Sự thăng chức trong sự nghiệp là một trong những yếu tố tạo nên sự hài lòng của người lao động. Có những nhân viên thăng tiến vô cùng nhanh nhưng cũng có những cá nhân, dù đã gắn bó rất lâu với công ty nhưng mãi vẫn không “lọt vào mắt xanh” của lãnh đạo. Nếu bạn thuộc trường hợp thứ hai, hãy thử đánh giá lại bản thân mình xem liệu bạn có nằm trong những kiểu nhân viên dưới đây.
Nhân viên “lười biếng”
Bạn có phải là kiểu nhân viên hay đi muộn về sớm? Bạn thường xuyên nghỉ ốm và vắng mặt trong các buổi họp không rõ lý do? Bạn thỉnh thoảng hoàn thành công việc không đúng hạn? Một kiểu nhân viên không có tinh thần hợp tác và thường xuyên “mất tích” trong công ty như thế nhất định sẽ không được lòng các sếp. Cho dù bạn có gắn bó lâu năm với công ty như thế nào, bạn vẫn sẽ thua một nhân viên vừa mới gia nhập nhưng lại cho thấy sự nỗ lực và tiến bộ hơn bạn gấp nhiều lần.
Nhân viên “mờ nhạt”
Việc thăng chức đòi hỏi nhiều tiêu chí hơn là một nhân viên có năng lực. Bên cạnh thành tích, bạn cần phải thể hiện với sếp rằng bạn là một người có khả năng lãnh đạo. Nếu bạn không có tiếng nói trong các buổi họp, bạn chưa từng trải nghiệm dẫn dắt một nhóm làm việc hoặc bạn không thường xuyên chủ động trong các công việc có sếp tham gia, bạn sẽ nghiễm nhiên trở thành “người vô hình” suốt bao nhiêu năm ở công ty.
Nhân viên “tạm được”
Bạn không lười biếng nhưng bạn lại chẳng có tinh thần cầu tiến. Bạn đi làm đúng giờ và ra về đúng giờ. Bạn không bao giờ đòi hỏi sự tiến bộ của bản thân ở nhiều khía cạnh công việc. Kiểu nhân viên như vậy thường đóng vai là “người thực hành” trong công ty thay vì là một người lãnh đạo. Nếu mọi thứ của bạn chỉ đang dừng ở mức trung bình hoặc tạm được, đã đến lúc bạn nên cân nhắc một sức bật cho bản thân mình.
Nhân viên “thiếu nghiêm túc”
Vấn đề không phải là bạn không đủ năng lực, nhưng bạn lại thiếu đi những tố chất chững chạc và truyền cảm hứng để trở thành một người lãnh đạo. Điều đó thể hiện ở hành vi ứng xử hàng ngày, cách nói chuyện cũng như phong thái, cách ăn mặc phù hợp. Bạn đến công ty trong trang phục không phù hợp, bạn thường bất đồng quan điểm và cư xử thiếu chuyên nghiệp với các nhân viên khác, hoặc bạn không bao giờ lắng nghe ý kiến từ những người xung quanh. Những nhược điểm nhỏ nhặt như thế cũng đủ để khiến sếp gạch tên bạn ra khỏi danh sách những nhân viên được thăng chức trong công ty.
Tuy nhiên, đôi khi nguyên nhân không nằm ở yếu tố chủ quan mà còn là câu chuyện khách quan về phía chính sách hoặc văn hóa công ty. Nếu bạn làm việc trong một công ty với ngân sách eo hẹp, doanh thu thấp thì cơ hội thăng tiến của bạn cũng sẽ bị giới hạn. Mỗi công ty cũng có một chính sách và tiêu chí nhất định về việc thăng chức. Có thể bạn chưa đạt được mọi tiêu chí theo quy định. Hoặc một số công ty có nhiều vị trí và chức danh công việc khiến cơ hội thăng tiến nhiều hơn. Các công ty khác ít thay đổi hơn và có ít lớp quản lý hơn, do đó cơ hội thăng tiến không nhiều.
Làm gì khi vẫn muốn gắn bó với công ty?
Nếu như bạn xác định muốn tiếp tục ở lại để cống hiến cho công ty, hãy thẳng thắn trình bày vấn đề thăng chức với sếp. Trước đó, hãy chắc rằng bạn đã xem xét mọi yếu tố trên để biết liệu nguyên nhân có phải nằm ở bạn hay không. Bạn nên chuẩn bị đầy đủ lí do và dẫn chứng thuyết phục để sếp thấy rằng bạn hoàn toàn sẵn sàng và đủ năng lực cho một vị trí cao hơn. Nếu bị từ chối thăng chức, hãy đòi hỏi về các đặc quyền khác hỗ trợ bạn phát triển nghề nghiệp và cân bằng cuộc sống – công việc của bạn. Đôi khi, việc thăng chức không có nghĩa phải tăng lương. Nếu những lợi ích khác công ty đề xuất phù hợp với bạn, bạn có thể xem xét việc tiếp tục ở lại công ty làm việc. Trong trường hợp công ty hứa hẹn sẽ thăng chức cho bạn trong tương lai, hãy làm rõ thời điểm cụ thể chẳng hạn sau 6 tháng hoặc 1 năm để xem lại kết quả làm việc của bạn.
Đâu là lúc bạn nên rời đi?
Nếu bạn làm việc chăm chỉ và vượt chỉ tiêu nhưng vẫn không được thăng chức, bạn có thể cân nhắc nghỉ việc. Đôi khi, việc cân nhắc thăng chức không nằm trong khả năng quyết định của bạn, không liên quan đến hiệu suất hay kết quả bạn gặt hái được và tự bạn không thể thay đổi điều này. Nếu cấp trên không rõ ràng về điều kiện thăng chức không đưa ra dấu hiệu sẽ thăng chức cho bạn, đó là lúc bạn nên suy nghĩ về việc tìm bến đỗ mới cho mình. Giậm chân tại một vị trí trong công việc có thể gây bất lợi cho năng suất và sự hào hứng thể hiện năng lực của bạn. Do đó, nếu bạn dường như đã quá quen thuộc với công việc này và thậm chí tự tin rằng bạn có thể làm tốt nó ở vị trí cao hơn nhưng công ty lại không đề xuất cho bạn một vai trò phù hợp, bạn cần xem xét việc phát triển bản thân ở những môi trường cởi mở hoặc cho bạn học hỏi nhiều hơn so với nơi làm việc hiện tại.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.