Tài chính cá nhân là gì?
Định nghĩa một cách đơn giản: “Tài chính cá nhân là phần tiền mà mỗi người tự quản lý và chịu trách nhiệm”. Cuộc sống của mỗi người có 4 bước cơ bản liên quan đến tiền bạc. Đó là kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Chúng ta cần học cách thực hiện các bước kể trên sao cho hiệu quả nhất, và nên học bất cứ khi nào có thể.
Phân bổ chi tiêu thế nào cho hợp lý?
Một quy tắc quản lý tài chính cá nhân gọi là 50/30/20. Trong đó, 50% thu nhập hàng tháng sẽ được chi tiêu cho các khoản phí cố định, 30% dành cho sở thích và nhu cầu cá nhân, 20% còn lại dành cho tiết kiệm và đầu tư. Đây là một phương pháp quản lý tài chính phổ biến, nhưng không phải là “đáp số chung”. Bởi lẽ, mỗi người sẽ có thu nhập và những khoản chi phí khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thể dựa vào đó để viết ra một công thức phù hợp nhất.
Trong quy tắc này, hai chiếc chảo dành cho chi phí cố định và sinh hoạt sẽ được ưu tiên hàng đầu. Chiếc chảo đầu tiên là chi tiêu cần thiết để duy trì cuộc sống như tiền nhà, tiền điện, tiền nước… Số tiền dành cho chiếc chảo thứ hai sẽ phụ thuộc vào lối sống cũng như sở thích ăn – uống – mặc của mỗi người. Nói chung, chúng ta cần “đầu tư cho bản thân mình trước”.
Ưu tiên thứ ba là chiếc chảo dành cho giải trí, tức là những hoạt động giúp giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh nỗ lực thì một tinh thần vui vẻ cũng giúp chúng ta tăng hiệu quả công việc. Chiếc chảo thứ tư sẽ dùng để duy trì những mối quan hệ xã hội, như tiệc tùng hay đám cỗ. Và chiếc chảo cuối cùng là khoản tiền dự phòng và tích lũy.
Làm sao tránh được cám dỗ mua sắm để tiết kiệm hiệu quả?
Trong mùa dịch này, bất kỳ ai cũng đều cảm nhận được sự bấp bênh trong thu nhập. Vì thế, điều trước tiên chúng ta cần làm là thay đổi mức chi tiêu. Giai đoạn này là cơ hội để bạn nhìn lại và điều chỉnh kế hoạch tài chính, ví dụ như cắt giảm những khoản chi không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lên kế hoạch cho những tình huống xấu nhất trong thời gian sắp tới.
Quản lý và điều chỉnh chi tiêu không phải là một việc dễ dàng. Trong thời gian này, chúng ta rất dễ rơi vào “cái bẫy” khuyến mãi của các sàn thương mại điện tử, khiến chi tiêu không những không giảm xuống mà còn tăng cao.Một chuỗi quy tắc có thể giúp bạn tránh khỏi chiếc bẫy này.
Quy tắc đầu tiên gọi là 2F, bao gồm function (chức năng) và fashion (xu hướng). Trước khi mua hàng, bạn hãy xác định bản thân đang mua sản phẩm vì lý do nào. Nếu là vì chức năng, bạn có thể tiếp tục thanh toán. Khi bạn chỉ mua vì thấy thích, hãy tự đặt ra câu hỏi “Không có có không”, tức là “Không có (món đồ đó) thì (mình) có sao không?”. Sau câu hỏi ấy, nếu vẫn còn phân vân, bạn có thể áp dụng thêm quy tắc 72 giờ. Hãy để sản phẩm muốn mua vào giỏ hàng và chờ trong ba ngày. Sau thời gian chờ đợi, nếu bạn vẫn muốn có sản phẩm ấy thì hãy mua nó. Việc thực hiện lần lượt ba bước kể trên sẽ giúp ham muốn mua sắm nhất thời vơi đi rất nhiều.
Đâu là kênh tiết kiệm phù hợp nhất?
Tiết kiệm là một vấn đề tài chính nhận được rất nhiều sự quan tâm. Chia sẻ về cách tiết kiệm hiệu quả, bạn tự đặt ra nguyên tắc với bản thân. Nếu bạn có ý định tích lũy 10% thu nhập hàng tháng, hãy bỏ ngay phần tiền ấy sang một bên sau khi nhận lương và chi tiêu trong phần còn lại. Nhiều người nghĩ rằng họ sẽ tiết kiệm khoản tiền dư sau khi chi trả mọi chi phí. Tuy nhiên, cách làm này rất khó thành công.
Gửi ngân hàng là một trong những kênh tiết kiệm được nhiều người tin tưởng nhất. Đây thực chất là một kênh đầu tư thụ động, nghĩa là chúng ta chỉ cần “ngồi yên” mà tiền vẫn sinh lời. Vì vậy, nó rất thích hợp với những ai ngại rủi ro. Ngoài ra, việc mua và trữ vàng cũng là một phương án đầu tư thụ động mà bạn có thể cân nhắc. Tuy nhiên, chúng ta không nên dự trữ ngoại tệ vì dễ phát sinh các vấn đề ngoài ý muốn.
Thế nào là đầu tư thông minh?
Khi nói về đầu tư, chúng ta thường nghĩ đến các sàn chứng khoán. Ở đây, trái phiếu an toàn nhưng mang về ít lợi nhuận hơn cổ phiếu, và ngược lại. Bạn có thể cân nhắc, lựa chọn theo sở thích. Đây là các kênh đầu tư chủ động, nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro. Nhìn chung, để đầu tư chứng khoán hiệu quả, bạn cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, đánh giá sáng suốt và tâm lý vững vàng.
Mặt khác, nếu chưa hiểu rõ thị trường hoặc không muốn có quá nhiều rủi ro, bạn nên lựa chọn những phương án đơn giản hơn. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cung cấp các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe kết hợp với đầu tư tài chính. Đây là một kênh đầu tư nên dùng, vì bạn sẽ có sự đảm bảo ở cả hai mặt tài chính và sức khỏe. Loại sản phẩm này cũng phù hợp với những ai có khẩu vị rủi ro ở mức trung bình.
Trước đây, người ta thường nghĩ chỉ có người giàu mới “đi đầu tư”. Trái với suy nghĩ đó, nhiều bạn trẻ chưa mạnh về tài chính, đặc biệt là sinh viên, cũng bắt đầu quan tâm đến đầu tư trong thời gian gần đây. Các bạn sinh viên nên xem đầu tư là một cách tìm hiểu thị trường và tích lũy dài hạn, không phải công cụ kiếm tiền. Bạn nên phân tán thu nhập vào nhiều kênh khác nhau như chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu hay cổ phiếu. Ngoài ra, hãy lựa chọn các công ty mà bạn có thể thấy được, sờ được sản phẩm. Thông qua đó, bạn có thể biết dòng tiền của mình đang “chảy” về đâu. Quá trình tự tìm hiểu này sẽ giúp bạn kết luận được đâu là kênh đầu tư hiệu quả nhất, cũng như phù hợp với bản thân bạn nhất.
Những cuốn sách về tài chính cho người mới bắt đầu
Cha giàu, cha nghèo – Robert Kiyosaki
Suy nghĩ và làm giàu – Napoleon Hill
Nhà đầu tư thông minh – Benjamin Graham
Các ứng dụng quản lý tài chính hiệu quả
Money Lover
Sổ thu chi MISA (MISA Money Keeper)
>Xem thêm: Phương pháp phân bổ chi phí: Lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn
— HR Insider/Theo Elleman.vn —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.