Nhảy việc để tăng lương không còn là vấn đề xa lạ với người đi làm hiện đại. Vì sau một thời gian cống hiến, nếu không được đề xuất tăng lương xứng đáng, bạn sẽ nảy sinh tâm lý chán nản và muốn nhảy việc. Hơn nữa, bạn có thể nhận được mức lương tăng vọt đến 30 – 50% khi xin việc mới thay vì chỉ được tăng 15 – 20% nếu như tiếp tục ở lại. Vậy nhảy việc vì lương có phải là sự lựa chọn tốt nhất chưa?
Tại sao RA ĐI tốt hơn nhưng bạn vẫn nên Ở LẠI?
Sau một thời gian đi làm, chắc chắn chúng ta đều hiểu rằng mức lương được nhà lãnh đạo tính dựa trên phạm vi công việc (SOW) mà nhân viên đảm nhận. Nên hiển nhiên khi lương tăng cao thì trách nhiệm, khối lượng, chất lượng và KPI cũng tăng theo. Vì thế, khi nhảy việc và nhận được một mức lương đề xuất tuyệt vời, đôi khi còn vượt qua dự tính của bạn cũng chưa hẳn là chuyện “đáng mừng”.
Hãy thử tưởng tượng ở môi trường hoàn toàn mới, khối lượng và yêu cầu cực cao nhưng khả năng của bạn lại chưa thể đáp ứng trong thời gian ngắn. Lúc đó, bạn buộc phải nỗ lực và thúc ép bản thân hơn nữa để đảm bảo công việc được hoàn thành. Nếu không đáp ứng được, bạn dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực trong những ngày sau đó. Chưa kể đến việc, bạn không được đánh giá cao và có khả năng không vượt qua thời gian thử việc.
Bên cạnh đó, nhảy việc nhiều trong một khoảng thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình nghề nghiệp và thăng tiến của bạn về sau. Vì không một nhà lãnh đạo nào cảm thấy an toàn khi nhân viên của mình có xu hướng “bay nhảy” nhiều.
Nói đến đây, chắc bạn đang tự hỏi “đi không được ở cũng không xong, vậy phải làm thế nào?” Thật ra, trước khi quyết định nhảy việc vì không được tăng lương bạn hãy thử nghĩ lại xem bản thân đã từng thẳng thắn đề cập vấn đề tăng lương với cấp trên hay chưa? Có từng nhận được câu từ chối tăng lương từ sếp? Hay chỉ thể hiện mong muốn tăng lương qua thái độ đầy mơ hồ và kết quả cũng do bạn tự nhìn và ngẫm được?
Hãy khách quan khi nhìn nhận về mức lương của mình
Tăng lương là mong muốn tất yếu ở bất cứ một người đi làm nào nhưng thay vì quyết định nhảy việc để đạt được điều này, bạn hoàn toàn có thể thay đổi tình hình bằng cách trò chuyện trực tiếp và thẳng thắn với cấp quản lý của mình về vấn đề lương bổng. Bởi việc thay thế nhân viên là rất tốn kém, mất nhiều thời gian và các nhà lãnh đạo cũng sẽ không để mất một nhân viên đầy tiềm năng theo cách đáng tiếc như thế này.
Nhưng trước khi đến gặp sếp và nói chuyện về lương bổng, bạn đừng quên đánh giá khách quan về phạm vi công việc của mình sẽ thay đổi như thế nào để tương xứng với mức lương mới. Ngoài việc đưa ra các chỉ số cụ thể đánh giá hiệu quả công việc mình đem lại, bạn hãy yêu cầu cấp trên giao thêm hạng mục, mở rộng phạm vi công việc để chứng minh bản thân đã sẵn sàng cho một mức lương, chức vụ mới.
Nguyên tắc chữ “T” giúp lương nhảy vọt
Vậy câu hỏi đặt ra là “Liệu mức lương mới có tăng vượt trội như khi chúng ta nhảy việc không?” Vì không lý nào chúng ta chỉ làm công việc trong phạm vi như trước nay và lãnh thêm một số trọng trách mà mức lương có thể nhảy vọt lên gấp 2,3 lần được.
Với nguyên tắc chữ “T” – phương pháp độc đáo sẽ giúp bạn thay đổi và phát triển bền vững hơn trong sự nghiệp với mức lương xứng đáng được các diễn giả chia sẻ thông qua sự kiện Begin.Again. Nguyên tắc chữ “T” sẽ gồm 2 hướng là phát triển theo chiều ngang và phát triển theo chiều dọc.
Phát triển theo chiều ngang – phương pháp học hỏi, tiếp thu các kiến thức, kỹ năng mới trong lĩnh vực đang làm hoặc nâng cao các kỹ năng mềm như: Kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề…Chẳng hạn như, bạn là một Copywriter trong lĩnh vực Marketing, bạn có thể học thêm các kiến thức về Digital để nâng cao kiến thức và có thể trở thành cấp quản lý.
Phát triển theo chiều dọc – phương pháp để bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Để làm được điều này, bạn có thể đăng ký các khóa học liên quan đến chuyên môn của mình hoặc tham dự các buổi hội thảo, sự kiện hoặc học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước.
Từ nguyên tắc chữ “T”, bạn hãy vạch ra cho mình những hướng đi rõ ràng và xác định mình muốn phát triển theo phương pháp nào. Sau đó, thẳng thắn trình bày với cấp trên để đề xuất mới về công việc. Từ đó, việc tăng lương sẽ được nhìn nhận tích cực với mức xứng đáng dành cho năng lực của bạn. Và tất nhiên, khả năng thành công sẽ cao hơn, thậm chí vượt xa sự mong đợi của bạn.
Vì khách quan mà nói, việc tăng lương còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả làm việc và những đóng góp của bạn dành cho doanh nghiệp. Bạn không thể đòi hỏi quá cao nếu như bạn không làm tốt phần việc của mình. Vì thế, thay vì băn khoăn nên nhảy việc hay không, bạn có thể dành thời gian phát triển bản thân để hoạch định một kế hoạch thăng tiến, tăng lương bền vững.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Mức lương không như mong đợi, chưa tìm được cơ hội thăng tiến, chưa có cơ hội phát huy thế mạnh bản thân trong công việc luôn là những trăn trở của rất nhiều người đi làm, đặc biệt là nhân sự có kinh nghiệm và các cấp quản lí. Thấu hiểu được những trăn trở đó, VietnamWorks đã khởi xướng hành trình Begin.Again nhằm mang đến cho người tìm việc những giải pháp và tìm thấy cơ hội bứt phá trong sự nghiệp. Cùng với đó, sự kiện Begin.Again nằm trong chuỗi hành trình diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội vào ngày 27/7 và 3/8 vừa qua đã là cầu nối hữu ích giữa người tìm việc cùng Doanh nhân Thái Vân Linh và các nhà lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam. HR Insider cho ra chuỗi bài viết dựa trên những chia sẻ của các diễn giả tại sự kiện với hy vọng giúp bạn tìm ra những giải pháp sự nghiệp cho riêng mình! |
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.