Mức lương khởi điểm với sinh viên năm cuối hoặc ứng viên mới tốt nghiệp Đại học là 8.700.000 – 17.000.000 đồng/tháng. Với những ứng viên có kinh nghiệm cao hơn sẽ tùy trường hợp đàm phán cụ thể với mức thu nhập 43.000.000 – 65.000.000 đồng/tháng, cá biệt có công ty sẵn sàng trả 130.000.000 đồng/tháng. Đây là mức thu nhập được các công ty phần mềm đưa ra trong thông tin tuyển dụng kỹ sư cầu nối làm việc trong các dự án với khách hàng Nhật Bản. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức lương bình quân của lĩnh vực công nghiệp phần mềm. Theo sách trắng CNTT-TT Việt Nam 2014, mức lương bình quân của lĩnh vực này là 109.500.000 đồng/năm, tương đương 9.000.000 đồng/người/tháng.
Không chỉ có cơ hội có được mức thu nhập “khủng” mà các kỹ sư cầu nối còn có cơ hội công tác dài hạn hoặc ngắn hạn “như cơm bữa”. Chẳng hạn như, công ty MekongData, đang tuyển vị trí kỹ sư cầu nối, ngoài thông tin về mức thu nhập lên tới 45.000.000 đồng/tháng còn khẳng định các ứng viên sau khi trúng tuyển sẽ được sắp xếp việc làm tại Nhật và các thủ tục pháp lý có liên quan như visa, chỗ ở, đào tạo văn hóa Nhật …
Hay như công ty FPT Software, công ty phần mềm Việt Nam có doanh thu từ thị trường Nhật Bản lớn nhất, theo đại diện của công ty này, trong 6 tháng đầu năm 2015, đã có gần 150 kỹ sư của công ty được cử đi onsite (làm việc ngắn và dài hạn trong các dự án với khách hàng Nhật) tại Nhật. Cũng theo vị đại diện này, mức thu nhập bình quân FPT Software đang trả cho các kỹ sư cầu nối làm việc tại thị trường Nhật Bản là 740.000.000 đồng/năm. Nhật Bản hiện là thị trường quan trọng chiếm trên 50% doanh thu, do đó, hằng năm FPT Software có nhu cầu rất lớn về nhân lực làm việc cho thị trường này, đặc biệt là vị trí kỹ sư cầu nối. Mỗi năm công ty có nhu cầu tuyển từ 150 – 200 kỹ sư cầu nối cho các dự án với khách hàng Nhật Bản.
Mặc dù, nhu cầu tuyển dụng lớn, thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội làm việc tại Nhật Bản nhưng các công ty phần mềm vẫn đang khá chật vật để có thể tuyển dụng được các kỹ sư cầu nối. Lý do là số lượng các kỹ sư CNTT được đào tạo tiếng Nhật thực sự còn khá hạn chế. Trong khi đó, để có thể ứng tuyển vào vị trí kỹ sư cầu nối là các ứng viên phải có chuyên môn trong lĩnh vực CNTT và trình độ tiếng Nhật tương đương N2.
Do đó, để có đủ đội ngũ kỹ sư cầu nối buộc doanh nghiệp phải có cách đi riêng. Gần đây nhất FPT Software đã triển khai Chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối (Bridge Software Engineer- BrSE). Mục tiêu của Chương trình là giúp FPT Software nói riêng và các công ty CNTT của Việt Nam nói chung có đủ khả năng tiếp nhận lượng công việc ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) từ Nhật Bản, đồng thời giúp các công ty Nhật Bản có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ.
Chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2020. Trong đó, sẽ có khoảng 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật Bản trong vòng 6 -12 tháng và 5.000 học viên được đào tạo tại Việt Nam. Các học viên tham gia khóa đào tạo tại Nhật Bản sẽ được FPT Software bảo lãnh tài chính với mức vay tối đa 400 triệu đồng và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm với mức thu nhập tối thiểu lên đến 43.000.000 đồng/tháng. Hiện đã có 156 học viên chính thức nhập học tại Nhật Bản. Trong vòng 1 năm học tại Nhật, học viên sẽ được đào tạo tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành CNTT để đảm bảo thi đạt chứng chỉ tiếng Nhật N2. Bên cạnh đó, học viên cũng sẽ được bố trí việc làm thêm, thực tập tại FPT Nhật Bản hoặc các đối tác của FPT tại Nhật và tham gia các khóa học chuyên ngành CNTT trên hệ thống online.
Ứng viên quan tâm có thể truy cập vào địa chỉ: http://dangky.kysucaunoi.vn/ để đăng ký tham gia.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.