Đi phỏng vấn có thể là một trải nghiệm khiến bạn căng thẳng và lo lắng đến tột độ. Cho dù bạn người mới hay ứng viên có kinh nghiệm thì việc gặp mặt trực tiếp nhà tuyển dụng cũng ít nhiều khiến bạn lúng túng.
Thực tế đối với nhà tuyển dụng thực sự muốn tìm kiếm ứng viên tài năng và phù hợp với công ty, kinh nghiệm làm việc hay mức lương ứng viên lựa chọn không phải là điều tiên quyết khiến họ lựa chọn ứng viên đó. Sau đây là những lý do phổ biến khiến nhà tuyển dụng sẵn sàng đánh rớt ứng viên nếu như mắc phải mà bạn cần biết.
1. Tác phong và trang phục không phù hợp khi đi phỏng vấn
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng và hầu hết ấn tượng đầu của người khác với bạn đều đến từ vẻ bề ngoài cùng phong thái của bạn.
Dù bạn thuộc thế hệ X, Y hay Z thì trang phục khi đi phỏng vấn luôn cần phù hợp với văn hóa công ty. Một số ứng viên luôn cho rằng ăn mặc luôn cần phải chỉnh chu như vest, sơ mi tay dài, quần tây,.. .Tuy nhiên, với những công việc đặc thù về sáng tạo (creative) như marketing, designer, thiết kế thời trang,…thì việc ăn mặc quá “chỉnh chu” có thể khiến bạn mất điểm. Hay ngược lại, cách ăn mặc quá “thoải mái” hay tác phong lôi thôi cũng có thể khiến nhà tuyển dụng bỏ qua bạn.
Vậy nên không có một công thức chung nào cho việc lựa chọn trang phục phỏng vấn. Để lựa chọn được trang phục phù hợp bạn nên tìm hiểu về văn hóa công ty và vị trí bạn ứng tuyển. Dù là phong cách nào thì cũng hãy thật chỉnh chu trong trang phục như độ dài váy, quần phù hợp hay quần áo gọn gàng, sạch sẽ,… .
Bên cạnh vẻ ngoài, bạn cũng hãy đầu tư cho mình một tâm thế, phong thái tự tin. Hãy luôn nhớ rằng bạn đến để tìm việc chứ không phải xin việc. Vậy nên, hãy tự tin và thoải mái. Thử nghĩ mà xem, nếu bạn là nhà tuyển dung bạn có dám đặt niềm tin vào những người nhút nhát? Tự tin là bệ phóng duy nhất mà bạn tự tạo được cho chính mình.
Để “ghi điểm” với nhà tuyển dụng hãy chỉnh chu ngay từ vẻ bề ngoài và trang bị cho mình tác phong tự tin . Và đặc biệt lưu ý là đừng bao giờ đến trễ khi đi phỏng vấn. Tôn trọng giờ hẹn là cách thể hiện tác phong làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm.
2. Không tìm hiểu kĩ về vị trí ứng tuyển
Hầu hết chúng ta luôn nghĩ rằng nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm ứng viên giỏi nhất nhưng trên thực tế họ cần tìm là người phù hợp nhất. Vậy nên, nếu bạn muốn trở thành một phần của công ty bạn cần chứng minh rằng mình phù hợp với vị trí đó.
Một ứng viên mơ hồ về lĩnh vực hoạt động của công ty hay không nắm rõ tính chất công việc cơ bản của vị trí ứng tuyển sẽ khó lòng chinh phục được nhà tuyển dụng. Thậm chí còn bị đánh giá là phỏng vấn qua loa, không tôn trọng công ty họ.
Dù bạn có kinh nghiệm nhiều năm làm viêc nhưng nếu không nắm bất kỳ kiến thức nào về vị trí mới thì hoàn toàn có thể bị “out” ngay từ vòng phỏng vấn đầu tiên. Do đó, trước phỏng vấn cho vị trí nào đó, bạn cần đầu tư thời gian tìm hiểu thật kĩ về công ty cũng như tính chất công việc đó.
3. Nhảy việc quá nhiều
Chuyện thay đổi công việc trong thời buổi kinh tế thị trường mở hiện nay là điều hoàn toàn dễ hiểu và phổ biến. Đặc biệt là đối với những ứng viên đã có thâm niên kinh nghiệm nhiều năm thì họ hoàn toàn tự tin nhảy việc khi muốn.
Tuy nhiên, nếu bạn nhảy việc quá nhiều và liên tục thì điều này vô tình cũng làm ảnh hưởng đến mức độ đánh giá của nhà tuyển dụng. Vì nhà tuyển dụng thường cho rằng những ứng viên nhảy việc quá nhiều thường thiếu kiên nhẫn và mức độ gắn bó của ứng viên trong tương lai.
Và tất nhiên không một nhà tuyển dụng nào muốn tuyển ứng viên chỉ làm việc được dăm bữa nửa tháng và họ lại phải cất công tìm kiếm đào tạo lại. Vì vậy, bạn cần hạn chế nhảy việc ở mức tối đa, duy trì sự gắn bó với doanh nghiệp ở mức tốt và ổn định nhất.
4. Không thể hiện được sự đam mê với nghề
Nhà tuyển dụng ngày nay không chỉ nhìn vào kinh nghiệm để quyết định lựa chọn ứng viên mà họ còn cần thấy được ở ứng viên đó có sự đam mê với ngành nghề ứng tuyển. Bởi điều này là chìa khóa quyết định sự gắn bó, sự phát triển bền vững của ứng viên đó trong tương lai. Nếu bạn có đủ đam mê điều đó có nghĩa khi gặp phải khó khăn bạn sẽ cố gắng vượt qua thay vì bỏ cuộc dễ dàng.
Hãy tích cực chia sẻ với nhà tuyển dụng về những điều tích cực trong công việc bạn đang theo đuổi và điều gì là quan trọng với bạn khiến bạn gắn bó với ngành nghề nay sau ngần ấy năm. Ngữ điệu trong giọng nói của bạn chính là thứ khiến người nghe tập trung và làm họ tin những gì bạn đang nói. Do đó, đừng quên thể hiện bằng một tông giọng tự tin, truyền đạt cảm xúc cùng với tư thế ngồi thẳng và nở nụ cười gần gũi khi chia sẻ.
5. Không chứng minh được năng lực thật
Kinh nghiệm nếu chỉ được thể hiện trên CV thông qua số năm làm việc thì không phải là điều thuyết phục được nhà tuyển dụng. Thay vào đó, bạn cần chinh phục họ bằng năng lực thực sự của bản thân khi phỏng vấn.
Sự thật là có vô số những ứng viên cố gắng tạo vẻ bề ngoài bằng kinh nghiệm tráng lệ hoàn hảo nhưng khi phỏng vấn lại không bộc lộ được những điểm mạnh của bản thân. Điều này khiến nhà tuyển dụng đánh giá về sự xáo rỗng và từ chối ngay từ những câu phỏng vấn đầu tiên. Kinh nghiệm bao nhiêu năm hay bạn làm bao nhiêu công ty không quan trọng bằng bạn học và làm được gì từ khoảng thời gian ấy.
Do đó, bạn cần thể hiện được kỹ năng và năng lực của bản thân trong quá trình trao đổi phỏng vấn. Đừng chỉ nói đến số năm kinh nghiệm mà không đề cập bất kỳ thành tựu nào đạt được trong ngần ấy năm đó. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng càng hoài nghi hơn về năng lực thực sự của bạn đấy. Những dự án đã thực hiện hay kết quả thành tích đạt được ở công ty cũ chính là bằng chứng xác thực nhất về năng lực của bạn.
Trên đây là bài viết chia sẻ về một số nguyên nhân khiến bạn bị nhà tuyển dụng ngó lơ dù kinh nghiệm nhiều và mức lương deal cũng không quá cao. Hy vọng bài viết đã chia sẻ đến bạn những kiến thức hữu ích và giá trị trong quá trình tìm việc.
>>>Xem thêm:”Cách trả lời phỏng vấn: Ưu khuyết điểm của bạn là gì?”
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.