Kỹ năng thuyết trình là gì?
Kỹ năng thuyết trình là khả năng truyền đạt thông điệp, vấn đề một cách đơn giản, hiệu quả và hấp dẫn đến một nhóm người nghe.
Trong buổi thuyết trình, người nói cần hướng tới mục tiêu giúp người nghe hiểu được những gì bản thân đang nói, giải quyết một vấn đề của họ, hay chỉ đơn giản là tiếp nhận một thông tin mới mẻ nào đó.
Lợi ích của kỹ năng thuyết trình
Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng mềm quan trọng giúp người nói truyền đạt được các thông tin phức tạp đến người nghe theo một cách đơn giản và thú vị nhất. Tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình được thể hiện nhiều trong công việc và cuộc sống.
Đầu tiên, có kỹ năng thuyết trình tốt quá trình phỏng vấn xin việc của bạn sẽ trở nên thuận lợi hơn. Nhiều người đi làm đồng ý rằng kỹ năng thuyết trình rất quan trọng đối với thành công của họ trong công việc. Có kỹ năng thuyết trình và đàm phán tốt không chỉ tăng cơ hội thành công của người lao động mà còn cho phép họ đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Vai trò của kỹ năng thuyết trình còn thể hiện ở vị trí quản lý. Nếu kỹ năng thuyết trình kém, các nhà quản lý sẽ không thể truyền đạt được cảm hứng cho các thành viên trong đội nhóm. Thậm chí là sản phẩm sẽ không bán được, doanh nghiệp cũng sẽ không thu hút được nguồn đầu tư và không thể phát triển được.
Mặc dù vai trò của kỹ năng thuyết trình là rất lớn nhưng nhiều người vẫn mang trong mình nỗi sợ này với một số biểu hiện như: Cảm giác hồi hộp và sợ hãi khi phải thuyết trình trước đám đông, có những suy nghĩ tiêu cực về các tình huống xấu có thể xảy ra với bản thân trong khi đang thuyết trình, căng cơ ở vùng cổ và lưng, nói lí nhí hoặc yếu ớt, thở hổn hển hoặc nói không ra hơi. Những người mang nỗi sợ “nặng hơn” còn có biểu hiện hoảng hốt tột độ khi đang nói hoặc rơi vào tình trạng “tim đập chân run”, mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ bừng,…
Vậy làm thế nào để nâng cao kỹ năng thuyết trình trước đám đông?
Cách rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông
Để vượt qua nỗi sợ mang tên “thuyết trình trước đám đông” là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu kiên trì thực hiện các giải pháp nâng cao kỹ năng thuyết trình dưới đây, kỹ năng của bạn sẽ trở nên nhuần nhuyễn hơn. Qua đó, công việc sẽ trở nên thuận lợi hơn
Tạo các slide trình bày đơn giản
Trên thực tế, nếu slide trình bày nội dung càng khó hiểu, bạn sẽ càng gặp khó khăn trong việc truyền tải các thông điệp, vấn đề đến khán giả. Để nâng cao kỹ năng thuyết trình hiệu quả, bạn nên tạo các slide đơn giản.
Các chuyên gia nói rằng, hãy làm cho kích thước phông chữ của bài thuyết trình gấp đôi độ tuổi trung bình của đối tượng khán giả đang nghe. Có nghĩa là phông chữ trong slide chỉ nằm trong khoảng từ 60 đến 80 pt.
Bên cạnh đó, nội dung các slide nên làm nổi bật các điểm trọng tâm, không bao giờ nên là toàn bộ các điểm chính. Bởi khán giả sẽ chú ý đến slide, lúc này bạn sẽ chẳng còn gì để nói với người nghe khi họ đã tìm thấy các thông tin cần thiết ngay trên slide.
Kiểm tra trước khi trình bày
Khi đã sợ thuyết trình trước đám đông, bất cứ một sự cố nào xảy ra cũng làm cho buổi thuyết trình trở nên tồi tệ hơn. Vì thế, bạn hãy tạo một thói quen đi xung quanh phòng để kiểm tra tầm nhìn, kiểm tra micro và chạy thử bài thuyết trình để đảm bảo nó sẵn sàng hoạt động… Sau khi làm những điều này, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong sự quen thuộc và tăng thêm sự tự tin.
Mở đầu bằng một điều mới mẻ mà khán giả không biết
Khi ngại nói trước đám đông, nếu người nghe không hứng thú, nỗi sợ này lại càng lớn thêm. Khi đó, bạn sẽ khó khăn trong việc thuyết trình của mình. Vì thế, khơi gợi hứng thú, chú ý của người nghe là cách rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông bạn cần chú ý.
Hãy bắt đầu buổi thuyết trình bằng một thông tin thực sự mới mẻ liên quan đến chủ đề của bạn. Ví dụ như: “Bạn có biết khi bạn đỏ mặt, dạ dày của bạn cũng sẽ chuyển sang màu đỏ không?”. Lúc này, nhiều khả năng người nghe sẽ ngẩng cao đầu và nghĩ “Thật sao? Wow ….”, và sẽ chú ý hơn vào bài thuyết trình của bạn.
Cung cấp các thông tin giá trị
Để nâng cao kỹ năng thuyết trình trước đám đông, bạn cần đảm bảo luôn cung cấp cho người nghe các thông tin có giá trị. Cho dù thông điệp hay đến đâu mà người nghe không thể áp dụng vào công việc, cuộc sống thì buổi thuyết trình của bạn cũng không thể thành công được.
Theo Diễn giả Quách Tuấn Khanh – một trong những diễn giả hàng đầu Việt Nam: “thuyết trình cũng là một phương tiện truyền thông, và nhiệm vụ của người thuyết trình là hướng đến lợi ích chung của đám đông, chứ không phải để thể hiện thương hiệu cá nhân. Vì thế, mục tiêu của một bài thuyết trình luôn là để khiến cho người khác thay đổi tốt hơn, hoặc để giải quyết vấn đề đó theo hướng tích cực”.
Vì thế, để đánh tan nỗi sợ thuyết trình trước đám đông bạn cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin trước khi diễn thuyết. Bạn cần biết người nghe của bạn là ai, họ cần gì và điều gì sẽ tác động làm cho họ thay đổi. Bên cạnh đó, trước khi thuyết trình bạn cũng nên “xốc dậy” được sự chú ý của người nghe bằng cách giới thiệu về bản thân, thẩm quyền, và chuyên môn đối với vấn đề sắp trình bày. Khi đó, khán giả sẽ xác định được là họ có nên tin hoặc nên có thái độ như thế nào đối với những thông tin mà bạn sắp nói.
Tạo cảm xúc – cách rèn luyện kỹ năng thuyết trình hiệu quả
Một sai lầm mà nhiều người thuyết trình kém đang mắc phải là chỉ tập trung vào nội dung cần trình bày mà quên mất điều quan trọng là nói như thế nào. Có những nội dung thể chuyển tải hết được qua khối lượng câu chữ ngắn ngủi của bài thuyết trình trong thời lượng khoảng 30 đến 45 phút. Tuy nhiên, nếu kết hợp với cảm xúc được thể hiện trong giọng nói và ngôn ngữ cơ thể khi trình bày, người nghe có thể hiểu được trọn vẹn nội dung mà bạn đang trình bày.
Để rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông, bạn có thể sử dụng bản đồ tư duy, áp dụng các công cụ giọng nói và ngôn ngữ cơ thể để nâng cao khả năng trình bày tốt và truyền đạt được cảm xúc một cách tự nhiên nhất.
Không nên kéo quá dài thời gian thuyết trình
Nếu có 30 phút để trình bày bạn chỉ nên sử dụng 25 phút. Nếu có một giờ, bạn hãy sử dụng 50 phút. Hãy luôn tôn trọng thời gian của khán giả và kết thúc sớm buổi thuyết trình. Để làm được điều này, bạn cần rèn luyện kỹ năng nói trong điểm và nhấn mạnh vào các ý chính cần trình bày. Trên thực tế, người nghe chỉ nghe được khoảng hơn một nửa lượng thông tin bạn cung cấp. Vì thế vào cuối giờ, bạn hãy củng cố và tóm lại các điểm chính để người nghe có thể nắm được các ý mà bạn đang muốn truyền tải.
Tham khảo những người thuyết trình khác
Cách rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông tốt nhất là tham dự càng nhiều buổi thuyết trình trực tiếp càng tốt. Qua đó, bạn có thể học được các kỹ năng nói cũng như phản ứng của cơ thể từ những họ. Bạn có thể tham gia các khóa học kỹ năng thuyết trình, tham khảo các bài giảng kỹ năng thuyết trình được phát trên Youtube.
Việc cải thiện kỹ năng thuyết trình trước đám đông sẽ không thể thực hiện được trong một ngày một đêm, mà sẽ mất rất nhiều công sức và sự nỗ lực từ bạn. Vì thế, bạn hãy kiên trì thực hiện theo các giải pháp trên đây để vượt qua nỗi sợ này. Và xa hơn là tăng cơ hội trở thành một người thuyết trình mà người sẽ yêu thích, đồng thời tạo dựng được thương hiệu cá nhân tích cực trong mắt mọi người xung quanh.
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết bạn đang ứng tuyển vào một công ty tốt
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.