Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu tại sao cần nhà tuyển dụng cần trang bị kỹ năng “đọc vị” CV.
Tầm quan trọng của kỹ năng đọc CV
Trong thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc có kỹ năng đọc CV sắc bén là một yếu tố quan trọng và đóng vai trò lớn trong việc tuyển dụng và nhận diện nhân tài hàng đầu, nâng cao hiệu suất tổ chức của công ty và đạt được các mục tiêu kinh doanh. Bằng cách có khả năng đánh giá và diễn giải CV một cách hiệu quả, nhà tuyển dụng có thể giảm thời gian cần thiết để sàng lọc CV và xác định được những cá nhân tài năng với những kỹ năng và trình độ cần thiết mà họ cần. Kỹ năng đọc CV cũng rất quan trọng để tìm ra các “red flag” hoặc đặc điểm không tương thích của ứng viên như thiếu sự chú ý đến chi tiết, không trung thực, kỹ năng giao tiếp kém và không phù hợp với văn hoá của công ty.
Tips để nâng cao kỹ năng “đọc vị” CV
1. Tạo danh sách kiểm tra
Nhà tuyển dụng cần phải biết những kỹ năng và yêu cầu cần thiết của vị trí việc làm đang tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng cần thảo luận về điều này với giám đốc hoặc người quản lý tuyển dụng để đưa ra kế hoạch phát triển bản danh sách đánh giá phù hợp. Sau khi xem xét cách làm việc văn hóa của tổ chức, bạn hãy luôn bắt đầu bằng cách tạo danh sách kiểm tra các yêu cầu. Ví dụ, yêu cầu kinh nghiệm năm năm hoặc chứng chỉ ACCA (Association of Chartered Certified Accountants) – Kế toán công chứng Anh quốc là bắt buộc đối với các công việc kế toán sẽ giúp loại bỏ và sàng lọc nhiều hồ sơ không đủ tiêu chuẩn ngay từ vòng đầu. Khi bạn đã xác định được những ứng viên có kỹ năng và phẩm chất tốt nhất, hãy sử dụng danh sách kiểm tra làm điểm khởi đầu cho các cuộc phỏng vấn. Đặt câu hỏi liên quan đến từng tiêu chí trong danh sách kiểm tra và sử dụng các câu trả lời để đánh giá thêm tài năng của từng ứng viên.
2. Xem xét kỹ năng sắp xếp thông tin trong CV
Thông tin trong CV được sắp xếp gọn gàng, nổi bật, điều này cho thấy ứng viên biết cách xử lý thông tin và có khả năng logic tốt. Nhiều ứng viên chỉ coi CV là danh sách các kỹ năng, kinh nghiệm hoặc chứng chỉ của mình mà họ quên rằng thông tin trong CV phải được kết hợp và sắp xếp khoa học. Do đó, CV nào thể hiện được sự logic, khoa học sẽ là dấu hiệu để nhà tuyển dụng nhận diện được nhận tài phù hợp.
3. Chú ý đến tính sáng tạo của CV
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các ứng viên sẽ có nhiều cách để thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân thông qua các hình thức khác nhau như CV làm bằng powerpoint hoặc video. Bạn sẽ nhìn thấy sự sáng tạo của ứng viên qua cách thể hiện trong CV của họ và từ đó, nhận điện được nhân tài nổi bật trong danh sách các ứng viên của mình.
4. Kinh nghiệm làm việc
Kinh nghiệm làm việc là mục đầu tiên thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng nên xem xét kinh nghiệm của từng ứng viên, thời gian làm việc cho công ty trước đó vì những thứ này sẽ đánh giá được năng lực, kỹ năng và lòng trung thành của ứng viên. Ngoài ra, kinh nghiệm làm việc có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về hiệu suất, kỹ năng và kiến thức trong quá khứ của ứng viên. Điều này có thể giúp ích nhà tuyển dụng đánh giá và tìm thấy nhân tài tiềm năng sẽ thành công trong tương lai.
Các nhà tuyển dụng cũng nên xem xét bề dày kinh nghiệm của ứng viên. Ví dụ: một ứng viên đã từng làm nhiều vai trò trong cùng một ngành có thể có tầm nhìn rộng hơn và nhiều kỹ năng đa dạng hơn một ứng viên chỉ làm việc trong một vai trò.
5. Kỹ năng
Khi thị trường lao động trở nên ngày càng cạnh tranh, nhà tuyển dụng nên chú ý đến các kỹ năng mềm của ứng viên trong CV bởi vì chúng có thể tác động đến khả năng thực hiện công việc của ứng viên một cách hiệu quả và làm việc tốt với những người khác.
Khi đánh giá các kỹ năng mềm, nhà tuyển dụng nên xem xét kỹ năng giao tiếp của ứng viên, cả bằng lời nói và bằng văn bản, cũng như khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác. Họ cũng nên đánh giá khả năng làm việc nhóm của ứng viên, bao gồm sự sẵn sàng hợp tác, khả năng đóng góp vào thành công của nhóm và khả năng xử lý xung đột của họ.
Bằng cách đánh giá các kỹ năng mềm của ứng viên bên cạnh kinh nghiệm và kỹ năng cứng của họ, nhà tuyển dụng có thể nhận diện nhân tài phù hợp hơn trong vai trò sắp tới. Điều này có thể giúp đảm bảo rằng các ứng viên không chỉ đủ tiêu chuẩn cho công việc mà còn sở hữu những phẩm chất và thuộc tính cá nhân cần thiết để thành công lâu dài.
6. Hoạt động ngoại khóa
Trong nhiều CV thông thường, nếu một CV của ứng viên có tham gia nhiều hoạt động xã hội hoặc các tổ chức khác, nhà tuyển dụng không nên bỏ qua điều này vì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy một ứng viên tài năng. Việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa có thể tiết lộ tính năng động, thân thiện và thích ứng tốt của ứng viên. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng nên chú ý việc kiểm chứng đi kèm để đảm bảo tính chính xác của thông tin.
Các hoạt động ngoại khóa cũng có thể giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về sở thích và đam mê của ứng viên. Điều này có thể quan trọng trong việc xác định liệu một ứng viên có phù hợp với một vai trò cụ thể hoặc văn hóa công ty hay không.
Nhìn chung, nếu nhà tuyển dụng muốn tiết kiệm thời gian để nhận diện những nhân tài tiềm năng và còn có thái độ làm việc đúng đắn, việc trau dồi kỹ năng “đọc vị” CV sẽ đem lại rất ích rất lớn. Hy vọng thông qua bài viết trên, VietnamWorks đã cung cấp cho bạn một số bí quyết hữu ích để quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp trở nên hiệu quả và tối ưu hơn.
Xem thêm: Cách viết thư ứng tuyển – Cover Letter dành cho người mới ra trường
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.