Gen Z được nhắc đến như một thế hệ trẻ sớm được tiếp xúc với cách mạng về công nghệ. Đây cũng là thế hệ có sức mua tăng nhanh nhất, nhưng để tiếp cận được nhóm khách hàng tiềm năng này lại là một vấn đề nan giải với các Marketer, trong đó có những nhà sáng tạo nội dung. Nắm và hiểu được insight Gen Z là những gì bạn cần thiết phải biết để tạo nên những content thực sự “thu phục” được các đối tượng khách hàng này.
Những khác biệt trong suy nghĩ mua hàng của Gen Z
Nhóm khách hàng thuộc các thế hệ trước (từ 1996 trở đi) thường bị hấp dẫn bởi các món hàng có tên tuổi, thương hiệu và họ thường trung thành với 1 vài thương hiệu nào đó. Song, điều này lại không phải là yếu tố quyết định hành vi mua hàng của Gen Z. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến những món hàng “hời” về giá hơn.
Ý thức về việc mua những món hàng với giá tốt càng được thể hiện rõ ràng hơn trong 1 năm vừa qua, khi mà tại Việt Nam và trên toàn cầu đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Các thương hiệu, các cửa hàng đều phải tìm cách thay đổi phương thức kinh doanh sang hình thức trực tuyến đồng thời với việc tung ra các chính sách hấp dẫn về giá.
Đối với việc xây dựng nội dung, các nhãn hàng còn phải chứng minh được giá trị có liên quan và thực sự cần thiết với họ.
Nhiều chuyên gia quảng cáo cũng chỉ ra rằng tuy là hai thế hệ gần nhau nhưng Gen Z và Millennials (sinh từ năm 1980 đến 1990) có insight không hề giống nhau đối với việc tiếp cận và mua một sản phẩm.
Theo đó, Gen Z có hành vi tiêu dùng khá độc đáo. Gen Z lớn lên giữa thời đại của công nghệ, của smartphone và các thiết bị điện tử khác. Do đó, các quảng cáo và nội dung quảng cáo bắt buộc phải có tính xu hướng mới có thể thu hút hoặc chiếm được cảm tình của họ, trong khi Millennials có thể không thực sự cần điều đó.
Cách tạo nội dung tiếp cận Gen Z
Chọn nền tảng tiếp cận phù hợp
Quảng cáo ở đâu, tiếp thị ở đâu? Đó là câu hỏi đầu tiên mà các nhà sáng tạo nội dung cần phải trả lời được. Như chúng tôi đã luôn nhấn mạnh từ đầu, Gen Z có thế mạnh và sự nhạy bén với công nghệ.
Hiện nay, các ứng dụng mạng xã hội như Facebook và gần đây đặc biệt phải kể đến Tik tok đang là những nền tảng tuyệt vời giúp bạn đến gần hơn với nhóm đối tượng trẻ này. Để tạo nội dung trên các nền tảng này, bạn cần chú ý vào 3 yếu tố:
- Xác định nhân khẩu học (tức các yếu tố về khu vực sinh sống, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp)…
- Loại nội dung nào cần được ưu tiên (hình ảnh, bài viết, video ngắn, video dài…)
- Nên tận dụng nhân vật có sức ảnh hưởng (KOLs, influencer…) nào để tạo sự thu hút và độ tin cậy tốt nhất
Content is King – Chiến lược xây dựng nội dung phù hợp cho từng nền tảng
Khi đã xác định được nền tảng để thực hiện chiến dịch tiếp thị, hãy tạo một chiến dịch nội dung bài bản để từng bước thu phục khách hàng của mình.
Chẳng hạn, Facebook là một nền tảng tốt và bạn có thể tận dụng không gian này để tạo nên những bài viết mang tính thảo luận nhằm thu hút người đọc, bắt trend bằng các hình vẽ hài hước hoặc lồng ghép sản phẩm vào các hội nhóm đang có nhiều thành viên tham gia.
So với nhiều nền tảng mạng xã hội khác, Facebook là nơi mà người dùng tiếp cận được với nhiều thông tin nhất. Do đó, nếu muốn truyền đạt nhiều thông tin bằng ngôn từ, hãy tận dụng tối đa lợi thế từ Facebook.
Đối với Instagram, hãy kể những câu chuyện của bạn bằng hình ảnh.
Hay đối với Tik tok, đây là mảnh đất để phô diễn tài năng của những nhà sáng tạo nội dung và dựng video. Đặc biệt, tạo nội dung có âm thanh, nhạc như video đang được các chuyên gia quảng cáo cho rằng là phương pháp mang đến hiệu quả tối ưu nhất.
“Chúng tôi luôn khuyến khích phương pháp sáng tạo nội dung bằng video bởi Gen Z dành trung bình đến 3.5h/ngày chỉ để xem video trên các nền tảng khác nhau”, một chuyên gia cho hay.
Song, điều quan trọng mà các content creator cần lưu ý là bạn chỉ có 6-8s để thu hút sự chú ý của người xem. Do đó, xu hướng hiện nay đang là các video ngắn và có điểm hấp dẫn ngay trong 6-8s đầu tiên.
Quảng cáo tự nhiên
Nhiều nhãn hiệu rất mong muốn thông qua quảng cáo (và số tiền lớn mà họ bỏ ra), người xem sẽ nhớ đến tên tuổi của mình. Song, nếu khư khư giữ mục tiêu này một cách cứng nhắc và nhồi nhét tên thương hiệu vào quảng cáo, chắc chắn người xem sẽ cảm thấy nhàm chán và nhận ra ngay các “mánh khóe quảng cáo” của bạn.
Thay vào đó, hãy bắt đầu một cách tự nhiên và kết thúc bằng một thông điệp khéo léo có liên quan đến sản phẩm của bạn. Hãy yên tâm rằng khi nội dung của bạn đủ tốt và độ lan truyền đủ rộng thì dù không nhắc nhiều đến tên thương hiệu trong quảng cáo, sản phẩm và tên tuổi của thương hiệu vẫn đọng lại trong tâm trí của người từng xem qua chúng.
Tận dụng người có sức ảnh hưởng, người nổi tiếng
Gen Z có sự quan tâm đặc biệt đến những người nổi tiếng. Họ không hẳn là những “fan cuồng”, song họ có niềm tin và thường xuyên theo dõi phản ứng của những người nổi tiếng đối với các sản phẩm.
Do đó, hãy làm việc cùng người nổi tiếng để đưa thương hiệu của bạn vào các nội dung do học xây dựng. Khi đó, bạn sẽ được 2 cái lợi: người nổi tiếng sẽ giúp sản phẩm của bạn được nhiều người biết đến hơn (vì người nổi tiếng luôn có lượng người theo dõi cao) và sản phẩm của bạn sẽ tạo được một sự tin tưởng nhất định nào đó về chất lượng (vì được người nổi tiếng lựa chọn sử dụng).
Hãy để Gen Z cùng bạn sáng tạo nội dung
Gen Z cực kỳ nhạy với các xu hướng. Họ bắt trend nhanh và cũng thích thực hiện các trend. Do đó, trong chiến dịch quảng cáo, bên cạnh việc đưa các nội dung gần gũi khiến Gen Z thấy được hình ảnh của mình trong đó, bạn hãy tạo ra một nội dung tạo được tương tác giữa sản phẩm và người tiêu dùng. Chẳng hạn như các minigame cũng đang chứng minh được hiệu quả tương tác này rất tốt.
Cuối cùng, chúng tôi muốn nhắn gửi đến bạn rằng, tạo nội dung suy cho cùng chính là công việc tạo thông điệp hay câu chuyện khiến khán giả thấy như đó là câu chuyện của mình. Quảng cáo ngày càng trở nên gần gũi với người xem và nội dung cũng nên như thế. Chân thật, gần gũi cùng với yếu tố xu hướng sẽ giúp quảng cáo của bạn có sức hút nhiều hơn.
>>> Xem thêm:5 xu hướng Instagram Marketing hứa hẹn bùng nổ trong thời gian tới
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.