➤ Làm sao khách hàng có thể nhớ đến định vị thương hiệu khi mà chính chúng ta còn không hiểu rõ được mình?
➤ Làm sao để khiến thương hiệu của chúng ta thật-sự-hiệu-quả chứ không phải tên gọi “cho sang” khi mà ngay từ đầu nền tảng của chúng ta vốn quá đơn sơ, chỉ đến từ ý tưởng chưa được hệ thống hóa rõ ràng?
➤ Và sản phẩm này, thương hiệu này trên thị trường có thật sự cần thiết hay không?
Để trả lời những câu hỏi đó, chúng ta hãy bắt đầu hiểu từ những bước đầu tiên nhất của việc làm thương hiệu.
1. Bắt đầu hiểu thị trường
Khi đã xác định kinh doanh một ngành hàng nào đó, bắt đầu một thương vụ, việc đầu tiên vô cùng cần thiết đó là hiểu thị trường. Thị trường là nơi có cung và cầu. Mối liên hệ giữa mua và bán được kết nối bởi những nhu cầu đến từ những nhóm khách hàng đa dạng trên thị trường. Mỗi nhóm khách hàng sẽ có những nhu cầu riêng biệt và ưa chuộng một brand nhất định trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi họ có những nhu cầu chưa được thõa khác xuất hiện.
Ví dụ trên một thị trường dầu gội, có muôn vàn các nhãn hiệu phục vụ các nhu cầu khác nhau của những nhóm khách hàng khác nhau như Lifebuoy dành cho gia đình, phục vụ nhu cầu chăm sóc tóc sạch cơ bản, với mức giá bình dân, là sự lựa chọn hợp lý đối với các bà các cô chăm sóc cho cả gia đình. Hay như Xmen dầu gội dành cho phái mạnh ngoài trị gàu còn để lại mùi hương nam tính khẳng định mình.
Để tường tận được thị trường, bản thân người chủ doanh nghiệp (hoặc marketer) cần thực hiện một buổi khảo sát nhỏ về tất cả các thương hiệu đang kinh doanh cùng ngành hàng, và người tiêu dùng thuộc ngành hàng đó họ đang sử dụng brand nào, xu hướng thay đổi brand của họ ra sao. Khảo sát có thể thực hiện đơn giản, chỉ cần vào chính cửa hàng của những thương hiệu đó là đã có thể bắt gặp được người tiêu dùng mục tiêu của họ.
Hãy liệt kệ tất cả thông tin thu thập được và hệ thống lại, để dùng cho bước tiếp theo.
2. Xác định và nắm bắt cơ hội
Từ những thông tin thu thập được, bạn sẽ hiểu được nhóm khách hàng trong ngành hàng mà bạn muốn kinh doanh, họ đang bắt đầu xuất hiện những nhu cầu chưa được thõa, chính những unmet needs sẽ cấu thành một nhóm khách hàng mới đầy tiềm năng. Lúc này, hãy nhìn vào nguồn lực, và đưa ra các quyết định đầu tư cho sản phẩm và thương hiệu.
Ví dụ như trước kia các nhãn hàng dầu gội dành cho nam giới chưa hề xuất hiện trên thị trường, người phát triển thương hiệu Xmen đã nhìn thấy nhu cầu mới từ nam giới khi mà chính họ chưa thấy việc chăm chút cho bản thân là việc quan trọng nhưng lại không thể sử dụng sản phẩm dầu gội dành cho nữ mãi được đặc biệt đối với các bạn nam độc thân, nhu cầu muốn khẳng định mình ngày càng mạnh mẽ. Và kết quả Xmen xuất hiện cho đến nay vẫn đang chiếm lĩnh thị trường dầu gội phân khúc dành cho nam giới.
3. Xây dựng sản phẩm
Đây là lúc bạn xây dựng concept sản phẩm của mình. Sản phẩm của bạn sẽ mang lại lợi ích gì cho nhóm khách hàng mục tiêu. Những lợi ích đó sẽ thõa những unmet nào mà họ đang có. Viết tất cả những thông tin đó xuống.
Ví dụ Để đáp ứng nhu cầu thị trường dầu gội riêng biệt cho nam, Dầu gội thương hiệu Xmen với nhiều mùi hương nam tính khẳng định đẳng cấp phái mạnh.
4. Xây dựng cá tính thương hiệu
Sau khi đã có concept sản phẩm, sản phẩm cần có thương hiệu và cá tính riêng biệt. Cá tính thương hiệu phải mang đầy đủ những điểm tương đồng hoặc thật giống với cá tính của nhóm khách hàng mục tiêu. Cá tính mà bạn chuẩn bị xây dựng cho sản phẩm mang thương hiệu của bạn phải phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu.
Các bước truyền thông cũng quan trọng không kém, bạn cần phải truyền thông tất cả những lợi ích sản phẩm và cá tính sản phẩm thương hiệu đến người tiêu dùng bằng những mấu chốt thuyết phục tại những điểm chạm thương hiệu (sự tiếp xúc của người tiêu dùng với thương hiệu như bao bì, báo chí, các đoạn quảng cáo…), nội dung hình ảnh truyền thông cũng phải chứa đựng tính cách thương hiệu và nêu bật lợi ích sản phẩm.
5. Giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi là một lời hứa hoặc một câu nói gói gọn tất cả kết quả bạn thu được từ các bước xây dựng phía trên thật xúc tích ngắn gọn nhất nhưng phải bao hàm chứa đựng được cá tính và phẩm chất sản phẩm.
Nói tóm lại, để có những bước đi lớn và đi được xa, sản phẩm và doanh nghiệp của bạn cần có thương hiệu. Việc định vị thương hiệu chính là bước đi quyết định thành bại trong kinh doanh. Và để làm được điều đó, Người chủ doanh nghiệp, các bạn Marketer phải thấu hiểu ngành hàng, thấu hiệu thị trường và người tiêu dùng. Từ những thông tin nồng cốt đó ta mới có thể phát triển được sản phẩm mà thị trường sẽ mua, cũng như xây đựng được hình ảnh và tính cách thương hiệu khiến người tiêu dùng yêu mến.
— HR Insider / Theo cask —
VietnamWorks.com – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.