Bạn có bao giờ thắc mắc rằng những yếu tố nào tạo ra xung đột tại nơi làm việc? Sự cạnh tranh, tranh giành quyền lực, cái tôi, niềm tự hào, ganh tị, sự khác biệt, hoặc chỉ đơn giản là một nhân viên nào đó có một ngày tồi tệ… Câu trả lời là tất cả mọi thứ đều có thể tạo ra xung đột, nhưng trong mọi tình huống, gốc rễ của xung đột thường do sự giao tiếp kém hoặc không có khả năng kiểm soát cảm xúc. Hãy xem 2 nguyên nhân chính tạo ra xung đột sau đây:
Sự giao tiếp: Nếu bạn nhớ lại những cuộc xung đột mà bạn đã gặp trong thời gian qua, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra phần nhiều trong số đó là kết quả của sự thiếu thông tin, không có thông tin hoặc thông tin sai lạc. Một trong những kỹ năng giải quyết xung đột đó là tránh những tình huống xảy ra xung đột. Duy trì luồng thông tin một cách rõ ràng, ngắn gọn, chính xác và kịp thời sẽ giúp giảm cả số lượng và mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột.
Cảm xúc: Một lỗi thường gặp dẫn đến xung đột là để cho cảm xúc quyết định mọi thứ. Một người có cái tôi quá lớn và nuông chiều cảm xúc của họ sẽ không thể kiểm soát được hành vi, công việc và sự hợp tác với đồng nghiệp.
Là một người quản lý, khả năng nhận diện bản chất của xung đột và có kỹ năng giải quyết xung đột nhanh chóng sẽ giúp bạn hướng mọi việc theo chiều hướng tích cực. Nếu không, bạn sẽ phải chứng kiến những tài năng của mình lần lượt ra đi để tìm kiếm một môi trường làm việc lành mạnh và an toàn hơn. Thách thức được đặt ra là ta sẽ chọn cách nào để đối phó với xung đột. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn giải quyết các tình huống xung đột hiệu quả hơn tại nơi làm việc:
1. Xác định hành vi nào là chấp nhận được
Đây là một bước đi tích cực trong việc tránh xung đột. Bạn cần có một định nghĩa thế nào là hành vi chấp nhận được, tức là tạo ra một khuôn khổ trong hành vi giao tiếp. Hãy công khai để nhân viên biết những hành vi nào sẽ không được dung thứ.
2. Đón đầu xung đột
Đừng đợi đến khi xung đột xảy ra rồi mới giải quyết, kỹ năng giải quyết xung đột cơ bản là hãy ngăn ngừa xung đột nếu có thể. Bằng cách nhận diện những khu vực xung đột tiềm năng và chủ động can thiệp một cách công bằng sẽ ngăn chặn xung đột trước khi nó phát sinh.
3. Hiểu được yếu tố WIIFM
Những nhà lãnh đạo giỏi rất chú trọng vào yếu tố WIIFM (What’s In It For Me), nghĩa là điều này có ý nghĩa gì với tôi. Bạn hãy tìm ra phương pháp để tránh xung đột bằng cách giúp đỡ những người xung quanh bạn đạt được mục tiêu của họ. Khi đứng trên quan điểm của người khác, bạn sẽ tìm thấy vài chướng ngại vật có thể tạo ra xung đột mà bạn không thể nhận ra khi chỉ nhìn từ một hướng.
4. Rèn luyện sự linh hoạt trong kỹ năng giải quyết xung đột
Nếu xung đột tạo ra lợi ích hoặc sự tích cực, ví dụ như cuộc cạnh tranh giữa các nhân viên để tạo ra sản phẩm tốt hơn, bạn hãy để nó diễn ra, nhưng người quản lý giỏi không bao giờ ngừng theo dõi và quản lí sự xung đột đó, trước khi nó phát triển thành một xung đột tiêu cực hơn. Hãy linh hoạt sử dụng kỹ năng giải quyết xung đột trong mọi tình huống.
5. Xem xung đột như là cơ hội
Nếu bạn là một giám đốc điều hành và bạn không tận dụng xung đột để xây dựng đội ngũ và phát triển kỹ năng lãnh đạo, bạn đang bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời. Đôi khi xung đột là cách mà bạn nhận diện một nhà lãnh đạo tương lai, bằng cách xem các nhân viên của bạn đối phó với nó.
Là một nhà lãnh đạo tài năng, bạn nên biết rằng: sự thỏa hiệp, tha thứ, đồng cảm, tìm kiếm điểm chung và lắng nghe tích cực sẽ luôn luôn là kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất. Hãy biến thách thức từ những cuộc xung đột thành cơ hội để bạn phát triển khả năng lãnh đạo của mình.
— HR Insider —
Tìm kiếm ngay các cơ hội việc làm hấp dẫn ngay hôm nay tại vietnamworks.com
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.