Trong thời đại ngày nay, mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người làm công không còn là mối quan hệ “chủ-tớ”. Cùng với sự phát triển ngày càng cao về trình độ và kỹ năng của nhân sự, nhân viên cũng tìm kiếm nhiều giá trị tinh thần trong môi trường làm việc bên cạnh những lợi ích về mặt tài chính trong công việc. Mức độ hài lòng của người làm công, vì vậy, sẽ bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. Để giữ được “lửa” nhiệt huyết cho nhân viên, lãnh đạo hay cấp quản lý cần hiểu rất rõ tâm lý của từng cá nhân để có cách tiếp cận và dẫn dắt nhân viên hiệu quả nhất.
1. Cởi mở và thẳng thắn với nhân viên ngay từ đầu
Hầu hết các lãnh đạo, cấp quản lý hiện nay chỉ bắt đầu có ý thức chia sẻ cởi mở hơn với nhân viên về định hướng công ty và tính chất công việc khi nhân viên đó đã chính thức trở thành một thành viên trong đội. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít nhân sự đã nộp đơn xin nghỉ chỉ sau hai tháng thử việc với lý do chính vẫn là không phù hợp với văn hóa công ty hay với “sếp” trực tiếp. Vì vậy, để tránh mất thời gian cho cả hai bên, các lãnh đạo và cấp quản lý nên cởi mở hơn để chia sẻ không chỉ là những mặt tốt đẹp của công việc mà cả những “góc khuất”, những thử thách mà nhân viên có thể phải đối mặt nếu nhận công việc này. Đồng thời, lãnh đạo và cấp quản lý cũng nên thẳng thắn đưa ra những kỳ vọng của bản thân đối với nhân viên để tránh những xung đột trong khi làm việc chung.
2. Trao cho nhân viên quyền tự chủ nhiều hơn
Quá sa đà vào những điều nhỏ nhặt khi quản lý nhân viên chính là một trong những điểm yếu của những nhà quản lý tồi, góp phần làm nên văn hóa doanh nghiệp tiêu cực. Hãy xây dựng môi trường làm việc “mở”, cho phép nhân viên có không gian để tự xử lý công việc. Thêm nữa, hãy tạo điều kiện để đội ngũ chủ động tìm ra giải pháp khi gặp vấn đề khó. Bởi không một nhân viên nào thích bị quản lý từ những việc nhỏ nhất.
Nếu chính sách công ty cho phép, lãnh đạo và cấp quản lý cũng nên tạo điều kiện cho nhân viên linh hoạt sắp xếp thời gian làm việc, miễn sao đảm bảo được kết quả công việc. Mỗi nhân viên ngoài giờ làm việc còn có những trách nhiệm khác nhau với gia đình, xã hội vì vậy khung giờ làm việc linh hoạt sẽ giúp nhân viên tập trung làm việc tốt hơn.
3. Đề cao phong cách làm việc hiệu quả
Các cuộc họp triền miên không những không giải quyết được công việc mà còn khiến tinh thần của nhân viên đi xuống. 10 phút trong một cuộc họp của 6 người sẽ là 60 phút của công ty. Do vậy, hãy cân nhắc thành phần tham gia và hạn chế tối đa số lượng và độ dài các cuộc họp.
Không chỉ là các cuộc họp, lãnh đạo và cấp quản lý cần có ý thức luôn luôn tìm kiếm sự cải tiến trong công việc hàng ngày để sao cho đạt được kết quả tốt nhất với nguồn lực phù hợp.
4. Có tầm nhìn và chiến lược cụ thể
Điều hiển nhiên là tầm nhìn và chiến lược là nhiệm vụ của nhà lãnh đạo và cấp quản lý. Bất kỳ tổ chức hay đội nhóm nào muốn tiến xa đều cần có chiến lược rõ ràng. Để tạo nên sự nhất quán trong mọi hành động, tầm nhìn và chiến lược cần được kịp thời và thường xuyên cập nhật cho nhân viên các cấp. Điều này còn giúp tạo động lực cho nhân viên, gắn kết mọi người nhau để đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp.
5. Khuyến khích các hoạt động tập thể
Hòa nhập với tập thể là yếu tố quan trọng của hạnh phúc và niềm vui. Nhà quản lý nên tạo điều kiện để nhân viên có cơ hội xích lại gần nhau hơn bằng cách sắp xếp lại không gian văn phòng hợp lý, khuyến khích mọi người cùng ăn trưa hay tổ chức sinh nhật tập thể cho nhân viên.
Nhà quản lý chỉ cần mang đến những bất ngờ nho nhỏ như vài cốc cà phê hay một chút quà bánh vào giờ nghỉ cũng đủ để nhân viên vui vẻ và cảm thấy được trân trọng. Vào ngày lễ hoặc các dịp đặc biệt, bạn nên cùng nhân viên tổ chức các buổi tiệc nhỏ tại công ty hoặc bên ngoài để mọi người hiểu nhau hơn và hợp tác tốt hơn trong công việc.
6. Quan tâm tới sức khỏe của nhân viên
Sức khỏe không tốt không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động của công ty, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bản thân nhân viên.
Cấp quản lý cần khuyến khích nhân viên quan tâm hơn đến sức khỏe của chính mình. Vài bài viết về sức khỏe được cập nhật trên bảng tin hàng tuần sẽ giúp nhân viên nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của sức khỏe. Khuyến khích nhân viên chơi thể thao bằng các cuộc thi nội bộ hay phát thẻ tập thể thao miễn phí. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài hay các tổ chức quy mô lớn đều có chương trình chăm sóc sức khỏe định kỳ cho nhân viên, mua thêm bảo hiểm y tế 24/7 và tổ chức các câu lạc bộ thể thao ngoài giờ làm như lớp tập yoga, lớp dạy nhảy,… Có không ít doanh nghiệp trang bị một nhà bếp đơn giản hoặc lò vi sóng để nhân viên có thể hâm nóng bữa trưa đã chuẩn bị từ nhà.
7. Tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và phát triển
Công việc không chỉ mang đến nguồn thu nhập mà còn tạo cơ hội để nhân viên học hỏi và phát triển. Điều mà người lao động quan tâm không chỉ là lương thưởng mà là cơ hội phát triển và được cấp trên công nhận năng lực. Nhà quản lý nên tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho nhân viên, khuyến khích nhân viên học hỏi các kỹ năng mới. Không học hỏi được điều gì mới hoặc cứ mãi làm một nhiệm vụ khiến nhân viên dễ chán nản và đánh mất động lực làm việc.
8. Lương thưởng rõ ràng và đủ cạnh tranh
Không thể phủ nhận rằng dù nhân viên có nhiệt huyết và có lý tưởng đến đâu thì một trong những yếu tố thúc đẩy họ đi làm cũng là thu nhập hàng tháng. Theo khảo sát được thực hiện bởi Profiles International, có khoảng 15% số người được hỏi rời bỏ công ty vì yếu tố tiền bạc. Mức lương là một nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng tới các quyết định của nhân viên. Nhưng sau khi đã đạt được một mức lương nhất định và phù hợp thì động lực thúc đẩy họ thường có thể thay đổi: những thách thức đến từ công việc, cơ hội được học hỏi và được cống hiến.
GIỚI THIỆU CHUỖI BÀI VIẾT KỸ NĂNG CHUYÊN NGÀNH ĐỘC QUYỀN TỪ ACCA – HIỆP HỘI KẾ TOÁN CÔNG CHỨNG ANH QUỐC:
Với mục tiêu trở thành trang thông tin hữu ích giúp người tìm việc trong mọi ngành nghề nắm bắt được những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thăng tiến trong công việc, HR Insider cho ra đời chuyên mục Kỹ Năng Chuyên Ngành. Trong chuyên mục này, HR Insider kết hợp với ACCA – Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc gửi đến bạn những bài viết độc quyền đến từ các hội viên là các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng…, cung cấp kiến thức và kỹ năng phù hợp nhất với những người đang làm việc trong các chuyên ngành này. Mời bạn tiếp tục đón đọc những bài viết hữu ích khác của HR Insider và ACCA trong thời gian tới.
— HR Insider / ACCA —
Xem thêm các công việc ngành Tài Chính/Đầu Tư hấp dẫn tại www.vietnamworks.com
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.