Khéo ăn nói sẽ có thiên hạ. Muốn thu phục lòng người, trước tiên bạn phải là một người ăn nói khéo léo và thuyết phục. Đặc biệt, thương lượng và đàm phán là kỹ năng, chứ không chỉ đơn thuần là khả năng bẩm sinh. Do đó, kỹ năng đàm phán cần được kiên trì luyện tập.
Ai là “Fan cứng cựa” của vũ trụ điện ảnh Marvel ắt hẳn sẽ không thể quên được màn “Thương lượng” đầy ấn tượng của “Đại phù thuỷ” Stephen Strange và Ác nhân Dormammu ở gần cuối phim Doctor Strange. Chỉ cần vài câu hội thoại mà vị phù thuỷ tài ba đã ngăn chặn được âm mưu huỷ diệt Trái Đất của tên đại ác nhân này.
Đây đích thực là màn đấu khẩu làm nức lòng người xem nhất khi cho thấy được tài trí và với kỹ năng đàm phán linh hoạt của vị bác sĩ này. Nghệ thuật giao tiếp là thế, không phải dễ dàng gì để khiến cho đối tác của bạn dễ dàng lắng nghe trong lần đầu gặp mặt. Để có thể chạm thấu huyệt cảm xúc đối phương thì những gì bạn cần không chỉ đơn thuần là một chiếc miệng khéo ăn nói.
Thử kết hợp thêm 5 chiến thuật sau đây để giúp bạn tăng cường tỷ lệ phần trăm chiến thắng trong mọi cuộc đàm phán nhé. Đừng quên rằng, mục đích cuối cùng của mọi cuộc đàm phán là gì? Là cả 2 bên cùng có lợi, dựa trên nguyên tắc WIN – WIN bình đẳng đấy.
1. Bắt đầu bằng việc thống nhất quan điểm hai bên
Đừng bắt đầu bất kì cuộc thương lượng nào nếu bạn chưa thống nhất được quan điểm của nhau. Tốt nhất, hãy từ tốn tìm ra điểm giao thoa tư tưởng giữa 2 bên trước, sẽ giúp cho không khí của buổi đàm phán trở nên “nhẹ nhõm” hơn được phần nào. Bước tiếp theo, bạn hãy chủ động xác định những điểm xung đột, bất hợp lý và tạo ra vị thế cân bằng trong buổi thuơng lượng. Hãy làm chủ cuộc đàm phán, đừng làm bá chủ trong từng cuộc hội thoại.
2. Đồng cảm đứng từ góc nhìn của đối phương
Trong giao tiếp, sự đồng cảm là chìa khoá của việc giao tiếp thành công. Đồng cảm không có nghĩa là uỷ mị, nhún nhường. Đó chỉ đơn giản là việc bạn đặt vị trí của mình vào chỗ của người đối diện, để có thể hiểu rõ hơn về suy nghĩ và quan điểm của họ. Đứng từ góc nhìn của đối phương sẽ giúp bạn chạm mặt những điểm chưa hợp lý, từ đó cả 2 đạt được sự thấu hiểu lẫn nhau. Nhớ lời tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln: “Tài ứng xử là khả năng nhìn thấy người khác khi họ nhìn thấy mình”.
3. Nguyên tắc: “HONEST IS THE BEST POLICY”
Sự thật mất lòng, nhưng bạn vẫn còn gan và tim. Hãy nhìn nhận thẳng thừng vào sự việc và đưa ra những nhận xét, góp ý chân thành với đối phương. Bạn sẽ không thể đàm phán thành công nếu chưa lấy đủ lòng tin của người đối diện. Để thực hiện kỹ năng đàm phán hiệu quả, hãy đánh vào huyệt tâm lý “niềm tin” bằng cách đưa ra những dẫn chứng thuyết phục, dữ liệu xác thực và thông tin chính xác.
4. Im lặng tạo nên lợi thế
Đừng để sự bộp chộp nông nỗi của bạn làm đối phương mất thiện cảm. Hành động quá nhiều, nói quá lời đôi khi sẽ khiến bạn mất kiểm soát hành vi. Cách tốt nhất vẫn là lựa đúng lời, chọn đúng thời điểm mà đưa ra ý kiến của mình. Ngắn gọn, súc tích nhưng đúng ý và đúng mục đích mới là điều quan trọng nhất. Một nhà đàm phán có kinh nghiệm sẽ khôn ngoan trong việc lựa chọn hành động và lời nói phù hợp và có chiến lược, nhằm đánh đúng vào nhu cầu thông tin của đối phương. Ngoài ra, im lặng cũng phần nào giúp bạn che đậy những cảm xúc tiêu cực trong 1 vài thời điểm nhất định.
5. Xác định mục tiêu, danh mục cần hoàn thành trong buổi đàm phán
Một cuộc đàm phán thành công chỉ khi giải quyết được một vấn đề đang khúc mắc giữa các bên, đảm bảo được lợi ích công bằng. Điều quan trọng nhất của kỹ năng đàm phán mà bạn cần phải làm, chính là thiết lập mục tiêu và lên danh mục những công việc cần được giải quyết trong buổi đàm phán, đồng thời chuẩn bị sẵn một vài phương án dự trù khi có những điều bất lợi phát sinh. Một người đàm phán chuyên nghiệp đích thị là một người phải biết nghĩ 3 bước, làm 5 bước và hoàn thành 10 bước.
— HR Insider —
VietnamWorks.com – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.