Hiện nay, vẫn còn khá nhiều bạn trẻ còn non nớt và bỡ ngỡ trong phỏng vấn này. Vậy làm sao để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng ? Hãy dùng tham khảo những bí quyết sau nhé.
Tìm hiểu trước về công ty và vị trí ứng tuyển khi phỏng vấn
Việc tìm hiểu trước về thông tin liên quan đến vị trí và công ty trước buổi phỏng vấn là vô cùng cần thiết. Hiện nay, một số bạn trẻ vẫn hay bỏ qua bước này. Đây sẽ là một điều tệ hại làm lãng phí thời gian và mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng trong phỏng vấn. Vì sao tôi khuyên bạn nên tìm hiểu trước điều này ?
- Tìm hiểu thông tin và tầm nhìn của công ty giúp bạn biết được định hướng phát triển của doanh nghiệp này. Từ đó, bạn có thể biết được liệu đây có phải là môi trường làm việc ổn định lâu dài. Hơn thế nữa, việc này giúp bạn loại bỏ những câu hỏi ngớ ngẩn như: Công ty kinh doanh mặt hàng gì ? Và được thành lập khi nào ? và thay bằng cách đặt câu hỏi phỏng vấn tinh tế để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Những thông tin này hầu hết được công khai trên website và internet.
- Thông thường khi tuyển dụng, công ty luôn đăng vị trí và mô tả công việc để ứng viên ứng tuyển vào. Biết được điều đó, bạn có thể nhấn mạnh những ưu điểm phù hợp với mô tả công việc nhằm thể hiện bạn là người thích hợp cho vị trí này.
Những thông tin trên rất dễ dàng để tìm thấy. Việc bạn hỏi lại những thông tin đã có sẵn trên internet cho thấy bạn là người lười biếng và không nhiệt huyết với công việc này.
Chuẩn bị trước khi phỏng vấn
Trong phỏng vấn thường được chia làm 3 phần chính:
- Giới thiệu sơ nét bản thân
- Kiểm tra kỹ năng của ứng viên
- Kết thúc buổi phỏng vấn
Nắm được điều đó, bạn cần chuẩn bị xúc tích phần giới thiệu bản thân và tìm hiểu những câu hỏi tình huống hay và các câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp giúp bạn đỡ lúng túng hơn khi “lâm trận”. Bạn có thể tham khảo những bài phỏng vấn hay trên báo hoặc trên google. Internet luôn là công cụ hữu ích như cuốn bách khoa toàn thư có đầy đủ các câu hỏi phỏng vấn hay và khó đủ mọi ngành nghề để bạn học hỏi. Chỉ cần gõ những cụm từ quan tâm sẽ ra nhiều kết quả khác nhau tha hồ bạn tìm hiểu.
Ví dụ: Bạn chuẩn bị ứng tuyển vị trí nhân sự, bạn có thể tìm kiếm những cụm từ liên quan như “ Những câu hỏi phỏng vấn nhân viên nhân sự”; hoặc “ những câu hỏi phỏng vấn ngân hàng và cách trả lời” nếu bạn ứng tuyển vị trí nhân viên ngân hàng. Lập tức những thông tin liên quan hiện ra cho bạn tham khảo.
Bên cạnh đó, bạn cần chuẩn bị các câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng và cách trả lời phỏng vấn xin việc hay nhằm đảo ngược tình thế khi cần thiết. Nếu nhà tuyển dụng nhường sân, bạn có thể ứng phó kịp thời.
Nếu may mắn vượt qua được vòng 1, bạn sẽ được bước vào thử thách vòng 2. Vậy phỏng vấn vòng 2 thường hỏi gì ?
Nếu vòng 1 nhà tuyển dụng đã nắm cơ bản những thông tin về bạn. Việc rà soát lại vòng 2 nhằm giúp nhà tuyển dụng so sánh bạn với những ứng viên khác. Lúc này, việc bạn cần làm là nêu bật lên ưu điểm bản thân phù hợp với vị trí ứng tuyển và thể hiện nhiệt huyết của mình ở vị trí này. Ở vòng này, những câu hỏi tình huống hốc búa sẽ được đưa ra nhằm đánh giá sự nhạy bén và khả năng ứng xử của bạn. Vì thế, dù là phỏng vấn vòng nào thì bước tìm hiểu và chuẩn bị ứng phó trước mọi tình huống và điều tất yếu cần thực hiện.
Chú ý tác phong và thái độ giao tiếp trong phỏng vấn
Kiến thức bạn có thể trau đồi nhưng thái độ thì không. Chính vì điều đó, nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng trao cơ hội cho một “cừu non” nhiệt huyết với công việc. Thế nên, khi đến tham gia phỏng vấn, bạn cần đến sớm hơn giờ thông báo để có thời gian chuẩn bị. Ngoài ra, trang phục chỉnh tề cùng thái độ giao tiếp “cầu việc” sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Tất cả những việc trên tuy nhỏ, nhưng đây là bước đầu cho thấy độ chuyên nghiệp và là tiêu chí tiên quyết giúp bạn lọt top “ứng viên sáng giá” trong mắt nhà tuyển dụng.
Đặt mình vào nhà tuyến dụng
Tôi thường thấy nhiều ứng viên khi tham gia phỏng vấn chỉ muốn biết những thông tin xoay quanh mình như: công việc tôi phải làm là gì ? Phúc lợi của tôi ra sao ?… nhưng ít ai quan tâm đến việc nhà tuyển dụng đang tìm kiếm điều gì ở ứng viên.
Vấn đề này rất quan trọng, chỉ khi bạn hiểu nhà tuyển dụng cần gì bạn mới biết cách làm bật lên điểm mạnh liên quan đến tiêu chí họ cần.
Ví dụ: Công ty đang tìm kiếm nhân viên có kinh nghiệm về thiết kế. Nếu bạn chỉ nhấn mạnh mình là người hoạt bát, thích học hỏi chắc chắn cơ hội quay lại công ty rất thấp.
Luôn nói sự thật
Để muốn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, nhiều ứng viên sẵn sàng phóng đại lên kinh nghiệm của mình. Nhưng bạn đừng quên, doanh nghiệp luôn có nhiều hình thức thử thách ứng viên . Ngoài “được việc” sự thật thà cũng được đánh giá quan trọng không kém. Chẳng có nhà quản lý nào thích nhân viên của mình thiếu trung thực.
Mỗi nhà tuyển dụng sẽ có cách phỏng vấn nhân viên khác nhau. Việc bạn tránh khỏi những câu hỏi rà soát của nhà tuyển dụng đã khó; nếu may mắn được nhận việc, liệu bạn có thể trải qua 2 tháng thử việc với kiến thức non kém của mình ? Vì thế, dù sự thật như thế nào bạn cũng nên trình bày đúng với thực tế. Nếu không, hành động này đang vô tình tước đi cơ hội của riêng bạn. Khi hiện nay nhiều hội nhóm và trang web tuyển dụng có liên kết đánh giá ứng viên, điều này vô tình tạo ấn tượng xấu xí trong mắt doanh nghiệp nếu bạn bị báo cáo và nằm trong danh sách đen của nhà tuyển dụng.
Gửi lời cảm ơn nhà tuyển dụng
Trước khi rời khỏi trong phỏng vấn, bạn đừng quên gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng đã dành thời gian phỏng vấn bạn. Tuy là hành động nhỏ nhưng có tác động tích cực, biết đâu sẽ giúp nhà tuyển dụng có suy nghĩ tốt hơn về bạn.
Buổi phỏng vấn sẽ trở nên thú vị và tuyệt vời hơn nếu bạn chuẩn bị kỹ lưỡng. Bạn hoàn toàn có thể vượt qua thử thách và hòa mình vào buổi phỏng vấn một cách khéo léo và tinh tế. Hy vọng với những chia sẻ kinh nghiệp đi phỏng vấn xin việc trên sẽ giúp bạn sớm tìm được công việc như mong muốn.
>> Xem thêm: Bạn nên chọn công việc vì tiền, kinh nghiệm hay vì đam mê?
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.