Lập danh sách những món cần mua
Dù bạn có mua sắm trực tiếp hay mua hàng online, ở đâu cũng có hàng trăm sản phẩm đa dạng để thu hút bạn phải chi tiền ra mua, mặc dù món hàng đó không có trong nhu cầu sử dụng của bạn.
Do đó, bạn nên kiểm tra trước những gì bản thân đang thiếu và lập một danh sách những đồ vật cần mua. Hãy lập một danh sách theo thứ tự ưu tiên của bản thân và xác định một khoản tiền cụ thể cho mỗi lần mua sắm. Nhờ vào cách này, bạn sẽ tiết kiệm không những về tiền bạc mà còn về thời gian, hạn chế khả năng bị phân tâm bởi những món hàng khác.
Tận dụng những ưu đãi của các bên Thanh toán trung gian như Ví điện tử/ thẻ tín dụng
Vào lần tới, nếu nhận được email hoặc thông báo của nhà cung cấp thẻ tín dụng, ứng dụng ngân hàng online hay ví điện tử, đừng vội xóa hay bỏ qua nó. Bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền nếu thường xuyên kiểm tra các chương trình ưu đãi liên kết với phương thức thanh toán mà mình đăng ký.
Săn sale thông minh
“Săn sale” đã trở thành thuật ngữ quen thuộc đối với các tín đồ mua sắm online. “Ngày hội siêu sale” là ngày hội diễn ra thường xuyên và được mong chờ nhất trên các trang thương mại điện tử. Có rất nhiều lý do để sale: Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, Valentine, ngày lễ 30/4 – 1/5, ngày lễ Quốc Khánh 2/9, ngày lễ độc thân 11/11, Black Friday, Cyber Monday, Back to school, Final Clearance, Flash Sale… Chưa kể, những ngày có cặp số trùng trong tháng cũng thường được chọn làm ngày siêu sale, ví dụ như 8/8, 9/9, 10/10…
Nói chung, các chương trình giảm giá, khuyến mại thường diễn ra quanh năm với mục đích kích cầu, thúc đẩy mua sắm. Tuy nhiên, nếu “săn sale có kế hoạch”, bạn sẽ vừa thỏa mãn sở thích mua sắm, vừa tiết kiệm được tiền. Các đợt sale nhỏ lẻ hằng tháng thường tập trung vào đồ gia dụng, thực phẩm hoặc các sản phẩm không quá đắt tiền, với mức giảm không quá cao. Bạn có thể mua các mặt hàng cơ bản, nhu yếu phẩm trong những đợt sale này. Các đợt giảm giá sâu thường diễn ra vào cuối năm hoặc chuyển mùa. Bạn có thể lên kế hoạch mua quần áo cho cả năm vào dịp Black Friday, mua món đồ điện tử yêu thích vào Cyber Monday, mua mỹ phẩm vào dịp Valentine hoặc canh các đợt Final Clearance của thương hiệu mình yêu thích. Những đợt xả kho thường có mức giảm giá lên tới 90%, bạn hoàn toàn có thể tìm được những món hời nếu đợi được đến ngày này.
So sánh giá ở nhiều cửa hàng khác nhau
Trước khi mua bất kỳ món hàng nào, bạn cũng nên so sánh giá, mẫu mã và chất lượng giữa các shop trên các trang thương mại điện tử khác nhau để có thể tìm được món hàng ưng ý nhất. Đặc biệt là đối với những món hàng gia dụng, điện tử, nội thất,…sẽ bị thách giá ở những cửa hàng khác nhau.
Bạn có thể tìm kiếm giá ở trên Google Mua sắm hoặc các website so sánh giá, điều này có thể giúp bạn có được nhiều cơ hội mua sắm với mức giá ưu đãi hơn. Từ đó có thể tiết kiệm nhiều chi phí trong mua hàng hơn.
Mua hàng của cùng một nhà cung cấp
Phí vận chuyển là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng chi phí của đơn hàng bạn mua, tùy vào khoảng cách giữa người mua và người bán mà chi phí này có thể cao gần bằng giá trị món hàng bạn cần mua.
Để tiết kiệm được chi phí vận chuyển, bạn nên chia các sản phẩm cần mua theo những nhóm riêng, ví dụ như nhóm thực phẩm, nhóm nội thất, nhóm vật dụng gia đình… và lựa chọn mua riêng từng nhóm trong cùng một cửa hàng để được hưởng ưu đãi.
>Xem thêm: Phương pháp phân bổ chi phí: Lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn
— HR Insider/Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.