Có rất nhiều phương thức đã được phát triển để cụ thể hóa mục tiêu trên, tuy nhiên hiện nay trên thế giới hình thức phỏng vấn tuyển dụng vẫn được xem là cách tối ưu nhất. Phỏng vấn tuyển dụng là một hình thức hội đáp trực tiếp hoặc gián tiếp giữa nhà tuyển dụng và các ứng viên tiềm năng để trao đổi cụ thể về đặc điểm công việc, năng lực ứng viên, cơ hội phát triển, cũng như mục tiêu của vị trí tuyển dụng.
Thông qua quá trình tiếp xúc trao đổi này, nhà tuyển dụng sẽ trực tiếp nắm rõ được những điểm mạnh, yếu và mục tiêu của ứng viên để đánh giá cho tính phù hợp với vị trí tuyển dụng. Ở phía các ứng viên, họ sẽ có cái nhìn rõ hơn về công việc ứng tuyển, cơ hội phát triển nghề nghiệp bản thân, trúng tuyển vào vị trí mong muốn. Tuy nhiên để thực hiện việc phỏng vấn tuyển dụng đạt hiệu quả tối đa là một mục tiêu rất khó, sau đây là một số lỗi tuyển dụng mà bạn cần tránh gặp phải.
Thiếu sự chuẩn bị
Việc thiếu sự chuẩn bị kỹ càng, không hiểu rõ yêu cầu của công việc sẽ đưa đến những đánh giá sai lầm trong tuyển dụng. Việc lập dàn ý, hay những bản phác thảo trước khi thực hiện một buổi trao đổi, hoặc vấn đáp là rất cần thiết nếu bạn muốn đạt hiệu quả tốt, cũng như sự thể hiện một cách chỉn chu.
Trong mọi việc kể cả tuyển dụng, đây luôn là một bước quan trọng. Dù làm bất cứ vấn đề gì, việc chuẩn bị luôn là yếu tố cần thiết và quan trọng. Sự chuẩn bị cần được thể hiện trong cả quy trình, từ việc liên hệ ứng viên cho đến sắp xếp buổi phỏng vấn, lên các câu hỏi chương trình tuyển dụng, bạn nên lập sẵn những phương án ứng phó cho các vấn đề phát sinh để đảm bảo việc tuyển dụng trơn tru, thể hiện sự chuyên nghiệp, nghiêm túc của tổ chức.
Xu hướng tự thuyết phục
Đây là rủi ro tiềm ẩn mà rất nhiều những nhà tuyển dụng gặp phải, ấn tượng đầu tiên thường có yếu tố quyết định trong việc đánh giá tổng thể sự phù hợp của các ứng viên. Tâm lý này không hoàn toàn sai khi bạn nhìn vào sự chuyên nghiệp, nghiêm túc của ứng viên.
Tuy nhiên, việc phán xét một cách cảm tính hay việc tự thuyết phục bản thân tin vào những giả thuyết chủ quan là một sai lầm nghiêm trọng trong việc tuyển dụng. Đứng ở góc độ tuyển dụng, bạn cần đánh giá ứng viên một cách khách quan nhất, bạn không thể đặt giả định về năng lực sáng tạo, hay cá tính thể hiện qua ấn tượng đầu tiên với ứng viên, hoặc năng lực chuyên môn, tính phù hợp với công việc thông qua những chỉ số chuyên môn tổng quát. Tất cả các đánh giá đều phải dựa trên cơ sở rõ ràng, công bằng và nên tránh các nhận định cảm tính ảnh hưởng đến kết quả.
Khuynh hướng so sánh
Trong một buổi phỏng vấn, bên cạnh việc những ấn tượng tích cực ảnh hưởng đến kết quả, khuynh hướng so sánh cũng mang đến những tác động tương tự. Đôi lúc việc đưa ra các so sánh giữa bản thân và các ứng viên, hay sự đố kỵ bởi sự vượt trội của các ứng viên trong một số lĩnh vực nào đó hoàn toàn có thể diễn ra, điều đó tạo nên phán đoán chủ quan cùng thái độ thiếu tích cực.
Khi bạn đặt những cảm xúc, so sánh cá nhân vào quy trình tuyển dụng, bạn sẽ không chỉ giới hạn cơ hội phát triển của các cá nhân khác mà còn tạo nên khó khăn cho sự phát triển của công ty. Mỗi cá nhân với những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau kết hợp mới tạo nên một tổ chức hoạt động hiệu quả.
Kết luận vội vàng
Hình thức tối ưu hóa nhân sự trong thời buổi hiện nay khiến vai trò của các nhân viên nhân sự và tuyển dụng gộp lại làm một. Điều đó đặt ra vấn đề rằng những nhà tuyển dụng không có đầy đủ kiến thức về một chuyên ngành đặc thù hoàn toàn có thể đưa ra các quyết định sai khi nhận định về khả năng của các ứng viên.
Hầu hết nhiều nhà tuyển dụng thường đưa ra quyết định chấp nhận, hoặc từ chối chỉ trong vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ. Thang đo đánh giá năng lực của các ứng viên có thể chưa được hoàn thiện chỉ trong thời gian quá ngắn. Những đánh giá chi tiết cùng việc tham khảo những ý kiến mang tính chuyên môn, đặc thù về vị trí ứng tuyển sẽ cho đến những câu trả lời hiệu quả hơn.
Không đi sâu vào câu hỏi hành vi
Việc đẩy nhanh quy trình tuyển dụng sẽ làm ảnh hưởng đến những quy trình khác cũng quan trọng không kém. Đi sâu vào các câu hỏi hành vi không chỉ giúp bạn đánh giá tính linh hoạt, thích ứng của ứng viên, mà còn giúp bạn đánh giá tính cách, năng lực xử lý tình huống của họ.
Đôi lúc sự phù hợp của nhân viên không thể hiện qua kinh nghiệm làm việc trong quá khứ mà nằm ở cách thức tư duy, giải quyết vấn đề công việc. Một vài ứng viên tiềm năng hoàn toàn có thể đã chọn những vị trí sai trước đây, nơi họ không phát triển trọn vẹn năng lực, do vậy nên đừng đánh giá vội vàng về khả năng, tính thích nghi của họ với vị trí ứng tuyển.
Ứng viên hoàn hảo
Sự hoàn hảo trong tuyển dụng là một khái niệm rất khó xác định. Quy trình tuyển dụng được thực hiện bởi con người, nơi mỗi cá nhân sẽ có những yêu cầu khác nhau về sự hoàn hảo. Kể cả những phép tính về kiến thức, kiểm tra cũng có thể có những sai số ít nhiều, do vậy nên điều này gần như là không thể. Thay vào đó, bạn hãy tìm người phù hợp nhất trong số những người ứng tuyển, một vị trí hoàn hảo chỉ có thể kiểm định thông qua thời gian, khi mà ứng viên thích nghi và chứng tỏ được năng lực làm việc của bản thân.
Quy trình tuyển dụng đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của công ty, thông qua tuyển dụng còn là cách để đào tạo, quảng bá hình ảnh, sự chuyên nghiệp của tổ chức. Đặc biệt, trong mọi hoàn cảnh, yếu tố con người luôn được xem là nguồn lực tối quan trọng của bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức nào.
>> Xem thêm: Những điều nhân viên kỳ vọng nhất trong năm 2022
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.