Bạn đã nghe đến hiện tượng “nút cổ chai” trong sự nghiệp? Khái niệm này dùng để diễn tả thời kì khủng hoảng của một nhân viên, thường trong độ tuổi ổn định 30, trong trạng thái khủng hoảng và bế tắc với công việc hiện tại. Giai đoạn này chật hẹp như phần cổ chai vậy, nếu không tìm ra phương hướng chính xác cho sự nghiệp, bạn sẽ mắc kẹt mãi trong phần cổ chai của sự nghiệp mà chẳng cách nào thoát ra được.
Thời kỳ uể oải: Quen tay chán làm!
Ngày xưa quen tay hay việc, nhưng giờ đây thì lại là quen tay hay chán. Dường như khi đã qua ngưỡng 30, bạn thường cảm thấy nếu đảm nhận một công việc quá dễ dàng nhưng mức lương lại không như mong đợi, sẽ nhanh chóng làm bạn cảm thấy uể oải mỗi ngày. Tuổi 30 bạn đã nắm giữ nhiều kinh nghiệm trong tay. Tuổi đời đi làm càng cao thì bạn càng kì vọng mức lương cũng sẽ theo năm tháng tăng dần. Đặc biệt, với những nhân viên lâu năm, việc lặp đi lặp lại cùng một công việc hàng ngày vốn dĩ đã nhàm chán, tiền lương lại không đủ làm động lực thì dấu hiệu bỏ việc sẽ ngày càng rõ ràng.
Nếu như khi vừa mới tốt nghiệp, công việc vẫn đầy hứa hẹn, mức lương khởi điểm dù cao hay thấp cũng chẳng mấy quan trọng vì cái bạn cần là sự học hỏi và kinh nghiệm. Nhưng khi đã qua 30, nhìn đồng nghiệp, bạn bè xung quanh dần ổn định, chức này chức nọ hay lương tính bằng nghìn USD, bạn sẽ bắt đầu nhìn nhận lại công việc hiện tại của mình. Bạn sẽ thấy mức lương thật không thỏa đáng với 5, 6 năm hành nghề của mình. Bạn thấy công việc không có khả năng cạnh tranh hay thăng chức. Kết quả là bạn bế tắc với công việc mình đang làm!
Kỳ vọng quá đà: Việc ngon tốn sức!
Vậy đã bao giờ bạn thử nghĩ, nếu được sếp đề bạt lên một vị trí cao hơn, mức lương hấp dẫn hơn, liệu bạn có đủ khả năng để đảm nhận? Một nhân viên văn phòng A sau 4 năm kinh nghiệm đã được sếp lựa chọn cho vị trí trưởng phòng. Anh phấn khởi chia tay công việc đánh máy nhàm chán hàng ngày, hăm hở bước vào những cuộc họp liên miên với lãnh đạo và khách hàng, gánh trên mình hàng tá KPIs mỗi tháng, xắn tay áo cho những dự án lớn bên ngoài và nhiệm vụ phát triển cấp dưới trong công ty. Những ngày đầu quay cuồng trong núi công việc, anh vẫn cảm thấy mới mẻ và hấp dẫn.
Nhưng thời gian qua đi, áp lực lớn lấn át tất cả lợi ích anh có được ở vị trí hiện tại. Anh thức dậy trong sự mệt mỏi khi nghĩ về những gì sẽ trải qua trong ngày. Anh kết thúc một ngày sau khi đã OT thêm 3, 4 tiếng. Anh không còn thời gian cho gia đình hay cá nhân. Anh phải đối mặt với sức ép cả khách hàng lẫn lãnh đạo. Đến lúc này, tiền lương cao cũng không đủ để cứu vãn thời gian và công sức mà anh đánh đổi! Anh bắt đầu nhận ra mình không đủ khả năng để đảm nhận khối lượng công việc như thế này.
Bạn có nhìn thấy chính mình trong câu chuyện trên? Ở tuổi 30, bạn ước gì mình được đề bạt lên một vị trí cao hơn, có thu nhập khá hơn nhưng năng lực của bạn thì lại chưa đủ tầm để đảm đương trọng trách lớn ấy. Bạn e dè trước những lời đề nghị hấp dẫn hoặc thậm chí, ngay khi đã ngồi ở vị trí “quyền cao chức trọng” này, bạn lại cảm thấy đây không phải là “đôi giày” vừa chân dành cho bạn.
Làm sao để thoát khỏi ác mộng tuổi 30?
Người người đều nói, 30 tuổi là cái độ tuổi đáng quan ngại nhất đời người, công việc nhiều tiền thì bạn chưa có được nhưng công việc ít tiền thì chắc chắn chê, bởi thế mà cuộc sống bấp bênh, khó khăn trùng trùng. Nếu bỏ qua vấn đề về tuổi tác và đừng đặt nặng sức ép cho bản thân, bạn vẫn có thể nhẹ nhàng tận hưởng tuổi 30 đến như thuở mới chỉ 20.
Hãy suy nghĩ về đam mê và lập kế hoạch theo đuổi nghiêm túc. Khi bạn đã đi làm lâu năm, chắc chắn đam mê của bạn sẽ thực tế và trong tầm với hơn những năm vào nghề đầu đời. Khi đã xác định đam mê rõ ràng, bạn nên bắt tay vào lập kế hoạch cụ thể để đạt được nó. Để có được điều đó, bạn cần không ngừng vạch ra các chiến lược và cách thức thực hiện. Thiết lập mục tiêu cho sự phát triển nghề nghiệp, xem xét lại các kế hoạch định kỳ nhằm đánh giá lại và cải thiện sự nghiệp của bạn.
Bên cạnh đó, đừng ngần ngại trước những cơ hội giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ. Bằng cách này hay cách khác, việc gặp gỡ nhiều người sẽ giúp bạn phát triển sự nghiệp tương lai tốt hơn. Tạo dựng và duy trì mối quan hệ tại công sở không những giúp bạn thăng tiến trong nghề nghiệp, mà còn góp phần tạo một môi trường làm việc tích cực cho bạn mỗi ngày. Vì vậy, đừng quên giữ mối quan hệ với các khách hàng, đồng nghiệp cũ hay thậm chí là những người mới gặp lần đầu trong các buổi tiệc cộng đồng, bởi điều này có thể giúp ích cho bạn rất nhiều trong tương lai.
Cuối cùng, đừng ngần ngại thử sức và mạnh dạn nhìn về tương lai. Đừng bó hẹp bạn thân trong chiếc vòng “không thể”. Bạn nghĩ bạn không có khả năng thì chẳng bao giờ bạn sẽ tiến đến được vị trí này. Nếu không đủ kiến thức, hãy đăng kí những khóa học hoặc tham khảo từ những người đi trước. Nếu không đủ kinh nghiệm, hãy không ngừng thử sức và trau dồi mỗi ngày. Thay vì ngại ngần và chờ đợi, hãy bắt tay làm ngay mọi thứ bạn muốn làm. Đi làm thêm, chuyển việc, yêu cầu tăng lương, khởi nghiệp tự kinh doanh. Bất kỳ điều gì bạn mong muốn làm và tự tin vào năng lực của mình.
Không phải lúc nào chúng ta cũng thành công với những quyết định trong cuộc sống, nhưng nếu không hiện thực hóa ý định của mình, bạn sẽ luôn sống trong sự “khủng hoảng” của tuổi tác mà chẳng có được một bước tiến rõ rệt nào. Hãy thử bắt đầu trò chuyện để tìm kiếm lời khuyên từ một người bạn lâu năm, từ cấp trên bạn tin tưởng hay đồng nghiệp giàu kinh nghiệm. Hãy lắng nghe, quan sát và học theo những bước đi của họ. Khi ở tuổi 30, đã đến lúc bạn cần tạo nên bước đi của riêng mình.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.