Digital Marketing là gì?
Theo Philips Kotler: “Digital marketing là quá trình lập kế hoạch về sản phẩm, giá, phân phối và xúc tiến đối với sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của tổ chức hoặc cá nhân dựa trên các phương tiện điện tử và Internet”.
Theo Wikipedia, Digital Marketing (Tiếp thị kỹ thuật số) là việc sử dụng Internet, thiết bị di động, phương tiện truyền thông xã hội, công cụ tìm kiếm và các kênh khác để tiếp cận người tiêu dùng.
Hiểu theo cách đơn giản, Digital Marketing là các hoạt động marketing trên nền tảng kỹ thuật số bao gồm thiết bị điện tử và internet.
Tầm quan trọng của Digital Marketing
Hiện nay, Digital Marketing đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong các chiến lược marketing của các thương hiệu, doanh nghiệp. So với các marketing truyền thống, Digital Marketing giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được đối tượng khách hàng tiềm năng hơn, nhắm đúng mục tiêu người dùng hơn. Bên cạnh đó, việc cân đối, phân bố ngân sách cũng linh hoạt hơn, doanh nghiệp có thể điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn và kết quả của chiến dịch marketing.
Vai trò quan trọng của Digital Marketing có thể kể đến như:
- Tăng khả năng nhắm đúng khách hàng mục tiêu chính xác, tỉ lệ mua hàng cao hơn.
- Tối ưu chi phí quảng cáo một cách hiệu quả bằng cách chủ động tùy chỉnh ngân sách theo từng ngày, từng thời điểm.
- Tiếp cận với khách hàng tiềm năng nhanh hơn, độ phủ thương hiệu lớn hơn.
- Khả năng đo lường hiệu quả với các công cụ phân tích kỹ thuật số (digital analytics tools).
- Đa dạng loại hình tiếp thị để doanh nghiệp lựa chọn và tiếp cận với người dùng.
Các loại hình Digital Marketing phổ biến hiện nay
- SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm): Mục tiêu của hình thức này là giúp website dành được thứ hạng cao trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Qua đó, website sẽ thu hút được lượng truy cập miễn phí cao hơn. Để làm được điều này, người làm SEO cần thực hiện các chiến lược tối ưu SEO onpage, SEO offpage, Technical SEO.
- PPC (Pay per click – trả tiền cho mỗi nhấp chuột): là phương pháp thu hút lượng truy cập theo lượt nhấp quảng cáo. Điều này có nghĩa là khi người dùng nhấp vào quảng cáo, doanh nghiệp sẽ bị mất tiền. Các hình thức quảng cáo PPC bao gồm: Google Adwords, quảng cáo trên Facebook, Quảng cáo trên Tiktok, Quảng cáo trên Twitter hay Tin nhắn được tài trợ trên LinkedIn.
- Content Marketing: là hình thức tiếp thị nội dung thông qua cách kể chuyện và chia sẻ các thông tin hữu ích nhằm mục đích tăng nhận thức về thương hiệu. Nó được thể hiện qua các loại hình như: Viết Blog, Video, Podcast, Infographic, Ebook và whitepapers.
- Social Media Marketing: là quá trình sản xuất nội dung phù hợp cho từng nền tảng xã hội để thúc đẩy sự tương tác và quảng bá thương hiệu. Các kênh Social Media Marketing bao gồm: Facebook, LinkedIn, Instagram, Twitter, Snapchat, Pinterest.
- Affiliate Marketing – Tiếp thị liên kết: là quá trình đơn vị liên kết tìm kiếm, quảng bá, bán sản phẩm và ăn hoa hồng trên mỗi lần bán sản phẩm của doanh nghiệp. Tiên phong trong lĩnh vực làm Affiliate Marketing tại Việt Nam là công ty AccessTrade.
- Email marketing: là hình thức gửi một email thương mại đến những người đã đăng ký nhận email từ bạn. Mục đích của hình thức này là thông báo các thông tin như sản phẩm mới, ưu đãi,… để thúc đẩy bán hàng và xây dựng cộng đồng trung thành với thương hiệu của doanh nghiệp.
- PR Online: là các hoạt động truyền thông qua các kênh truyền thông trực tuyến có sẵn. Đó có thể là báo điện tử, trang tin điện tử, blog, website, hoặc đôi lúc là kết hợp với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng.
Ngoài ra, Digital Marketing còn bao gồm: Native Advertising, Marketing Automation, Sponsored Content, Inbound marketing.
Kỹ năng cần có của người làm Digital Marketing
- Video: Bạn không nhất thiết phải trở thành nhà sản xuất video nhưng cần biết về cách lên kịch bản, cách sử dụng các nền tảng và ứng dụng tạo video, cách tăng sự hấp dẫn cho video.
- SEO & SEM: Bạn cần hiểu các nguyên lý cơ bản, tầm quan trọng và các chiến lược triển khai SEO.
- Content Marketing: Hiểu rõ về các khía cạnh của content, cách tạo ra nội dung, hiệu quả mang lại và cách sử dụng tốt nhất sẽ giúp bạn đảm nhiệm tốt bất cứ vai trò nào trong Digital Marketing.
- Đọc hiểu và phân tích dữ liệu: Bạn cần biết về Google Analytics và đọc hiểu các chỉ số trong báo cáo để không bỏ lỡ các thông tin quan trọng để đưa ra các giải pháp giúp tăng tỉ lệ chuyển đổi và thu hút thêm nhiều lưu lượng truy cập.
- Design Thinking: Thấu hiểu tâm lý và hành vi của người dùng sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm hiệu quả hơn.
- Yêu thích công nghệ: Để không “lạc quẻ” trong ngành, bạn phải hiểu rõ về những công nghệ mới nhất được cập nhật, cách nó đang được sử dụng trong hoạt động digital.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Digital Marketing là cả một quá trình dài, là sự kết hợp của rất nhiều nhân sự tham gia. Vì thế, làm việc nhóm là kỹ năng không thể thiếu đối với các Digital Marketer.
Các vị trí công việc trong ngành Digital Marketing
Để dẫn thân vào ngành, bạn có thể bắt đầu với một số vị trí công việc như:
- Quản lý SEO – SEO Manager
- Chuyên gia nội dung – Content Marketing Specialist
- Người quản lý truyền thông xã hội – Social Media Manager
- Điều phối viên tự động hóa – Marketing Automation Coordinator
- Quản lý digital – Digital Marketing Manager
Ngoài ra, dù bất kỳ vị trí nào trong nghề, bạn cũng cần biết cách tạo chiến lược Digital Marketing. Các bước tạo triển khai một kế hoạch hành động trên các kênh digital bao gồm:
- Xây dựng chân dung khách hàng: nhân khẩu học (Vị trí sinh sống, tuổi, việc làm, thu nhập), hành vi, sở thích
- Thiết lập mục tiêu: Bạn cần trả lời các vấn đề như “bạn muốn đạt được những gì?”, “Khi nào bạn đạt được những điều đó?”, “đo lường kết quả như thế nào?”…
- Kiểm tra chiến lược hiện tại: Bao gồm Paid Media, Owned Media và Earned Media.
- Thiết lập ngân sách: Xác định tổng ngân sách và chi phí cho từng kênh.
Trên đây là các thông tin, kiến thức tổng quát nhất về Digital Marketing, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu, học tập và định hướng nghề nghiệp cho bản thân.
Xem thêm: Người hướng nội làm thế nào để trở thành Sales giỏi?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.