gian này.
Đặt mốc thời gian khoảng 25 phút đồng hồ, tránh xa hoàn toàn smartphone của bạn hay bất kì thiết bị điện tử nào có nguy cơ gây sao lãng, nếu bạn thật sự không cần thiết dùng đến chúng. Bắt đầu lao vào công việc và “cày” không ngừng nghỉ. Hãy tự vạch ra sự cạnh tranh với chính mình, phá bỏ mọi giới hạn để hoàn thành việc nhiều nhất có thể.
Sau 25 phút làm việc cật lực, hãy thưởng cho bản thân thời gian giải lao ngắn. Duỗi cơ thể, vận động nhẹ nhàng tại chỗ hoặc tản bộ vài vòng để đầu óc tỉnh táo hơn. Việc hít thở không khí bên ngoài trong khoảng 5 đến 10 phút cũng là cách để bạn thư giãn nhẹ nhàng trước khi “chiến” tiếp phần công việc còn lại.
Lên check-list công việc cần hoàn thành
Soạn thảo ngay danh sách những công việc cần thiết và ưu tiên đưa những việc quan trọng lên đầu. Khi bạn hoàn thành nhiệm vụ xong, đừng quên đánh dấu tick để theo dõi tiến độ làm việc của mình. Việc xây dựng một danh sách check-list như thế sẽ giúp bạn kiểm soát khối lượng công việc của mình tốt hơn. Không chỉ thế, khi đánh dấu hoàn thành một công việc nào đó, bạn sẽ cảm thấy có thêm nhiều động lực để thực hiện nhiều việc tiếp theo nữa.
Thiết lập cơ chế thưởng cho bản thân
Những người hay trì hoãn là những người mong muốn được thỏa mãn nhu cầu của mình trước khi phải thực một công việc nào đó. Áp dụng tâm lí này, hãy cho bản thân một cơ chế thưởng nhất định. Ví dụ, nếu bạn hoàn thành việc trong thời hạn đã đặt ra, bạn sẽ “được” thêm 15 phút lướt các trang web chuyên “tám” chuyện về các ngôi sao, hoặc dạo một vòng mạng xã hội như Facebook hoặc Instagram chẳng hạn.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.