“Nghệ thuật phê bình” người khác
Trái ngược với khen, phê bình thường đề cập tới điểm hạn chế và thiếu sót của người khác. Tâm lý chung của con người là chẳng ai muốn mình bị phê bình cả. Vậy nên lời phê bình của bạn thường khiến người khác cảm thấy buồn và khó chịu. Nghiêm trọng hơn, nếu không nắm được “nghệ thuật phê bình” khéo léo thì rất có thể gây nên nỗi hiềm khích. Thậm chí còn có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ giữa bạn và người khác.
Nhưng trong thực tế, nhiều trường hợp bạn cần phải phê bình để giúp người khác nhận ra điểm hạn chế của bản thân. Có như vậy, người khác mới biết cách sửa chữa và hoàn thiện, phát triển hơn. Vậy phê bình thế nào để người khác hiểu được ý tốt của bạn, đồng thời nhận ra hạn chế mà tìm cách sửa đổi? Là cả một “nghệ thuật phê bình” cả đấy!
Phê bình “nói thẳng nói thật”
Cách phê bình này thường thấy ở người có tính cách thẳng thắn, hoặc có tuổi tác và địa vị cao hơn người bị phê bình. Là thấy gì nói đấy, không vòng vo, không rào trước đón sau mà đi thẳng vô vấn đề. Vừa tránh tốn thời gian, vừa giúp người khác nhanh nhận ra điểm hạn chế của bản thân.
Nhưng cách phê bình “nói thẳng nói thật” này rất dễ gây mích lòng. Bạn chỉ lo nói ra sự thật mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác, dẫn đến lời nói mang tính sát thương mạnh. Người khác cũng dễ hiểu nhầm lời phê bình của bạn là lời khiêu chiến, làm rạn nứt mối quan hệ này.
Vậy nên tùy vào từng hoàn cảnh và từng đối tượng khác nhau, mà áp dụng cách phê bình này bạn nhé. Chỉ nên phê bình “nói thẳng nói thật” với người cầu thị, ham học hỏi, sẵn sàng lắng nghe để tiến bộ hơn. Ngược lại, không nên áp dụng với người nóng tính, sĩ diện và cái tôi cao.
Phê bình “khen trước chê sau”
Người khéo ăn khéo nói thường chọn phê bình theo cách này. Trước khi phê bình người khác, bạn nên có lời khen họ. Chẳng hạn: “Em đã hoàn thành khá tốt dự án lần này, tuy nhiên nếu sửa thêm đoạn này thành…”. Hoặc bạn có thường thấy trong các cuộc họp cuối năm, cấp trên thường nhận xét ưu điểm trước rồi mới đề cập đến nhược điểm sau không?
Cách phê bình “khen trước chê sau” khiến người khác được xoa dịu phần nào khi bị chê. Nhưng tránh lạm dụng nhiều quá kẻo gây nhàm chán và tạo cảm giác khen xáo rỗng bạn nhé.
Phê bình “nụ cười có dao”
Cách phê bình này thú vị và hiệu quả hơn so với 2 cách phê bình trên. Phê bình mà như không phải phê bình, phê bình bằng lời khen bằng nụ cười nhưng lại hàm ý chê trách. Bạn không trực tiếp vạch ra hạn chế của người khác, nhưng lại khiến họ tự nhận ra và sửa chữa được. Khá hay ho phải không?
Chẳng hạn: “Buổi thuyết trình hôm nay phải nói là rất cảm ơn em. Vì dù bài báo cáo em làm còn sai nhiều lỗi chính tả, nhưng giúp anh phát huy được khả năng thuyết trình khéo léo của mình…”. Lúc đầu người đó sẽ cảm thấy vui vì được cảm ơn, nhưng sau sẽ suy ngẫm lại và cố gắng không sai lỗi chính tả nữa.
Nghệ thuật phê bình “nụ cười có dao” này đặc biệt ở chỗ, khiến lời phê bình trở nên nhẹ nhàng hơn, đồng thời giữ được mối quan hệ tốt và thậm chí còn khiến người khác nể trọng bạn. Nhưng muốn áp dụng cách phê bình này, bạn cần phải nắm cách nói chuyện hàm ngôn ẩn ý và thêm chút khiếu hài hước nữa nhé. Nếu không, điều này sẽ mang lại ác cảm cho người nghe và khiến hình ảnh của bạn xấu đi đấy.
“Ứng xử khéo” khi bị phê bình
Phê bình người khác cần nghệ thuật, còn bị người khác phê bình thì cần sự ứng xử khéo. Điều quan trọng nhất là bạn cần tự chủ và kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhất là với những bạn Fresher. Vì là người mới nên khó tránh khỏi sai lầm cũng như những lần bị phê bình. Vậy Fresher nên làm gì trong tình huống này?
Gắng giữ im lặng lúc đầu
Đừng phản đối ngay khi bị phê bình bạn nhé. Các bạn còn trẻ nên tính cách khá bốc đồng. Cố gắng im lặng lắng nghe hết lời phê bình của người khác. Trong thời gian đó, bạn nên hít thở sâu và giữ bình tĩnh. Kiềm chế được bản thân chứng tỏ bạn là người tự tin và điềm tĩnh.
Dùng lý trí thay vì cảm xúc
Nếu không tự chủ và kiểm soát được cảm xúc bản thân, bạn sẽ không thể nhận định đúng về lời phê bình. Họ là cấp trên, là quản lý nên có tuổi đời chuyên môn lẫn kinh nghiệm hơn bạn. Hãy tập trung vào lời phê bình, và tự nhủ rằng họ đang giúp bạn tiến bộ hơn. Đừng vì bị chỉ trích mà chỉ mải lo nghĩ viện cớ để biện minh bạn nhé.
Thừa nhận hạn chế của bản thân
Bạn nhận sai không có nghĩa là bạn thua cuộc. Bạn đáng trách thì không cần tìm cách biện minh. Nhất là những bạn sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm còn ít nên không ai chê bạn kém cỏi cả. Hãy dũng cảm thừa nhận hạn chế của bản thân: “Em rất tiếc vì để xảy ra sai sót như vậy”. Thêm vào đó, nên hỏi người phê bình cách sửa đổi và khắc phục vấn đề bạn nhé.
Nói lên dự định sửa đổi
Sau khi lắng nghe lời phê bình, hãy nói cho mọi người biết bạn sẽ cố gắng sửa đổi và khắc phục trong thời gian sớm nhất. Tinh thần chịu tiếp thu ý kiến và chủ động vạch ra phương hướng khắc phục, giúp Fresher “ghi điểm” tuyệt đối trong mắt mọi người.
Cảm ơn người phê bình bạn
Đừng quên cảm ơn người phê bình đã chỉ ra những hạn chế của bạn, giúp bạn hoàn thiện và phát triển hơn trong tương lai. Điều này còn giúp cải thiện mối quan hệ tốt hơn nữa đấy.
Nắm được “nghệ thuật phê bình” lẫn cách “ứng xử khéo” khi bị phê bình là tuyệt chiêu giao tiếp hữu ích chốn công sở. Đồng thời giúp các bạn Fresher khắc phục được hạn chế và ngày càng phát triển bản thân hơn. Bên cạnh việc nỗ lực trau dồi kỹ năng chuyên môn, hoàn thiện chỉ số cảm xúc giúp bạn ngày càng vững bước trên hành trình phát triển sự nghiệp từ những bước chân đầu tiên.
Xem thêm: Top 5 kỹ năng Fresher phải “khắc cốt ghi tâm” trước thềm 2024
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.