HR Insider đề xuất một phương pháp phê bình đang được áp dụng rộng rãi bởi những nhà quản lý hàng đầu trên toàn thế giới. Đó là phương pháp “The Criticism Sandwich” – “Phê bình theo mô hình bánh kẹp” dùng để phê bình, nhắc nhở nhân viên một cách hợp lý.
Khi bạn đang có ý định phê bình ai đó, đừng bao giờ khiển trách họ trước mặt toàn thể công ty mà nên hẹn gặp họ để nói chuyện riêng. Và nếu bạn đã sẵn sàng, hãy cùng HR Insider khám phá cách thức để phê bình nhân viên mà vẫn khiến họ tâm phục khẩu phục dưới đây.
Layer 1: Start with praise – Bắt đầu với những lời khen
Bạn có thể bắt đầu buổi nói chuyện bằng những lời nói tích cực chung chung về tính cách, con người hay cách thức làm việc của nhân viên. Điều này giúp họ dễ tiếp thu những lời phê bình sắp tới hơn là ngay lập tức chê bai hoặc khiển trách họ.
Cách nói minh họa: Em là một người rất nhanh nhẹn và nhiệt tình trong công việc.
Layer 2: Add some minor changes – Thêm chi tiết nhỏ
Bạn bắt đầu đi sâu hơn về những lỗi sai nhỏ mà nhân viên hay mắc phải. Đừng vội phê bình ngay sau khi khen họ, điều này có thể gây phản tác dụng. Bạn có thể bắt đầu kể đến những thói quen xấu mà họ đang mắc phải trong quá trình làm việc.
Cách nói minh họa: Chị thấy em chưa chú ý đến chi tiết nên đôi lúc gặp nhầm lẫn trong lúc làm việc.
Layer 3: Give evidence – Cụ thể trường hợp
Khi muốn phê bình ai đó, bạn phải đưa ra cụ thể lý do hay trường hợp mà họ mắc sai lầm. Việc chê bai chung chung chỉ khiến nhân viên cảm thấy bạn nói chuyện một cách chủ quan và không hợp lý. Bạn phải đưa ra bằng chứng cụ thể mới có thể khiến nhân viên đồng ý và tâm phục khẩu phục với bạn.
Cách nói minh họa: Chị nhớ em làm sai hợp đồng của khách hàng vì không kiểm tra cẩn thận trước khi gửi vào ngày thứ 3 tuần trước.
Layer 4: Criticism – Phê bình
Đây là lúc bạn bắt đầu những lời phê bình của mình. Khi đã có trường hợp cụ thể, bạn có thể thuyết phục nhân viên tin tưởng nhận xét của mình là đúng và cố khắc phục để hoàn thiện bản thân.
Cách nói minh họa: Vì không cẩn thận trong quá trình làm việc nên em đã mắc sai sót và phải làm lại từ đầu.
Layer 5: Reason – Lý do
Bạn cần đưa ra lý do vì sao để nhân viên hiểu và khắc phục những sai lầm tương tự. Đừng quên là mục đích bạn muốn phê bình nhân viên là vì muốn họ hoàn thành công việc tốt hơn chứ không phải là chỉ trích họ. Hãy luôn đưa ra lý do hợp lý để họ hiểu là bạn đang phê bình để giúp họ tiến bộ hơn.
Cách nói minh họa: Việc này không chỉ làm chậm tiến độ công việc mà còn ảnh hưởng đến thời gian của em. Chị nhớ em phải ở lại công ty đến 8h tối để làm lại hợp đồng.
Layer 6: Recommendations – Gợi ý giải pháp
Người quản lý giỏi sẽ đưa ra những giải pháp hay cách thức để nhân viên tránh mắc phải những lỗi sai tương tự. Đừng chỉ đưa ra lời chỉ trích rồi để mặc nhân viên tự giải quyết.
Cách nói minh họa: Một mình làm dễ bị mắc sai sót nên em có thể gửi team cùng review lại hợp đồng giúp em.
Layer 7: Finish with praise – Kết thúc bằng lời khen
Một chiếc bánh kẹp sẽ có phần đầu và đuôi đều là bánh mì giống nhau thì tương tự, “chiếc bánh mì phê bình” này bắt đầu bằng lời khen và kết thúc cũng bằng lời khen. Bạn có thể vừa khen mà vừa nhắc nhở họ một cách nhẹ nhàng để tránh mắc phải những lỗi sai tương tự.
Cách nói minh họa: Em sẽ hoàn thành công việc tốt hơn nữa nếu tránh mắc phải những lỗi sai do không cẩn thận. Em làm việc rất chăm chỉ và nhiệt tình nên chị đánh giá cao vì điều đó.
Khi phê bình nhân viên, đừng quên áp dụng phương pháp “Chiếc bánh kẹp phê bình” này nhé. Một quản lý giỏi sẽ khiến nhân viên tâm phục khẩu phục kể cả khi bạn đang phê bình họ.
– HR Insider –
>>> Ranh giới giữa nhà quản lý giỏi và quản lý tồi
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.