Xác định vấn đề và phân tích vấn đề
Trước khi quyết định nhờ vả người quản lý của bạn về vấn đề bạn gặp phải, hãy tập xác định và phân tích. Khó khăn thường làm chúng ta bối rối, nhiều khi mất phương hướng và mất tỉnh táo. Vì vậy, nhiều người trong chúng ta chưa kịp định hình lại tình huống mình gặp phải, đã vội tìm kiếm sự giúp đỡ. Không phải ai cũng có nhiều thời gian rảnh, và bạn không thể dựa dẫm họ mãi được. Nó sẽ hình thành trong chúng ta tính cách ỷ lại và bị động, phụ thuộc. Điều cần thiết được đặt ra đó chính là tư duy phản biện (critical thinking) và giải quyết vấn đề (problem solving). Đây cũng là hai kỹ năng đặc biệt quan trọng mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn có được ở người ứng viên của mình.
Người ta ít khi suy nghĩ đến việc tận dụng mọi khả năng của mình để giải quyết vấn đề và chỉ cần sự hỗ trợ khi quá bế tắc. Do đó, đối với những vấn đề bạn gặp phải, trước tiên hãy tìm nguyên nhân của nó và một hướng khắc phục. Chủ động tìm kiếm giải pháp từ các nguồn khác nhau, như các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc hay ông chủ thông tin mang tên “Google” bằng một cú click chuột. Trong thế giới hiện đại với nguồn thông tin khổng lồ, tất cả đều có lời giải đáp dù ít hay nhiều tính hữu ích và có thể áp dụng. Tính chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức, kỹ năng thể hiện bạn là một con người nhạy bén, linh hoạt và có khả năng thích nghi cao với các môi trường khác nhau. “Thay đổi hay là chết?”: thay đổi để thích nghi là điều tất yếu để tồn tại trong môi trường luôn biến động không ngừng với nhiều điều mới mẻ, nếu không, bạn sẽ thụt lùi và mãi ở phía sau.
Nếu vấn đề đó quá nan giải, bạn không thể tự mình giải quyết và bạn buộc phải yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác, thì hãy chia sẻ cho quản lý biết.
Vậy nên chia sẻ như thế nào?
Nhờ vả là cả một nghệ thuật và người chủ động tìm kiếm sự nhờ vả phải tinh tế, thông minh. Sự phong phú trong đặc thù công việc, văn hoá công ty, tính cách người quản lý và mức độ thân thiết giữa bạn và người quản lý sẽ tạo ra vô vàn những cách nhờ vả khác nhau, không thể quy chụp được. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một nguyên tắc chung trong cách ứng xử khôn ngoan, đó là:
Chú ý trong ngôn từ mình sử dụng
Luôn thể hiện sự tôn trọng, thái độ biết ơn
Lựa chọn thời gian, ngoại cảnh phù hợp
Hãy trả ơn
Bắt chước cách xử lý vấn đề
Kỹ năng quan sát và đánh giá mọi thứ xung quanh là một trong những kỹ năng mềm quan trọng. Quan sát ở đây không dừng ở việc nhìn, thấy, ngắm mà là sự thấu hiểu, đánh giá, phân tích từ nhiều góc cạnh. Khi người quản lý giúp bạn giải quyết những vấn đề nan giải đó, hãy tập quan sát có chủ đích, xâu chuỗi các điều kiện liên quan và ghi nhớ chúng. Tại sao phải làm như vậy? Kỹ năng này sẽ giúp bạn nhận ra được bản chất của vấn đề, từ đó thấy được phương pháp và ý tưởng tối ưu nhất. Đồng thời, bạn có thể thấu hiểu tâm tư, thái độ của mọi người hơn, là tiền đề quan trọng giúp phát triển khả năng giao tiếp và khiến các mối quan hệ trở nên tốt đẹp, hữu ích hơn.
Tinh thần cầu tiến là chìa khóa dẫn đến thành công
Việc bạn chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ thể hiện đức tính cầu tiến, ham học hỏi của bạn. Điều đó cũng cho thấy bạn là một người không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách, không bao giờ chịu hài lòng với hiện tại và luôn có ước muốn học hỏi, trau dồi từ các vị tiền bối. Người quản lý sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn về bạn, rằng bạn là một người luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, nỗ lực tiến xa hơn và làm việc năng suất hơn.
Sinh thời, vị chủ tịch đáng kính của chúng ta – Bác Hồ – có câu nói mà cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị: “Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm tòi học hỏi, cầu tiến, đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng tiết kiệm”. Bác luôn đề cao đức tính cầu tiến, việc học điều hay điều tốt của người khác để vươn tới thành công trong cuộc sống. Và sự cố gắng hoàn thiện bản thân để cống hiến, hy sinh hết mình cho Tổ quốc, đất nước đó của Bác là một ví dụ điển hình, một tấm gương sáng chói lọi cho đức tính này.
Kết nối và gắn kết mối quan hệ
Không những nhận được cái nhìn thiện cảm hơn từ người quản lý, bạn còn có thể phát triển mối quan hệ giữa hai người một cách gắn kết, tích cực hơn. Họ không chỉ là những người quản lý, những người sếp, những mentor mà còn là người bạn đồng hành cộng tác với bạn trong một chặng đường sự nghiệp dù ngắn hay dài. Việc có một mối quan hệ tốt có thể cho bạn nhiều thứ, nhưng thứ dễ thấy nhất đó là một người bạn tốt, đôi khi còn có thể chia sẻ và tâm tình ti tỉ những vấn đề khác trong cuộc sống.
Yếu tố tiên quyết đến sự phát triển chung
Vấn đề được chia sẻ đồng nghĩa với việc bạn và người quản lý của bạn đã giải quyết được một khúc mắt, khó khăn trong công việc. Điều đó có nghĩa là năng suất làm việc được nâng cao, bạn vừa học hỏi được nhiều thứ, và người tiền bối của bạn cũng có thể ôn tập lại những kỹ năng cần có, trở nên điêu luyện và “lành nghề” hơn. Khi cả hai cùng làm việc hiệu quả hơn, điều tất yếu xảy đến đó là sự đột phá đi lên và thịnh vượng của cả một tập đoàn, một doanh nghiệp. Các bạn không trực tiếp làm giàu hay nâng cao vị thế của công ty, mà các bạn gián tiếp tác động từng chút một đến sự phát triển chung.
Xem thêm: Đồng nghiệp thích “chọc ngoáy” đời tư, xử lý như thế nào?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.