Khi bạn đọc những dòng này, có thể bạn cũng đã từng nghe nhiều về những lý thuyết tâm lý cơ bản, chẳng hạn như “khi đời cho một quả chanh, hãy pha nó thành một ly nước chanh”, hay “hãy học cách phản ứng tích cực với những chuyện tiêu cực trong đời”. Nhưng vì sao dù biết những lý thuyết như vậy, đôi khi mọi thứ không như ý muốn trong đời xảy ra với bạn, và bạn thậm chí không thể kiểm soát được nó? Bài này sẽ chia sẻ một vài góc nhìn sâu hơn về mặt tâm lý đằng sau những chuyện này.
“Khi một chuyện không như ý muốn xảy ra một lần, nó chẳng có gì bất thường. Khi một chuyện/ một vấn đề lặp đi lặp lại nhiều lần, chắc chắn phải có một điều gì đó không ổn ở đây.”
Nếu như cuộc sống bạn đang không ổn vì một chuyện gì đó, hoặc một xu hướng gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần, và nếu như bạn cảm thấy đôi chút stress, mệt mỏi, thậm chí căng thẳng hay áp lực và mong muốn thoát ra, thì rất có thể bài viết này dành cho bạn.
Một vài góc nhìn tâm lý
Điều đầu tiên chúng ta cần xác định nguyên nhân của việc “có những chuyện xảy ra không như ý của chúng ta”. Mỗi người trong số chúng ta, luôn luôn có những suy nghĩ, định hình, quan điểm, góc nhìn, mong muốn về mọi thứ trong cuộc sống. Điều đó được gọi là kỳ vọng. Chúng ta làm bất kỳ điều gì cũng luôn luôn có những kỳ vọng. Kỳ vọng bao gồm ở bản thân, người thân, và thậm chí là cả kỳ vọng về xã hội. Chẳng hạn như kỳ vọng bản thân phải có sức khỏe theo tiêu chuẩn abc, tài chính phải theo xyz, công việc phải đạt được chức vụ mln,… Kỳ vọng về các mối quan hệ thì rộng hơn, chẳng hạn khi đi làm thì có kỳ vọng về sếp/ nhân viên phải kpq, vợ chồng người yêu con cái cũng phải uxz,… Rộng lớn hơn là kỳ vọng vào cơ chế, chính sách xã hội, điều kiện môi trường. Nói chung là rất nhiều kỳ vọng.
Từ nền tảng lý thuyết đó, bạn sẽ thấy rằng: KẾT QUẢ KHÔNG NHƯ KỲ VỌNG => N HỆ QUẢ
Ở đây có rất nhiều hệ quả, với rất nhiều tính từ khác nhau có thể điền vào: không hài lòng, không thoải mái, thất vọng, tuyệt vọng, đau khổ, stress, căng thẳng, áp lực… Nhìn công thức này, bạn hoàn toàn có thể kiểm chứng được với cuộc sống của bạn. Edward tin là như vậy.
Ai cũng có một hình ảnh về bản thân mình
Vậy bạn có thể tự hỏi, những kỳ vọng ấy từ đâu mà ra? Nó có nhiều nguyên nhân, có thể là do người khác trao lên mình, hoặc do môi trường, xã hội, dẫn đến việc một người có được hình ảnh – một miêu tả trong tâm trí định hình về họ. Ví dụ, nếu một người có một hình ảnh trong tâm trí họ là là một người con ngoan, một học trò giỏi thì rất có thể họ sẽ kỳ vọng rằng những kết quả mình đạt được phải đúng với hình ảnh đó: cụ thể phải ngoan ngoãn lễ phép, phải đạt kết quả học tập xuất sắc, cụ thể là phải trở thành người học giỏi nhất lớp. Như bạn thấy thì về cơ bản thì những hình ảnh ấy mang lại tác dụng tích cực, nó giúp một người nỗ lực phấn đấu rèn luyện để họ củng cố hình ảnh “tạo dựng về bản thân” trong mắt họ và trong mắt người khác. Nhưng đôi khi, nếu mọi thứ xảy ra không đáp ứng hình ảnh đó, thì đây là nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch so với kỳ vọng. Chẳng hạn, vẫn là cậu học trò ấy, kỳ vọng mình phải đứng số 1, và kết quả là người ấy không đứng số 1. Họ có thể không hài lòng.
Khi trưởng thành, chúng ta không chỉ có một hình ảnh, chúng ta có nhiều hình ảnh hơn về bản thân mình: một nhân viên giỏi, một người lãnh đạo có tầm nhìn, một chuyên gia trong lĩnh vực abc, một người vợ đảm đang, một doanh nhân thành đạt, v.v. Chúng ta càng lên những nấc thang cao hơn, thì việc người khác và chính bản thân kỳ vọng vào chúng ta càng nhiều. Chẳng hạn, nếu bạn là một ca sĩ nổi tiếng với nhiều bản hit trong quá khứ thì chắc chắn khi ra ca khúc mới, sẽ có rất nhiều người kỳ vọng ở bạn về mọi thứ. Nếu như kết quả không đáp ứng theo được kỳ vọng, từ đây mọi chuyện bắt đầu xảy ra.
Những cách phản ứng thông thường
Phản ứng thông thường dễ gặp là những suy nghĩ tiêu cực, chẳng hạn như than phiền, đổ lỗi, chối bỏ, không chấp nhận sự thật. Ví dụ như bạn dành bao yêu thương cho một người, để rồi một ngày người ta bỏ rơi bạn. Bạn dành bao tâm huyết cho một dự án, thế rồi bạn thất bại. Bạn đổ nhiều tiền đầu tư cho một thương vụ, thế rồi bạn lỗ vốn. Bạn khao khát tung ra sản phẩm độc đáo trên thị trường, rồi đối thủ lừa lọc cạnh tranh không lành mạnh với bạn, v.v Lẽ thông thường, con người ta sẽ không chấp nhận mọi chuyện đã xảy ra khi nó không đúng như kỳ vọng. Nhưng việc đã xảy ra là việc chắc chắn sẽ không thể thay đổi được. Cho nên, nếu tiếp tục phản ứng tiêu cực thì đó quả là một lựa chọn không hề khôn ngoan.
Như vậy, một khi hiểu được sâu sắc triết lý cuộc đời: rằng cuộc sống này có những chuyện luôn xảy ra không thể theo như kỳ vọng của bạn, thì bạn cần học cách phản ứng tích cực với nó. Và hơn hết, là điều chỉnh ở bản thân mình – thay đổi để phù hợp.
Nếu vậy, thì chúng ta phải điều chỉnh điều gì?
Có thể bạn nghĩ rằng bớt kỳ vọng đi cuộc sống sẽ tốt hơn ư? Chưa chắc! Nếu bạn không có kỳ vọng gì về bản thân, không khao khát đạt được những kết quả lớn lao trong cuộc đời, và không quyết tâm thực hiện nó thì sẽ có hàng loạt rắc rối xảy ra với bạn. Chẳng hạn, nếu bạn không quyết tâm thực hiện mục tiêu tài chính thật tốt, khi nghèo nàn bạn sẽ phải đối mặt với vô số rắc rối cơm áo gạo tiền, bệnh tật, đủ các khoản chi tiêu. Khi ấy, bạn không thể hạnh phúc khi không kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Có nhiều người, họ chấp nhận sống hạnh phúc với một cuộc sống tồi tàn, giống như thông điệp mà một bộ phim nổi tiếng Ký sinh trùng truyền tải, thì đó là lựa chọn của họ.
Vậy thì lẽ nào, chúng ta điều chỉnh hình ảnh mà mình tạo dựng về bản thân, để bớt thất vọng nếu như không đạt được kết quả như kỳ vọng? Cũng không đúng. Nếu bạn là một người thành công, bạn càng không nên điều chỉnh hình ảnh về bản thân mình là một người kém cỏi. Nếu bạn đang khao khát mãnh liệt khi tuổi đời còn trẻ, tại sao phải nghĩ mình là người thụ động, chậm chạp, chây lì và không xứng đáng có được hạnh phúc?
Học cách điều chỉnh phản ứng của bản thân
Như vậy, bí quyết để bạn có thể điều chỉnh, đó chính là phản ứng của bản thân.
Trước tiên, hãy điều chỉnh các kỳ vọng. Lẽ dĩ nhiên, bạn có quyền kỳ vọng những ước mơ lớn lao, nhưng đừng kỳ vọng những gì bạn không điều chỉnh được – đặc biệt là những thứ không thuộc về phần kiểm soát của bạn. Bạn không thể kỳ vọng ông bảo vệ cơ quan khó tính sẽ bớt khó tính và hay than phiền mỗi khi gặp bạn. Nhưng bạn có thể kỳ vọng mình sẽ làm việc ở môi trường mà ngay cả người bảo vệ cũng cực kỳ lịch sự và nhã nhặn.
Thứ hai, phải thực sự hiểu điều mình muốn gì. Nếu không biết mình thực sự muốn gì, thì những thứ không quan trọng trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ không kỳ vọng nó phải đạt được kết quả xuất sắc. Ngược lại, khi biết mình muốn gì, bạn sẽ tập trung quyết liệt để đạt được điều mình muốn thực sự.
Sau đó, khi đã xác định được rõ ràng mọi thứ, trên con đường thực hiện những mong muốn của mình, nếu mọi chuyện không xảy ra đúng như kỳ vọng, đây là lúc điều chỉnh cách phản ứng với chúng.
#1 – Tuyệt đối không than phiền. Khi một chuyện xảy ra, đừng có than phiền! Than phiền không giúp bạn thay đổi được kết quả. Nó chỉ làm bạn thêm mất tinh thần. Nếu có những ngày bạn vô cùng mệt mỏi, hãy tạm dừng. Hãy nghỉ ngơi một chút, làm điều mình yêu thích, lấy lại năng lượng – và điều quan trọng nhất là đừng bao giờ mang năng lượng tiêu cực đi gặp người khác.
#2 – Tuyệt đối không ở cạnh người hay than phiền. Bạn luôn cần nhớ một điều, “ở gần đống rác quá lâu, bạn chắc chắn sẽ bốc mùi”. Cho nên, đừng dành thời gian của mình cho những người vốn dĩ có thói quen than phiền. Nếu đó là người thân thiết của bạn, hãy nói cho họ biết điều đó để họ nhận ra và thay đổi.
#3 – Khi tỉnh táo, bạn sẽ ra quyết định đúng đắn hơn. Có một vị tổng thống nổi tiếng trong lịch sử luôn có một thói quen rằng ông sẽ không ra những quyết định cho những việc quan trọng mỗi khi ông đã rời văn phòng – khi tâm trí và tâm trạng mệt mỏi sau một ngày làm việc. Khi không tiêu cực, bạn sẽ tỉnh táo hơn và ra quyết định khôn ngoan hơn. Đây cũng là lý do mà vì sao con bạc chơi thua, càng muốn chơi tiếp để gỡ gạc lại càng thua. Và có nhiều lãnh đạo tập đoàn, khi quyết định sai lầm, đã sai lại tiếp tục sai hơn.
#4 – Nếu đã là mục tiêu mình lựa chọn, nhưng kết quả chưa đạt được như kỳ vọng – hãy hành động quyết liệt để tiến tới mục tiêu, và đạt được kết quả như kỳ vọng. Chẳng hạn nếu bạn làm nghề bán hàng, và trong những cuộc nói chuyện chào hàng, bạn bị từ chối, thậm chí bị khách hàng mắng chửi, coi thường. Lẽ nào bạn dễ dàng bỏ cuộc? Ngay cả những người bán hàng rất giỏi trong lĩnh vực bán ô tô cũng thừa nhận rằng, tỷ lệ chốt đơn hàng của họ chỉ là 2/10, tức cứ 10 khách hàng họ gặp thì họ chốt được 2 đơn. Như vậy, nếu người này mới gặp 4 người và đều bị từ chối, thay vì không hài lòng thì cách tốt hơn là đi tìm người thứ 5, bởi lẽ tỉ lệ của anh ta là gặp 5 người mới chốt được 1 đơn.
Có nhiều con đường để đến tới thành Rome – cho nên ngay cả khi việc đọc xong bài viết này cũng không đáp ứng được kỳ vọng cho bạn, đừng dừng lại. Hãy tiếp tục tìm một cách khác để giải quyết được vấn đề của mình.
P.S Lan man viết một bài khi mà rất lâu rồi không viết cái gì đó cho TLHUD. Ngoài ra, bài viết có nhiều tầng nghĩa sâu xa, phù hợp với những bạn suy nghĩ nghiêm túc và sâu sắc.
— HR Insider / Theo tamly.blog —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.