Tìm hiểu thông tin và nắm bắt tâm lý khách hàng:
Bạn sẽ khó có thể tiếp cận khách hàng nếu như bạn chưa biết họ là ai và mong muốn của họ là gì. Điều này sẽ khiến bạn rơi vào tình huống chỉ tập trung nói về sản phẩm và công ty bạn mà quên mất rằng khách hàng có thể sẽ không hứng thú để nghe và tiếp nhận nội dung đó. Tệ hơn nữa là khách hàng sẽ mất kiên nhẫn và khó chịu với bạn.
Nguyên tắc cơ bản để bạn thành công là phải “bán những gì khách hàng cần, chứ không bán những gì mình có”. Chính vì vậy, trước mỗi cuộc gặp với khách hàng, bạn hãy tìm hiểu và ghi nhớ thông tin về khách hàng như họ tên, độ tuổi, nghề nghiệp, sở thích, tính cách, mong muốn của họ… Đây là chính là điều kiện tiên quyết để có thể nắm bắt tâm lý và thuyết phục khách hàng.
Mở đầu cuộc hội thoại bằng những câu chuyện phù hợp
Người ta thường nói “Đầu xuôi đuôi lọt”. Trong một cuộc trò chuyện với khách hàng cũng vậy, việc bạn tạo được ấn tượng ban đầu tốt đẹp với khách hàng sẽ gia tăng khả năng thuyết phục khách hàng mua hàng thành công sau này.
Bạn có thể bắt đầu bằng những câu chuyện thú vị liên quan tới thời tiết, thời sự, những câu chuyện “trending” trên mạng xã hội… tùy vào những thông tin bạn thu thập được trước đó về sở thích của khách hàng. Điều này sẽ giúp bạn tạo được một không khí gần gũi, thân thiện và giúp khách hàng dần tháo gỡ rào cản với bạn để cởi mở và chia sẻ nhiều hơn.
Tập trung vào những thông tin quan trọng và đưa dẫn chứng cụ thể
Khách hàng sẽ không thích khi bị choáng ngợp bởi quá nhiều thông tin. Họ có xu hướng chú ý lắng nghe những điều liên quan trực tiếp tới họ. Vì vậy, bạn hãy cố gắng giản lược các thông tin không cần thiết về công ty hay thương hiệu của bạn mà tập trung giới thiệu điểm nổi bật của những sản phẩm/giải pháp để đáp ứng mong muốn và nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, để tạo niềm tin cho khách hàng, bạn cần liên tục đưa ra những ví dụ cụ thể, sinh động, những dẫn chứng cần thiết (có thể là số liệu người dùng, trải nghiệm thực tế…) để khách hàng cảm thấy những gì bạn chia sẻ là đúng.
Đặt ra những câu hỏi để kết nối
Thay vì cố gắng tìm ra cách thuyết phục khách hàng rằng họ cần đến sản phẩm của bạn, hãy tìm cách đặt những câu hỏi để gợi nhắc họ suy nghĩ về hoàn cảnh của họ. Khách hàng sẽ cảm thấy mình quan trọng khi được hỏi tận tình, từ đó dễ dàng chia sẻ quan điểm cũng như nhu cầu của mình một cách chi tiết hơn và chủ động ra quyết định.
Bên cạnh đó, việc đặt câu hỏi cũng là một cách quan trọng để duy trì cuộc hội thoại với khách hàng và không khiến buổi gặp gỡ đi vào ngõ cụt. Những câu hỏi bỏ ngỏ, đơn giản nhưng sẽ mang lại những ưu điểm vượt trội cho bạn đó.
Phản hồi nhanh nhất có thể
Nếu như khách hàng đang quan tâm và có nhiều hứng thú với sản phẩm của bạn thì chắc chắn họ cũng sẽ đặt rất nhiều câu hỏi cho bạn. Trong những hoàn cảnh này, đừng mất điểm với khách hàng khi để họ thấy được sự ngập ngừng, lúng túng của bạn hay họ phải chờ quá lâu để bạn kiểm tra lại thông tin rồi phản hồi.
Đối với những cuộc gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp, bạn cần thuộc nằm lòng các thông tin về sản phẩm, công ty để phản ứng một cách nhanh nhạy ngay khi khách hàng yêu cầu. Với các câu hỏi bạn chưa trả lời được ngay, hãy tìm cách trả lời khéo léo để hẹn khách hàng cung cấp thông tin ngay sau cuộc hẹn.
Mọi người vẫn tin rằng kỹ năng thuyết phục là một năng khiếu bẩm sinh.
Đúng vậy, có những người bẩm sinh đã sở hữu kỹ năng này, nhưng nếu bạn không nằm trong số đó, đừng nản lòng! Bởi bạn hoàn toàn có thể trau dồi và rèn luyện mỗi ngày để trở thành một người sales thành công nhé!
Xem thêm: Thế nào là một công việc có ý nghĩa?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.